Mỗi ngày có hàng chục lượt khách kéo tới đền Wat Ta Kien, tỉnh Nothanburi, Thái Lan để được cử hành nghi lễ "giả vờ chết" nhằm mục đích gột bỏ sự xui xẻo.
Đôi mắt nhắm nghiền, tay ôm một bó hoa, anh Kriangsak Puangsarn lặng lẽ nguyện cầu những lời "sau cuối" trước khi ngả mình vào chiếc quan tài bên dưới. Một vài vị sư đến gần, phủ tấm vải mỏng lên chiếc quan tài, Kriangsak chìm dần vào bóng đêm, người đàn ông này sẽ trải qua quá trình gọi là "chết tượng trưng. Một khi tấm vải kia được lật lên, Kriangsak sẽ được "tái sinh" với một số phận mới bớt xui xẻo hơn.
Những người tham gia nghi lễ tái sinh xả xui.
"Khi tôi nằm xuống, tôi cảm thấy mình dường như được tái sinh khi cảm nhận được sự di chuyển của tấm vải đang đắp lên mình", Kriangsak Puangsarn chia sẻ.
Nghi lễ này đã được các nhà sư thực hiện từ năm 2008. Mỗi ngày có tới hàng chục người rồng rắn kéo nhau tới đền Wat Ta Kien, tỉnh Nothanburi, mong đợi một cơ hội được gột sạch những xui xẻo trong cuộc đời thông qua nghi lễ "giả vờ chết" này. Ngôi đền ở cách trung tâm thủ đô Bangkok khoảng 1 tiếng đi xe, nhiều năm nay đã nổi tiếng với khả năng giải xui cho người dân.
Thực chất mục đích của nghi lễ này là khiến người tham gia có thể thoát khỏi những quả báo xấu xảy đến với mình, cũng như giúp họ làm quen trước với cái cảm giác chết đi.
Rất nhiều người đã kéo đến đền Wat Ta Kien để mong được xả xui.
"Con người không ai thoát được cái vòng tuần hoàn sinh, lão, bệnh, tử, thế nên đây cũng là dịp để mọi người thực hành trước khi đến với cái chết thực sự", trụ trìPhrakru Samusangob Kittiyano cho biết.
Mỗi ngày các nhà sư phải thực hiện khoảng 12 buổi "tái sinh giải xui" này. Đến thời gian cuối tuần, người ta đến còn đông hơn rất nhiều, số buổi "tái sinh" khi ấy cũng nhiều hơn. Một buổi như vậy có khoảng 20 người cùng tham gia. Thậm chí mỗi đền còn có loại quan tài cỡ lớn dành cho cả gia đình.
Thủ tục đầu tiên trước khi chính thức "giả vờ chết" là cầu nguyện. Sau khi nói những lời nguyện cầu xong, những người tham gia sẽ đứng xếp hàng trước linh cữu của mình, chỉ đợi các nhà sư ra lệnh là lần lượt bước vào nằm xuống quan tài. Tiếp đến họ sẽ được nhà sư đắp lên mình những tấm vải màu hồng, vài phút sau sẽ lại được lật lên, tượng trưng cho quá trình chết đi và tái sinh của một đời người chỉ trong vài phút.
Nhà sư đắp tấm vải hồng lên quan tài tượng trưng cho sự chết đi-sống lại.
Mỗi chiếc linh cữu đều được quyên góp bởi những người tới đền tham gia nghi lễ giải xui. Người ta tin rằng mình càng đóng góp nhiều tiền thì vận hạn của họ sẽ ngày càng khá khẩm hơn trong tương lai. Những chiếc linh cữu sau đó sẽ được giữ lại đền trong vòng 1 năm rồi chuyển về cho các gia đình nghèo sử dụng nếu cần.
"Bạn tôi đã mách cho tôi chỗ này sau khi thấy tôi gặp xui xẻo liên tục gần đây. Tôi tin rằng việc nằm xuống chiếc quan tài này sẽ khiến cuộc sống của mình được may mắn hơn", Voravan Satienlerk, 25 tuổi, một cô gái tham gia nghi lễ giả chết xả xui cho biết.