Người tham gia tư vấn tâm lý học đường phải có chuyên môn tốt

GD&TĐ - “Tư vấn tâm lý không phải là việc dễ dàng, nếu không có kiến thức chuyên ngành. Đây không phải là việc đánh giá quá cao về tâm lý học, vì mỗi chuyên gia sẽ làm rất tốt trên lĩnh vực kiến thức của mình có. Với tâm lý, nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe của con người. Nếu giáo viên tư vấn tâm lý không có chuyên ngành thì rất nguy hiểm”, đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Người tham gia tư vấn tâm lý học đường phải có chuyên môn tốt

Trợ giúp tâm lý học đường đang trở nên cấp thiết

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, hiện nay trong các nhà trường việc tư vấn trợ giúp tâm lý cho học sinh, sinh viên đang trở nên cấp thiết và có không ít khó khăn. Tình trạng các em học sinh gặp những rối nhiễu tâm lý như: Rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.., và nhiều biểu hiện khác mà báo chí ít đề cập như rối loạn về hành vi, rối loạn nói, viết, đọc…

Những biểu hiện nêu trên của học sinh tuy được các thầy cô giáo phát hiện ra rất sớm, nhưng sau đó, các thầy cô chỉ có thể thông báo với phụ huynh các em, còn xử trí, chăm sóc các em tiếp tục như thế nào thì là cả một vấn đề lớn. Hầu hết phụ huynh sau khi phát hiện ra tình trạng khó khăn của con em mình thì rất lúng túng, thậm chí khó đưa ra quyết định đưa con em mình đi thăm khám để chữa bệnh.

Cách đây 18 năm, chúng tôi đã có một nghiên cứu về rối nhiễu tâm lý của học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội. Để đảm bảo việc chọn mẫu mang tính đại diện, chúng tôi đã chọn một trường điểm ở trung tâm thành phố, một trường ở nội thành, một trường ở ngoại thành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 3 em học sinh, thì có 1 em có biểu hiện lo âu, trầm cảm, ngại giao tiếp, ám sợ, chán ăn, rối loạn giấc ngủ...

Cứ 10 em, thì có 1 em có những biểu hiện nêu trên lặp đi lặp lại trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc lâu hơn. Khi đó, nhiều người tỏ ý không tin tưởng độ chính xác của kết quả nghiên cứu. Nhưng hiện nay, qua các nghiên cứu thực tế, thì những con số nêu trên ngày càng được khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, việc chăm sóc sức khỏe trong nhà trường rất quan trọng. Khi các em có biểu hiện khó khăn, các thầy cô giáo phát hiện sớm, được chăm sóc, can thiệp kịp thời thì khả năng điều chỉnh, lấy lại cân bằng về cảm xúc, hành vi là cao.

Tư vấn đúng lúc, đúng cách, đúng người

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo lần 2 Thông tư Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông nhằm đưa hoạt động tư vấn tâm lý đi vào nhà trường, trở thành một phần của cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, phải khẳng định yêu cầu của việc triển khai tâm lý học đường là phải làm bài bản và chuyên nghiệp. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, rất cần thiết phải thận trọng.

Do đó, khi Thông tư được ban hành, trước mắt, chúng ta sẽ gặp một số khó khăn. Khó khăn trước hết là: Chúng ta chưa có một đội ngũ chuyên viên tâm lý có đủ trình độ, đủ kiến thức và được đào tạo bài bản để có đủ kỹ năng tư vấn.

Cho dù, rối nhiễu tâm lý không phải là các ca cấp cứu trong bệnh viện, chưa cấp bách, nhiều trường hợp chưa nguy hiểm ngay tới tính mạng, nhưng nếu can thiệp không đúng cách, can thiệp thiếu thận trọng, dùng các chuyên viên tư vấn không đủ kiến thức và kỹ năng thì sẽ lợi bất cập hại.

Khó khăn thứ hai là: Chúng ta chưa có hệ thống văn bản pháp quy. Ở nhiều nước, họ có cả hệ thống luật về chăm sóc sức khỏe, trong đó có tâm lý thanh thiếu niên, học sinh. Ở Việt Nam hiện nay chưa có luật, không có cả những quy định về điều kiện làm việc, cũng như quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan.

Để đảm bảo cho hoạt động tư vấn, ở các nước định nghĩa rất rõ các điều kiện làm việc, các điều kiện tiếp xúc, thậm chí chi tiết về phòng làm việc của chuyên viên tư vấn. Ví dụ, phòng đó có diện tích tối thiểu bao nhiêu, ánh sáng như thế nào, trang trí ra sao, cái gì cần có, cái gì không được phép có... Để làm được như các nước thì rất mất công, nhưng lại là điều kiện tối cần thiết.

Khó khăn thứ ba là: Hiểu biết của xã hội về căn bệnh tâm lý, rối nhiễu, rối loạn tâm thần còn rất giản đơn, thiếu khoa học, thậm chí khá mơ hồ. Tâm lý chung là, nếu thấy em học sinh nào có biểu hiện bất thường, chúng ta sẽ đi tìm lỗi và quy chụp cho cha mẹ em đó thiếu quan tâm, hoặc quá quan tâm, quan tâm không đúng cách, bạo hành gia đình (điều này cũng có thể xảy ra, nhưng không phải với tất cả mọi trường hợp)...

Với các em gặp khó khăn, định kiến xã hội thường coi là do đua đòi, hư hỏng, hoặc đổ lỗi do xã hội xuống cấp, suy đồi... Tất cả những điều đó, khiến cho mọi người không để tâm đến nguyên nhân chính gây ra những bệnh tâm lý là do các hoạt động sinh hóa của não bộ (thiếu, hoặc thừa các chất dẫn truyền thần kinh...), để hiểu rõ hơn về căn bệnh các em mắc phải và tìm cách thích hợp chăm sóc, chữa trị cho các em.

Tuyệt đối không sử dụng người không có chuyên môn để tư vấn tâm lý

Những năm gần đây, các trường như ĐH KHXH&NV, ĐHSP Hà Nội và các thành phố lớn đã đào tạo rất nhiều sinh viên chuyên ngành tâm lý học, trong đó có tâm lý học lâm sàng. Nhiều bạn trong số sinh viên này, sau khi ra trường không làm đúng ngành. Đây là lực lượng quan trọng cần được tập huấn, bồi dưỡng và sử dụng làm nòng cốt để xây dựng đội ngũ giáo viên về tư vấn tâm lý.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, tuyệt đối không sử dụng người không có chuyên môn để tham gia tư vấn tâm lý. Tư vấn tâm lý không phải là việc dễ dàng, nếu không có kiến thức chuyên ngành. Nếu giáo viên tư vấn tâm lý không có chuyên ngành thì rất nguy hiểm. Cần ban hành quy định, trong đó xác định rõ ai được làm và không được làm tư vấn.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tâm lý học đường, sớm xây dựng luật, trước mắt, cần ban hành các văn bản pháp quy, càng chi tiết, càng tốt. Cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia tư vấn. Chuyên ngành tâm lý học trị liệu và tâm lý học đường phải được quan tâm hơn.

“Phải làm sao để cho tất cả mọi học sinh hiểu được rằng chúng có quyền nói về những khó khăn của mình. Thông qua những nhóm bạn, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội, trẻ em được nói nhiều hơn, bộc lộ nhiều hơn về những khó khăn chúng gặp phải và quá trình tự chữa lành của chúng cũng diễn ra nhanh chóng và có hiệu quả hơn với sự giúp đỡ đắc lực của các chuyên gia, của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Đó phải là điều chúng ta hướng tới”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ