Người thầy đầu tiên của tôi

GD&TĐ - Cầm tay dạy cho tôi những nét chữ đầu tiên là cô giáo Lê Thị Việt. Đã ngót bốn mươi năm trôi qua, hiện cô chỉ là một nông dân sống ở thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng trong tôi vẫn là một cô giáo với tất cả những gì đẹp đẽ và đáng trân trọng nhất.

Cô Lê Thị Việt cùng học trò của mình.
Cô Lê Thị Việt cùng học trò của mình.

Đó là một ngày đẹp trời, năm 1980, tôi chả biết là mùa nào vì còn quá nhỏ để biết điều đó (6 tuổi), chị gái hơn tôi 4 tuổi, vừa cõng vừa dắt tay tôi đến lớp. Đón tôi là cô giáo có gương mặt trăng rằm, với nụ cười hiền như chị Tấm. Ngót 40 năm rồi thế mà nụ cười ấy vẫn hằn trong tâm khảm tôi, mỗi lần nhớ đến lòng tôi tự nhiên thấy trong sáng và duỗi ra, bao mệt nhọc eo sèo cuộc sống đều tan biến.

Cô giáo tôi mặc chiếc áo pha nilon trắng tinh và quần lụa đen mượt, mái tóc óng ả như gỗ mun, dài chấm gót, giọng nói ngọt ngào trong trẻo. Chỗ chúng tôi học chỉ là cái lán lợp bằng tranh lá mía, không có phên che xung quanh, chỉ có cái bảng đen và vài bộ bàn ghế thô sơ làm vội của mấy bác thợ mộc không chuyên, nhưng cô giáo tôi hiện lên nơi đây đẹp đến lạ lùng.

Cô giáo tôi mỗi ngày đến lớp, không giáo án, không sổ sách, không máy tính, không điện thoại,… Chỉ thả bộ thướt tha với mái tóc dài, áo trắng, quần lụa cùng chiếc thước kẻ và hộp phấn. Lũ chúng tôi khoảng mươi đứa, ăn mặc nhếch nhác, mũi xanh thò lò, đến lớp chỉ có cuốn vở giấy khoai đao bề trơn bề nhám màu nâu được anh chị đóng vụng về bằng kim chỉ, và cái bút chì, có đứa chỉ là cái lõi pin vót nhọn.

Cô dạy chúng tôi đọc -viết các chữ cái, ghép vần, làm toán cộng trừ trong phạm vi 20 và dạy hát những bài cô thường hát. Sau này chúng tôi biết cô không học qua trường sư phạm, đi dạy như vậy là do bà con hợp tác xã nông nghiệp cử ra, dạy không có lương, chỉ được tính bằng công điểm.

Nơi từng là lớp học và lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm.
 Nơi từng là lớp học và lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm.

Mỗi ngày, cô nắn nót viết lên bảng những con chữ to, tròn trịa và đẹp như những bông lúa, lũ chúng tôi gò lưng cố hết sức làm sao để viết cho giống cô, nhưng chỉ nghệch ngoạc lên xuống, méo mó.

Tuy vậy cô không bao giờ gắt gỏng, chỉ mỉm cười hiền hậu và lần lượt đến bên từng đứa cầm tay đưa nét bút chì lái cho thẳng thắn, tròn đầy. Không những thế cô còn cắt tóc, bắt chí (chấy) cho lũ chúng tôi khi học xong. Những lúc ấy chúng tôi quây quần bên cô như lũ gà con vây quanh gà mẹ.

Dần dà, rồi đứa nào cũng biết đọc biết viết biết làm toán dưới sự dạy dỗ ân cần của cô. Cho đến một ngày cả lớp thẫn thờ hay tin cô phải nghỉ dạy để sinh em bé.

Lớp vỡ lòng cô dạy chúng tôi là lớp cuối cùng của cái gọi là chương trình hệ 10 năm. Sau này cô có tham gia dạy mẫu giáo vài năm nữa cho đến khi chồng cô phục viên bộ đội về làng thì cô nghỉ hẳn để chuyên tâm làm nông chăm lo cuộc sống gia đình. Con cái đông, chồng mất sớm, cuộc sống vất vả, tuổi tác… đã làm cô tôi già nua tàn tạ. Nhưng mỗi lần gặp cô tôi vẫn thấy cô đẹp đến lạ lùng.

Dù sau này, được học với rất nhiều thầy cô, nhưng hình ảnh cô giáo vỡ lòng vẫn cứ in đậm trong lòng tôi với tất cả lòng yêu thương, kính trọng và ngưỡng mộ.  Giờ đây mỗi lần gặp cô tôi vẫn nghiêm cẩn chào cô, cô ứa nước mắt xua tay: “Em đừng chào tui bằng cô nữa. Tui chỉ là bà già nông dân quê mùa thôi em ơi, không xứng để gọi cô đâu”. Cô nói vậy mà lòng tôi lại đầy mưa gió, giông bão.

Bây giờ tôi cũng làm nghề dạy học, sắp đến ngày nhà giáo, mọi người hân hoan đón ngày tôn vinh, riêng tôi lại nghẹn ngào nghĩ về người thầy đầu tiên của mình, cô giáo dạy vỡ lòng, Lê Thị Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ