Người thầy đặc biệt của những học trò cùng cảnh ngộ

GD&TĐ - Bị khiếm thính bẩm sinh và nuôi dạy trẻ có cùng cảnh ngộ, nên thầy giáo Võ Duy Quang - Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thính Lâm Đồng luôn là tấm gương sáng về nghị lực để học sinh noi theo. Thầy đã truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho học sinh khiếm thính để các em vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Thầy Quang trong giờ lên lớp
Thầy Quang trong giờ lên lớp

Truyền nghị lực cho học trò cùng cảnh ngộ

Sinh năm 1988 tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), thầy Quang không may bị điếc bẩm sinh. Ngày còn nhỏ, bản thân thầy cũng chưa hiểu được người điếc là như thế nào. Năm 1996, thầy được đi học ở Trường Nuôi dạy trẻ câm điếc tỉnh Lâm Đồng, nay là Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng.

Đến năm 2001 thầy được chuyển đến học tại Trường Hy vọng Bình Thạnh - TPHCM trong 3 năm. Sau đó, thầy Quang may mắn được nhận vào học theo Dự án Giáo dục Trung học - Đại học dành cho người điếc Việt Nam do Quỹ Nippon - Nhật Bản tài trợ thực hiện tại Trường Đại học Đồng Nai.

 

Thầy Võ Duy Quang là một trong số 48 thầy cô được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018”. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Thầy Võ Duy Quang với dáng người nhỏ nhắn nhưng luôn tràn đầy năng lượng và tình yêu thương đối với học trò của mình. Đó là một tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự cống hiến trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà”.

Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long

Năm 2014, thầy Quang tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Giáo dục tiểu học, sau thời gian thực tập tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng và Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Đồng Nai, thầy được nhận về giảng dạy tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng năm 2014. Thầy Quang bộc bạch: “Sợi dây kết nối lớn nhất giữa tôi và các em học sinh điếc, khiếm thính chính là sự đồng cảm. Từ chính bản thân mình, tôi thấu hiểu được suy nghĩ của những em học sinh để giảng dạy, giúp các em tiếp thu tốt hơn, đặc biệt là vận dụng phương pháp song ngữ bằng ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt”.

Hơn 4 năm trực tiếp giảng dạy, điều làm thầy giáo trẻ hạnh phúc nhất là có thể tiếp cận và truyền đạt kiến thức của mình đến các em. “Hiểu được rằng, các em có sự mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết của mình nên tôi cố gắng hết sức để giúp các em vượt qua rào cản về tâm lý. Từ đó nỗ lực, phấn đấu trong việc học tập và tự tin giao tiếp với xã hội” - thầy Quang chia sẻ.

Không giấu nổi niềm vui khi nỗ lực, cố gắng của mình đã có kết quả; thầy Quang cho biết, hiện nay các em đã có sự thay đổi về nhận thức, có tiến bộ nhiều trong việc học tập và hoà nhập xã hội. Nhiều học sinh của thầy đang nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành những nhà giáo, kỹ sư... và thành công trong cuộc sống.

Coi học trò như con!

Theo thầy Quang, ngôn ngữ ký hiệu được coi là “tiếng mẹ đẻ” với người câm điếc, khiếm thính. Ngôn ngữ ký hiệu có tác động đến quá trình học tiếng Việt của các em. Vì thế, việc tạo hứng thú cho các em trong từng tiết học là rất quan trọng.

Trong quá trình dạy học, thầy Quang thường dạy học sinh theo phương pháp song ngữ: Ngôn ngữ ký hiệu - Ngôn ngữ nói - Viết. Vì ngữ pháp - cấu trúc của ngôn ngữ ký hiệu khác với tiếng Việt và giống như học tiếng Anh - Việt. Dựa vào chương trình dạy tiếng Việt, thầy đọc một bài trước và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Trước tiên là đọc bằng ngôn ngữ ký hiệu, trong đó nội dung bài được chuyển dịch từ tiếng Việt sang ngôn ngữ ký hiệu, giải nghĩa từ kết hợp các tranh ảnh, tóm tắt ý chính và trả lời câu hỏi của bài giúp học sinh dễ hiểu bài. Tiếp đó, các em rèn luyện biểu đạt ký hiệu bằng đánh vần nói về các từ vựng đã giải thích để nhớ lâu. Sau đó, thầy khuyến khích các em viết từ lên bảng hoặc vào vở để giúp các em có thêm vốn từ.

“Từ phương pháp học này, các em biết suy nghĩ và có nhiều cảm xúc trước khi viết một đoạn văn. Tôi tin rằng, khi các em có nền tảng ngôn ngữ và tư duy được phát triển sẽ không bị rào cản về ngôn ngữ và có tương lai tốt đẹp hơn” - thầy Quang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...