Người thầy chưa từng gặp

(GD&TĐ) - Tôi là một thanh niên sống trong khu ổ chuột của thị trấn, dang dở lớp 10 đã vào đời sớm. Lỗ hổng học vấn khiến bước chân khập khiễng, cuộc sống nhọc nhằn xả thân. Ngọn lửa khát vọng học tập bùng cháy trong lòng, song khi quyết tâm cắp sách đến trường thì tuổi đã nhiều và khủng hoảng và đủ thứ: Phương pháp học tập, sự mất căn bản nói chung ở tất cả các môn học, loay loay với con chữ, chán nản… 

Bài viết về sự tự học của giáo sư Phan Trọng Luận được tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và phát hiện ra lối đi trong ấy, con đường học tập phù hợp với mình chính là con đường mà giáo sư Phan khuyến cáo: Tự học và học tập suốt đời. Bài viết công phu, thuyết phục, đi vào lòng người, chứng tỏ tác giả đã nghiên cứu vấn đề rất kỹ. Và tôi đã đi theo con đường ấy cho đến bây giờ.

Mỗi khi gặp khó khăn trong cày ải chữ nghĩa, tôi lại nghĩ đến sự động viên của giáo sư qua bài viết cũng như phân tích cụ thể của ông. Giáo sư đã thẳng thắn viết: ý nghĩa và vai trò to lớn của sự tự học là như thế, song không thể thay thế học đường chính qui. Tôi thích cách nhìn thẳng nói thẳng của ông.

Và con đường tự học của tôi cuối cùng cũng có chút kết quả nhỏ, nhưng như thế đã là vui vẻ lắm. Tôi coi giáo sư là thầy, một ân sư của mình. Năm rồi, khi cuộc thi viết “Kỷ niệm học trò” do báo Người lao động thành phố Hồ Chí Minh phát động, tôi đã ngồi vào máy tính viết một mạch: “Một người thầy không biết mặt” gửi ban tổ chức và may mắn khi bài viết được chọn đăng.

Trong bài viết chân thật ấy, tôi – sau khi kể lại cái duyên của mình với giáo sư qua một bài viết về sự tự học - đã gửi tâm tình: Mong giáo sư luôn an lành và hy vọng được gặp ân nhân. Nhưng ngay sau khi bài viết ấy được đăng chẳng bao lâu, giáo sư Phan Trọng Luận đã ra đi…

Tôi đọc thông tin buồn về sự ra đi ấy trên các báo mạng lớn nhất và thấy tầm vóc trí thức vừa khuất như thế nào khi hầu hết các trang báo đều có tin, kể cả báo ngoại quốc. Tôi đã nhìn thấy ảnh của giáo sư, sáng, cương nghị, hiền từ và có gì đó khổ hạnh.

Như thế, tôi đã biết mặt người thầy của mình. Đặc biệt xúc động khi đọc những bài viết tràn nước mắt của những học trò ruột của ông, những người có học hàm học vị cao vời.

Một bài báo trên báo Giáo dục và Thời đại khi nhắc đến giáo sư, nữ ký giả đã dẫn lại bài viết của tôi về ông đăng trên Người lao động online, cho biết: Giáo sư Phan đã bất ngờ thấy bài viết về mình trên mạng của một thanh niên xa lạ ở tận Bạc Liêu, và gửi cho nhà báo nữ nọ cùng với một bài viết khác của học trò ông, nữ tiến sĩ ở Thanh Hóa. Tôi lặng đi, giáo sư Phan đã đọc và nghĩ về tôi, đã làm một cái gì đó liên quan đến tôi trong những ngày cuối cùng của mình….

Từ ngày tôi đọc đi đọc lại bài viết về sự tự học của giáo sư đến nay đúng 13 năm. Giáo sư đã chỉ ra một con đường lĩnh hội tri thức cho mọi đối tượng, học vấn cho mọi người.

Nguyễn Thành Công

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.