Người thầy của tôi

GD&TĐ - Ngôi trường THPT tôi từng học khá đặc biệt. Đặc biệt thứ nhất là sân trường không chỉ rực rỡ màu đỏ của hoa phượng mà còn ngập tràn trong sắc tím bát ngát của hoa bằng lăng. Đặc biệt bởi câu thơ “Khi tôi ở chỉ là nơi đất ở/Khi tôi đi đất đã hoá tâm hồn” ở cổng trường luôn thổn thức trong trái tim bao thế hệ học trò.

Người thầy của tôi

Và trên hết là bởi những con người đặc biệt- những nhà giáo tận tâm với nghề, những tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người. Thầy tôi - nhà giáo ưu tú Lê Thái Phong- là một trong số đó.

Một nhà giáo tận tâm

Ngày tôi gặp thầy chính là buổi học đầu tiên ở trường THPT Phan Bội Châu tháng 9/1999. Từ đó, in đậm trong ký ức của tôi là hình ảnh của thầy- một nhà giáo tận tâm, một nhân cách đẹp, một nghị lực phi thường.

Bước vào lớp 10, thầy là thầy giáo chủ nhiệm của lớp 10C1K28 chúng tôi. Khi đó, chúng tôi chưa biết điều gì về thầy nhưng chính thầy đã chinh phục hoàn toàn những cô học trò nhỏ bằng cách dạy mang tính khơi gợi, gợi mở kích thích trí tưởng tượng và cảm nhận của học sinh về những tác phẩm văn học. Những tiết học của thầy chưa bao giờ nhàm chán, vẫn in đậm trong tâm trí tôi đến tận bây giờ.

Thầy Lê Thái Phong từng là giáo viên Văn Trường chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An ngay từ những khoá học đầu tiên. Thầy từng đào tạo không biết bao nhiêu học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh trong suốt cuộc đời cầm phấn của mình.

Không chỉ vậy, thầy còn dìu dắt bao thế hệ nhà giáo trẻ, bồi dưỡng họ trở thành những giáo viên giỏi, trong số đó có thể kể đến cô giáo Nguyễn Kim Chi- giám đốc sở giáo dục đào tạo nghệ An, cô giáo Nguyễn Giang Chi – hiệu phó trường THPT Phan Bội Châu,…

Năm 2000, thầy rời trường chuyên Phan Bội Châu để về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Đến nay, tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng thầy vẫn rất tâm huyết với nghề, với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Thầy vẫn viết rất nhiều bài báo đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Để ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của thầy cho sự nghiệp trồng người, thầy đã được nhà nước vinh danh trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Hiện thầy đang sống tại một khu chung cư rất yên bình ở Cửa Lò, Nghệ An.

Người thầy truyền cảm hứng

Không chỉ kính trọng tài năng, tâm huyết với nghề của thầy mà hơn hết tôi ngưỡng mộ nhân cách và nghị lực phi thường của thầy trước những sóng gió trong cuộc đời. Tôi đã khóc khi nghe kể về cuộc đời thầy. Khi biết thầy đã trải qua nỗi đau đứt ruột: người con gái thầy, một nhà báo trẻ tuổi đã hi sinh khi đang tác nghiệp. Sau cú sốc ấy, chỉ sau một đêm, tóc thầy bạc trắng. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau ấy. Chuyện ấy đã qua lâu khi chúng tôi được gặp thầy. Khi biết người thầy luôn lạc quan với nụ cười hiền dịu mỗi khi đứng lớp của chúng tôi đang ngày đêm vật lộn với căn bệnh suy tim độ 3, lòng tôi luôn xốn xang. Thương thầy và càng ngưỡng mộ thầy.

Với một lớp chuyên Văn 29 cô gái lúc đó, thầy là hình ảnh đẹp nhất, rực rỡ nhất, hoàn hảo nhất. Vì thế, chúng tôi yêu luôn cả cái tên của thầy và thậm chí hứa hẹn sau này sẽ đặt tên con là Phong.

Trong suốt cuộc đời, tôi không thể nào quên được hình ảnh của người thầy kính yêu ấy. Làm sao kể hết về thầy? Thầy thực sự trở thành thần tượng của chúng tôi.

Từ khi được học thầy, qua những giờ giảng văn, những lời tâm sự của thầy, tôi dần yêu nghề giáo, tôi khát khao, ao ước được như thầy. Cách truyền giảng của thầy rất đặc biệt, rất dễ “thấm”. Buổi học đầu tiên, với mong muốn nhắc nhở chúng tôi: kiến thức là đại dương mênh mông mà hiểu biết của con người là hữu hạn, thầy đã vẽ lên bảng hai vòng tròn đồng tâm. Trong đó, vòng tròn lớn là biển cả tri thức, vòng tròn nhỏ chính là vốn kiến thức của mỗi cá nhân. Khi chúng ta tích luỹ nhiều kiến thức, vòng tròn nhỏ lại càng lớn lên, điểm tiếp xúc giữa hai vòng tròn càng nhiều giúp chúng ta nhận ra những điều mà mình chưa biết.

Vì thế, thầy kết luận: có những người nói càng học càng thấy mình dốt, đó là nói đùa nhưng xuất phát từ một sự thật: khi càng học họ càng nhận ra kiến thức mênh mông, nhận ra bao điều mình chưa biết nhờ sự lớn dần lên của vòng tròn nhỏ đó. Chính điều đó càng kích thích họ tìm hiểu, khám phá và chiếm lĩnh tri thức. Bài học ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, để tôi luôn cố gắng học hỏi, tích luỹ kiến thức – để vòng tròn của mình lớn mãi.

Kỷ niệm về thầy thật nhiều, nhưng sâu sắc, in đậm mãi trong tôi vẫn là những bài học về cuộc sống được lồng ghép qua những bài giảng của thầy. Khi ấy, tôi chỉ là một cô học trò nhỏ, chưa hiểu cái gọi là kĩ năng sống, là tích hợp,… mà chỉ biết rằng qua những lời giảng của thầy, chúng tôi thấm thía những thông điệp giản dị của cuộc sống. Phải chăng từ những giờ học ấy, thầy đã truyền cho chúng tôi cái Tình cao quý: Tình người.

Nếu nói rằng người thầy giỏi là người thầy truyền cảm hứng cho học trò thì thầy tôi chính là một người giáo viên như vậy. Đó là động lực thúc đẩy tôi luôn nỗ lực trong sự nghiệp cầm phấn của mình. Cảm ơn những bài học của thầy. May mắn và hãnh diện vô cùng vì được gặp thầy, được học thầy, và bây giờ được viết những dòng này về thầy – Người thầy của tôi.

(Kính tặng thầy Lê Thái Phong)

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.