Người quản lý từ bỏ “lối mòn”

Người quản lý từ bỏ “lối mòn”

(GD&TĐ) - Cô giáo Phan Thị Hồng Mai sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo. Từ tháng 4/2008, cô bắt đầu nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Lộc (thành phố Vinh, Nghệ An). Cô cho biết: Những năm làm Tổ trưởng chuyên môn và Phó Hiệu trưởng nhà trường, vì từng là giáo viên giỏi cấp Tỉnh, cô được chọn tham gia đội ngũ cốt cán tiểu học của Phòng, của Sở, vì thế thường được dự các lớp tập huấn do Sở và Bộ tổ chức để về hướng dẫn lại cho giáo viên. Từ những lớp tập huấn ấy, trong cô hình thành ý nghĩ: “Phải thay đổi cách làm giáo dục tiểu học, phải đổi mới chứ không thể theo lối mòn cũ”. 

Dốc sức với mục tiêu giáo dục toàn diện

 

Theo cô Mai, ở tiểu học, dứt khoát phải thực hiện giáo dục toàn diện chứ không thể chỉ lo có mấy môn văn hoá, không thể giáo dục theo kiểu “nuôi gà chọi”.

Bởi có chăm lo giáo dục toàn diện thì mới thực hiện được mục tiêu của cấp học là “giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học THCS”. 

Nhưng làm sao để thực hiện được mục tiêu đó và làm từ đâu? Suốt một hè nung nấu và trao đổi với những người có kinh nghiệm về giáo dục tiểu học, chuẩn bị bước vào năm học 2008 - 2009, cô Mai đưa ra tập thể lãnh đạo nhà trường bàn bạc, xác định lối đi riêng của trường mình: Tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. 

Cái khó khi bắt tay vào công việc không phải là điều kiện cơ sở vật chất, là phương pháp và cách làm… vì những điều đó có thể giải quyết được, mà khó nhất là làm sao thay đổi được nhận thức của giáo viên và của cha mẹ học sinh.  Không thể thuyết phục bằng lý thuyết suông mà phải bằng thực tế.

Cô Mai cùng tập thể lãnh đạo nhà trường chọn mỗi khối một lớp làm thí điểm. Chỉ chưa hết học kỳ 1 năm học ấy, kết quả ở các lớp thí điểm đã làm mọi người ngạc nhiên: Các em học sinh tự tin hơn, hoạt bát hơn trong sinh hoạt, trong giao tiếp; các em biết lễ phép; biết thương yêu, nhường nhịn nhau; biết tự phục vụ bản thân; biết chọn việc làm để giúp đỡ cha mẹ và mọi người trong gia đình mà các em còn chăm học hơn, chất lượng học tập tiến bộ hơn.

Từ thực tế này, giáo viên không còn băn khoăn với những giải pháp mà lãnh đạo nhà trường đã đưa ra; ngược lại, tất cả đều say sưa, tâm huyết thực hiện sự đổi mới ấy. Còn cha me học sinh thì đã chuyển từ băn khoăn, nghi ngờ sang ủng hộ cách tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường. Nhiều cha mẹ học sinh đã góp nhặt, tự làm đồ chơi cho học sinh và đem đến tặng nhà trường.

Quản lý giỏi, sáng kiến hay

Để việc đổi mới hoạt động giáo dục của nhà trường đạt hiệu quả cao, theo cô giáo Hiệu trưởng Phan Thị Hồng Mai, một điều quan trọng là phải huy động được mọi người trong trường làm theo mình - phải xây dựng đội ngũ giáo viên đoàn kết, có năng lực chuyên môn tốt và luôn luôn chăm lo đổi mới phương pháp dạy học.

Cách làm của cô là tạo điều kiện để giáo viên trong trường được tham gia góp ý kiến, hiến kế vào mọi chương trình, kế hoạch của nhà trường (thường là thông qua sinh hoạt hội đồng sư phạm, sinh hoạt tổ chuyên môn, sinh hoạt các đoàn thể); được tiếp cận với những vấn đề mới của giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng. 

Chỉ đạo giáo viên tự học nâng cao năng lực chuyên môn và đưa họ vào hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, bản thân cô giáo Mai luôn là người gương mẫu trong những công việc này.

Từ một người chỉ có trình độ trung cấp sư phạm, năm 2010, cô Mai đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ (chuyên ngành Giáo dục tiểu học); cô còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp tỉnh: “Tìm hiểu hứng thú học tập của học sinh tiểu học”; “Một số biện pháp chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức ở trường tiểu học”;  “Sử dụng Graph vào dạy học kiểu bài mở rộng vốn từ ở lớp 4, lớp 5”;…

Với sự năng động và tâm huyết của mình, cô giáo Phan Thị Hồng Mai đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên đưa Trường Tiểu học Hưng Lộc trở thành điểm sáng của thành phố Vinh. Từ tháng 10/2012, cô giáo Phan Thị Hồng Mai được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Sơn (thành phố Vinh).

Dưới sự chỉ đạo của cô, cuối năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Hồng Sơn đã có chuyển biến đáng kể; Trường được Phòng GD&ĐT Vinh đánh giá là một trong những trường ở tốp đầu của thành phố.

Bản thân cô đã được công nhận là CSTĐ cấp tỉnh (2008 - 2011); được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động sáng tạo, lao động giỏi giai đoạn 2007 - 2012”; được chọn cử tham gia hai hội nghị vinh danh cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học do Sở GD&ĐT Nghệ An và Bộ GD&ĐT tổ chức (năm 2012).

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ