Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chúng là những đàn chim vô chủ, sinh sống tự do và được nuôi sống bởi chính tấm lòng của những người dân lao động trong thành phố.
Mỗi ngày, cứ vào khoảng 5-6 giờ sáng, khi đến nhà thờ Đức Bà, bạn sẽ nhanh chóng nhìn thấy hình bóng của anh Cường, chú Hùng hay chị Vân đang nhanh tay cho đàn chim trời ăn. Họ đều là những người lao động quanh khu vực và đều đặn hàng tháng, họ đều dành dụm chút tiền mua thức ăn “đãi” đàn chim trời.
Tới khu vực nhà thờ Đức Bà từ sớm, chúng tôi chứng kiến cảnh chú Hùng (57 tuổi) đạp chiếc xe quen thuộc tới. Chiếc xe vừa gạt chân chống xuống, như cảm nhận được sự quen thuộc, bầy chim sà xuống khoảng đất trống trước mặt.
Nhanh chóng rút trong giỏ xe ra ống bơ đựng gạo, chú rải từng nắm gạo cho đàn chim ăn. Nhà chú Hùng ở quận 3, nhưng hơn 1 năm nay, ngày nào chú cũng đi xe đạp sang khu nhà thờ để thăm bầy chim. Mỗi ngày, chú dành 1kg gạo cho bầy chim ở khu vực nhà thờ và 1kg gạo khác cho bầy chim ở khu vực Nhà hát Lớn.
Chú Hùng cho biết: “Cảm giác có điều gì đó đang chờ mình nó tuyệt vời lắm. Tuy mình không thể cho chúng ăn đủ no nhưng mỗi người góp một ít sẽ góp phần duy trì đàn chim ở lại thành phố ngày một lâu hơn. Tôi cũng mong việc làm nho nhỏ của mình có thể giữ lại vẻ bình yên cho thành phố này”.
Cũng như chú Hùng, ngày nào chị Vân (quận 1) cũng mang khoảng 2 kg thóc đến cho bầy chim. Vì 2 ngày vừa rồi bận, sáng nay chị mang tới hơn 6kg thóc. Dù hàng ngày cũng phải chật vật với cuộc sống mưu sinh, chị cũng chỉ mong góp phần gìn giữ đàn chim trời.
Người trải qua nhiều thăng trầm với đàn chim nhất, có lẽ là anhNguyễn Phi Cường (45 tuổi, quận Bình Thạnh). Từ khi đàn chim mới xuất hiện (khoảng năm 2005), anh Cường đã từng ngày chăm sóc chúng.
“Hồi đó ít lắm, chỉ chừng hơn chục con thôi. May mắn được mọi người hỗ trợ thức ăn nước uống mà số lượng chim kéo về ngày càng đông, số lượng bây giờ phải tầm 300 – 400 con rồi” - Anh Cường cho biết.
Không như những người khác, mỗi buổi sáng, anh Cường thường ở lại rất lâu, đợi khi chim bay đi hết anh mới quay lại để bắt đầu công việc bán tem của mình.
Người đàn ông tóc dài, đội nón có cắm sợi lông chim luôn là địa chỉ quen thuộc cho những cặp đôi chụp hình cưới tìm đến. Họ thường nhờ anh tập trung bầy chim, ra hiệu cho chúng đậu xuống hay bay lên để có được những bức ảnh tuyệt đẹp.
Cũng nhờ công việc này mà anh Cường có thêm một phần chi phí mua thêm đậu xanh bồi dưỡng cho đàn chim. Anh tâm sự: “Mỗi ngày tôi mua thóc và đậu xanh hết khoảng 100.000 đồng. Đó cũng là hai thứ đàn chim thích ăn nhất. Cuộc sống cũng không dư giả gì, nhưng chỉ cần tôi và bầy chim đủ ăn là hạnh phúc lắm rồi”.
“Thời gian đầu nhiều người nói tôi bị điên, lo thân không đủ còn đem tiền mua thức ăn cho chim. Tôi cũng buồn lắm. Nhưng thôi tùy cách nhìn mỗi người. Chỉ cần thấy bầy chim vẫn hằng ngày chào đón là tôi vui lắm rồi” - Anh Cường nói thêm.
Các em nhỏ trường tiểu học Hòa Bình (đối diện khu vực nhà thờ) cũng hay đến xin anh Cường nắm thóc, ít đậu xanh để cho chim bồ câu ăn và chơi đùa với chúng. Nhìn con chim đậu trên tay và nụ cười rạng rỡ của các em, anh Cường bất giác mỉm cười mãn nguyện. “Đó cũng là động lực để tôi hằng ngày có mặt ở đây”, anh cười.
Chỉ với mong muốn và động lực đó, những con người nơi đây vẫn hằng ngày nuôi dưỡng đàn chim, một biểu tượng đẹp đẽ của TPHCM trong mắt cộng đồng. Đối với họ, không có lợi ích cá nhân mà chỉ có lòng mong muốn mọi người biết trân trọng, yêu mến động vật và thiên nhiên.