Hiếu nguyên là thầy giáo, chỉ vì phút nông nổi, không kiềm chế được bản thân nên đã cầm dao tước đi mạng sống của người khác, lĩnh án tù 11 năm.
Những ngày khoác lên mình bộ quần áo sọc dọc, dẫu vẫn được làm “thầy”, nhưng Lê Văn Hiếu đã thấm thía những bài học nhân văn sâu sắc, điều mà chắc hẳn cả đời cắp sách đi dạy, Hiếu không thể biết được, nếu không có lối rẽ phận người này.
Tôi tình cờ gặp phạm nhân Lê Văn Hiếu tại thư viện phạm nhân của Trại giam số 6 (Bộ Công an), khi đang sắp xếp lại mấy cuốn sách về pháp luật mà phạm nhân nào đó vừa xem xong nhưng lại không để gọn vào giá.
Lê Văn Hiếu bảo, thư viện phạm nhân tuy nhỏ nhưng có rất nhiều đầu sách, phần lớn là bổ trợ kiến thức về pháp luật cho phạm nhân nên rất bổ ích. Không gian này cũng là nơi làm việc thường xuyên của phạm nhân này mỗi khi có phạm nhân mới nhập trại.
Việc mà Hiếu kể ở đây là dạy chữ cho những thành phần vào trại nhưng không biết đọc, biết viết. Công việc đúng chuyên môn nhưng không hề nhẹ nhàng, bởi gần như lần “nhập kho” nào cũng có kẻ mù chữ. Mà đã phàm không biết chữ mới thường hay vi phạm pháp luật. Dạy chữ trong trại giam cũng có nhiều cung bậc xúc cảm.
Bước rẽ phận người của một thầy giáo
Phạm nhân Lê Văn Hiếu (37 tuổi), quê ở xã Đức Thành (Yên Thành, Nghệ An). Quê lúa xứ Nghệ vốn có truyền thống hiếu học, bố mẹ lại làm giáo viên, nên Hiếu không đi theo chí hướng của 4 anh chị mình mà nối nghiệp đấng sinh thành, đeo bám nghề giáo.
Lê Văn Hiếu tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, khoa Giáo dục tiểu học và được nhận về làm công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Đức Thành, nơi bố mẹ mình đang công tác.
Vốn có năng khiếu sư phạm, lại yêu nghề, yêu trẻ nên được trò yêu, đồng nghiệp quý mến. Con đường danh lộ cũng vì thế mà gặp nhiều thuận lợi.
Từ anh giáo viên quèn, Hiếu được cân nhắc làm tổ trưởng bộ môn, rồi Tổng phụ trách Đội và đến năm 2010, sau 5 năm công tác và cống hiến, Lê Văn Hiếu đã được lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện ký quyết định giữ chức Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Tuy nhiên, cũng thời gian này, bước ngoặt cuộc đời đã ập đến, cướp đi của Hiếu tất cả.
Phạm nhân Hiếu ngậm ngùi nhớ lại, ngày định mệnh đến với đời mình là đêm 7/2/2010, một ngày áp Tết Nguyên đán. Hôm ấy, gia đình chú ruột tổ chức đám cưới cho con. Đang được nghỉ dạy nên Hiếu đến phụ giúp.
Loay xoay cả ngày nên mệt, mấy anh em đồng hao kêu nhau mang rượu ra uống. Ngồi được một lúc, khi rượu đã mềm môi, trong người lâng lâng thì Hiếu nhận được tin, đứa em đang bị trai làng bên vây đánh.
Sẵn hơi men, Hiếu tức tốc chạy về nhà mình, lôi chiếc kiếm vốn là quà tặng của một đồng nghiệp từ miền núi về chơi để làm kỷ niệm, rồi hùng hổ chạy sang giải cứu.
Đến nơi, chưa kịp hiểu mô tê gì cả, thấy đứa em đang bị một nhóm vây lại, trong đó một thanh niên làng đang đấm đá túi bụi, Hiếu vứt xe, cầm kiếm xông vào thị uy đối thủ bằng một nhát đâm thấu ngực. Tối cùng ngày, nạn nhân tử vong.
Hiếu được bố mẹ đưa đến Công an xã đầu thú về hành vi giết người. Lúc này, men rượu đã hết, Hiếu mới sực tỉnh, rất sợ hãi và hối lỗi nhưng tất cả đã muộn màng.
“Thú thực, khi hành động như vậy, con đã bị men rượu làm cho tê dại cán bộ à. Đời con chưa bao giờ cầm nổi con dao để cắt tiết gà, nhưng lại mang án giết người, đó là một bi kịch lớn của đời người”, Hiếu cúi đầu, xưng con với tôi trong niềm ân hận tột độ.
Án tù 11 năm được tuyên sau đó không lâu là mức án thấp nhất mà pháp luật dành cho Hiếu, bởi sự ăn năn hối cải sau đó, gia đình Hiếu đã đến gặp gia đình nạn nhân xin lỗi và bồi thường.
Ngày Hiếu ra toà, bố mẹ nạn nhân cũng đã xin giảm bớt hình phạt cho Hiếu, song điều mà phạm nhân trí thức này không thôi ám ảnh, ấy là toà án lương tâm từng ngày từng giờ luôn cắn rứt, giày vò.
Hồi sinh kỳ diệu từ trại giam
Phạm nhân Lê Văn Hiếu xót xa nhớ lại cái ngày mình gây nên thảm họa cũng là thời điểm bản thân đang được tín nhiệm để giữ chức Phó Hiệu trưởng.
“Cách mấy ngày sau kể từ hôm con bị bắt giam, vợ ôm con đến thăm và ngậm ngùi cho biết, phòng giáo dục đã có quyết định cho con giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Thành, nhưng tất cả đã muộn”.
Hiếu kể thêm, những ngày mới vào trại giam, tinh thần suy sụp và bi quan lắm. Cũng may, được người nhà động viên, cán bộ quản giáo biết hoàn cảnh của Hiếu nên thường xuyên an ủi, bởi vậy mà dần dà Hiếu đã quen được với môi trường trại giam, gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về nhà.
Những ngày chưa gây nên tội ác, Lê Văn Hiếu được bạn bè đồng nghiệp gán cho tên gọi vui vui, là thầy giáo nghiêm túc. Hiếu không bia rượu, cờ trà mà ngoài giờ lên lớp, cắm cúi làm nhiều việc khác nhau để tăng thêm thu nhập.
Vợ Hiếu, chị Cung Thị Chung, chỉ làm nông, nuôi lợn và chăm lo cho hai đứa con ăn học. Hai vợ chồng với nghề nghiệp như vậy, thu nhập đủ sống nhưng nhờ sự tháo vát, siêng năng của Hiếu mà anh đã có căn nhà hai tầng khang trang, nổi bật giữa làng quê.
Trong khu vườn ấy, Hiếu đã tạo được cho mình một vườn cây cảnh, vừa có giá trị kinh tế lại mang tính thẩm mỹ.
Lê Văn Hiếu tâm sự, những ngày dài nằm trong trại giam, cái mà Hiếu nhớ nhất là những ánh mắt thơ ngây, thao thiết của học trò.
Hiếu thèm lắm cảm giác được cầm viên phấn trắng đứng trên bục giảng, nhớ mái trường đã cùng bản thân đi qua những năm tháng khó khăn trong từng năm học.
Trong một bài viết tự sự về bản thân, phạm nhân Lê Văn Hiếu đã viết: "Bản thân tôi là một giáo viên hàng ngày vẫn dạy dỗ các em học sinh cái chữ, dạy cách làm người.
Thế mà chính tôi lại tự đánh mất đời tôi để giờ đây khi nằm ở trại giam tôi luôn thao thức nhớ đến học trò, nhớ về những buổi đứng trên bục giảng, nhớ về mái trường mà tôi đã gắn bó, đã góp công xây dựng.
Đó là nỗi đau lớn của đời tôi. Tôi đã phụ lòng tin tưởng của các em học sinh, đã phụ công dạy dỗ của các thầy cô, phụ công lao xã hội đã đào tạo tôi thành giáo viên mà tôi chưa làm được gì cho đời.
Tôi là kẻ sát nhân đã cướp đi mạng sống của một con người. Đêm đêm tôi giày vò ân hận và đau đớn. Tôi đã làm tan nát không chỉ một gia đình.
Tôi muốn cất lên một lời xin lỗi nhưng thật khó bởi nó quá muộn màng. Hai chữ "xin lỗi" sao cứ lặng câm mà không thể thốt ra. Đêm từng đêm tôi chỉ ước ao giá như lúc đó tôi biết kiềm chế. Giá như lúc đó tôi biết suy nghĩ vững vàng.
Giá như lúc đó tôi bình tĩnh” (trích trong một bài viết có tựa đề “Sự ân hận và niềm tin hướng thiện” của phạm nhân Lê Văn Hiếu).
Ý thức được hành vi tội lỗi của mình, Hiếu nguyện sẽ tu tâm cải tạo để sớm trở thành một người lương thiện. Điều may mắn đến với Hiếu từ trong trại giam, khi cán bộ quản giáo biết Hiếu nguyên là giáo viên tiểu học, lại có tinh thần cải tạo tốt nên đã giao cho công việc dạy chữ cho các phạm nhân mới vào nhưng không biết đọc, biết viết.
Hiếu cho biết, dạy phạm nhân khó hơn dạy các em học sinh rất nhiều, bởi những học trò quái biệt này luôn nghĩ ra đủ chiêu trò để đối phó, song kinh nghiệm của một người có nhiều năm đứng lớp đã giúp Hiếu bắt đúng bệnh, tỉ mẩn dạy cách đọc, cách viết cho các phạm nhân tối dạ.
Từ ngày gắn bó với công việc này, Hiếu cảm thấy yêu đời hơn rất nhiều, ở một chừng mực nào đấy, bản thân Hiếu nhiều lúc có cảm giác mình vẫn đang là một nhà giáo thực thụ. Công việc tuy không bận rộn nhưng gần như chiếm mất gần hết quỹ thời gian của Hiếu trong trại giam.
Những khi không có “học trò” để dạy, Hiếu lại ra thư viện phạm nhân, đọc sách báo, nghiên cứu thêm “giáo án” để làm sao dạy tốt nhất, giúp phạm nhân đọc hiểu được văn bản pháp luật, đó cũng là cách để Hiếu tri ân với cán bộ quản giáo.
Gần 4 năm sống cảnh cơm tù áo số, gần như dịp thăm nuôi nào vợ con Hiếu cũng lên thăm. Đó là một nguồn động viên, an ủi rất lớn để Hiếu gắng cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ gia đình.
Cũng có vài lần bố mẹ Hiếu bắt xe đò lên thăm con, nhìn mái tóc đấng sinh thành bạc trắng theo thời gian, lòng Hiếu xót xa lắm. Những lần gặp như vậy, cha con đều khóc.
Thời gian đang chầm chậm trôi, đồng nghĩa với ngày về với Lê Văn Hiếu cũng đang ngắn lại. Sau này ra trại, nhất định bản thân sẽ làm lại, bắt đầu mọi thứ từ đầu thật không dễ dàng gì, nhưng với sự quyết tâm cao độ, hẳn mọi khó khăn sẽ nằm lại sau lưng.
Ấy là phạm nhân Lê Văn Hiếu đã quả quyết với tôi như vậy, trước lúc cánh cửa nhà giam đóng lại sau lưng, tiễn tôi về lại thành phố, còn Hiếu lại cần mẫn với công việc của mình, dạy chữ sau song sắt nhà tù.