Ký ức cùng năm tháng
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tại bến Sầm Sơn (nay gọi là cảng Lạch Hới, thị xã Sầm Sơn) nhân dân Thanh Hóa đã đón lần lượt hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ, HS, nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc tham gia quân đội, phát triển kinh tế.
Hàng trăm HS miền Nam độ tuổi từ 12 đến 15 đã ở lại Thanh Hóa học tập, rèn luyện từ năm 1954 đến hết năm 1955 đầu năm 1956. Tại Thanh Hóa bấy giờ có các trường số 3, số 5, số 7, số 9 ở các xã Quảng Giao, Quảng Hải, Quảng Ngọc (Quảng Xương) trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc khoảng gần 800 HS miền Nam.
Các thầy cô giáo được chọn dạy ở các trường HS Miền Nam đều là những người trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn, đạo đức tốt và có lòng yêu nghề mến trẻ, đồng thời phải có năng khiếu thể thao, văn nghệ.
60 năm đã đi qua, những năm tháng lịch sử còn ghi dấu mãi, nhưng nhiều thầy cô giáo của thế hệ HS miền Nam tập kết ra Bắc tại Thanh Hóa đã không còn nữa.
Chúng tôi đến thăm thầy Đàm Lê Cẩn, một trong số ít thầy giáo còn lại của thế hệ giáo viên dạy trường HS miền Nam thời bấy giờ. Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng thầy Cẩn nằm bên trong con đường nhỏ yên tĩnh.
Trong nhà, những tấm ảnh kỷ niệm ghi dấu lại những lần thầy Cẩn gặp mặt HS miền Nam, những tấm huy, huân chương được treo trân trọng trên tường phòng khách.
Chỉ cho chúng tôi những bức ảnh được chụp với Chủ tịch nước, những tấm huân, huy chương, thầy Cẩn nói: Cả cuộc đời làm nghề “gõ đầu trẻ”, đó là những tài sản quý giá nhất, là niềm tự hào của thầy.
Ngày 20/11/2007, thầy Cẩn là 1 trong 7 nhà giáo được chọn gặp chủ tịch nước, Bộ giáo dục và Trung ương Hội giáo chức nhân ngày tôn vinh các thế hệ nhà giáo tại Phủ Chủ tịch.
Trò chuyện với chúng tôi, dù tuổi đã cao nhưng khi nhắc đến những ngày tháng tham gia đón tiếp đồng bào, cán bộ, bộ đội và HS miền Nam tập kết ra Bắc ngày 15/10/1954, đôi mắt thầy Cẩn ánh lên niềm vui.
Thầy Cẩn sôi nổi kể về những ngày tháng đón tiếp và nuôi dưỡng đồng bào Miền Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ nhiều khó khăn nhưng ấm tình Bắc – Nam ruột thịt. Đặc biệt là những ngày tháng trực tiếp dạy học, chăm sóc các HS Miền Nam. Đó là những kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm trí thầy Cẩn.
Thầy Cẩn xúc động kể: Lúc ấy, thầy còn là một thanh niên mới 22 tuổi luôn vui vẻ, sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Thầy đang dạy học tại Trường Bùi Thị Cúc thì được Ty Giáo dục Thanh Hóa cử đến dạy học tại trường HS Miền Nam.
Thầy cùng nhiều giáo viên khác đã trực tiếp đi đón HS Miền Nam tại bến Sầm Sơn. Khi tàu đưa đồng bào, bộ đội và HS cập bến, nhiều em còn nhỏ tuổi lại phải đi đường dài nên mệt và sức khỏe yếu. Các thầy giáo, người thì cõng, người thì bế các em vào lán để chăm sóc cho các em.
Thầy Đàm Lê Cẩn được cử về dạy tại trường số 9 (xã Quảng Ngọc, Quảng Xương ngày nay). Trường số 9 có khoảng hơn 200 HS miền Nam theo học.
Các HS phần đông là lứa tuổi từ 12 đến 15 tuổi, còn lại là những em nhỏ tuổi hơn. Các em học tập, vui chơi và sinh hoạt tại trường, tối ngủ ở nhà dân. Vì có nhiều em tuổi còn nhỏ phải xa gia đình nên những ngày đầu nhiều em khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ.
Các thầy giáo vừa phải dạy học vừa dỗ dành chăm sóc các em, vừa là thầy vừa là cha mẹ của các em; chăm lo cho các em từ ăn mặc, học hành bằng tình yêu thương chân thành để các em thấy gần gũi như ruột thịt và quen với môi trường học tập, sinh hoạt mới.
Kỷ niệm vui nhất là những buổi văn nghệ được các thầy tổ chức vào buổi tối để các em HS miền Nam quyên đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Thầy trò cùng múa hát giao lưu nên tình cảm càng thêm gắn bó.
Thầy Cẩn chia sẻ: “Ngày đó, chúng tôi ý thức được rằng việc dạy học các em HS Miền Nam không chỉ là nhiệm vụ cao cả mà Nhà nước giao cho mà còn là niềm tự hào, là tình yêu thương đối với miền Nam ruột thịt.
Sau này, chúng tôi mới biết nhiều HS được xem là “Những hạt giống đỏ” của đất nước, được cử đi học nước ngoài để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.
Nhiều người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Nhiều người giữ vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nhà báo Đức Lượng – Nguyên Phó tổng biên tập báo nhân dân, ông Trương Quang Được - Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội…
Những lá thư thắm tình thầy trò
Sau những năm học tập, rèn luyện tại Thanh Hóa, cuối năm 1955, đầu năm 1956 các HS miền Nam được chuyển đi đến nơi khác tiếp tục học tập. Thời gian chưa dài nhưng tình cảm gắn bó thầy trò trường số 9 khiến cuộc chia tay bịn rịn trong nước mắt và để lại nhiều tiếc nuối.
Thầy Cẩn bồi hồi nhớ lại: “Tôi là người vui tính lại hiểu tâm lý HS nên được học sinh rất quý mến. Các em HS lên xe rồi nhưng vẫn nắm chặt tay thầy đòi thầy đi theo cùng. Lúc ấy nhiều thầy giáo cũng được điều chuyển cùng các HS nhưng do hoàn cảnh nên tôi đành ở lại”. Sau ngày ấy, thầy Cẩn lại tiếp tục nghề dạy học và cuộc chia tay xúc động ngày đó vẫn còn nhiều cảm xúc mỗi khi thầy nhớ lại.
Những kỷ niệm về các HS nhỏ Miền Nam luôn in đậm trong tâm trí người thầy giáo. Rồi thỉnh thoảng trò cũng viết thư về thăm thầy. Những lá thư chất chứa tình cảm của HS gửi về thăm thầy, đến nay vẫn được thầy Cẩn cất giữ cẩn thận và xem đó là những kỷ vật thiêng liêng về những năm tháng mang ý nghĩa lịch sử dân tộc.
Tháng 10/2004, 50 năm sau, tại cuộc gặp mặt của các HS miền Nam trên đất Bắc tổ chức tại Hải Phòng, thầy – trò Nam Bắc mới được hội tụ.
Khi nhận ra nhau thầy trò chúng tôi ôm nhau mừng rỡ hân hoan sung sướng, khóc rồi cười. Lúc thầy trò chia tay, tóc thầy còn xanh, trò còn là trẻ thơ, 50 năm gặp lại cả thầy và trò tóc đều đã bạc, có nhiều HS đã nghỉ hưu.
Từ đó đến nay, thầy trò thường xuyên liên lạc với nhau, viết thư thăm hỏi nhau, có HS từ Miền Nam về Thanh Hóa thăm thầy. Những dịp Nhà nước tổ chức kỷ niệm thầy trò lại được gặp nhau hàn huyên ôn lại những ngày tháng cũ.
Vừa qua, kỷ niệm 60 năm ngày đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc và ngày thành lập các trường HS miền Nam trên đất Bắc tại Thanh Hóa, ông Huỳnh Tuấn Phú là HS miền Nam tập kết ra Bắc, HS của thầy Đàm Lê Cẩn xúc động tâm sự: Khi đó chúng tôi còn nhỏ nhớ nhà, nghịch ngợm nhưng các thầy cô đã chăm sóc chúng tôi như con.
Tình cảm ấy suốt cuộc đời chúng tôi không thể nào quên. Còn ông Đỗ Ngọc Trọng - HS miền Nam hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh cũng xúc động nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ: Học sinh Miền Nam ra Bắc chưa quen với khí hậu giá lạnh của Miền Bắc. Chúng tôi không chịu được lạnh, thầy cô giáo đã nhường lại ổ rơm cho chúng tôi để chúng tôi được ngủ ấm.
Tay run run, thầy Cẩn lật lại những trang thư đã nhòe của HS cũ gửi cho mình được cất giữ cẩn thận trong một chiếc hộp. Thầy Cẩn nói: “Nhà giáo hạnh phúc nhất là được HS yêu quý. Tình cảm của thầy trò chúng tôi gắn bó hơn trong những năm tháng khó khăn của lịch sử đất nước. Những lá thư chất chứa tình cảm của các em HS Miền Nam là niềm vui, là kỷ niệm mãi khắc sâu trong suốt cuộc đời dạy học của tôi”.