Người nữ cán bộ 13 năm "vác tù và hàng tổng"

Người nữ cán bộ 13 năm "vác tù và hàng tổng"

(GD&TĐ) - Lặng thầm góp nhặt những “hạt ngọc” yêu thương cho đời. Ngày qua ngày, bất kể mưa hay nắng chị đều cần mẫn đi đến từng góc phố, con hẻm  để xin những bộ quần áo cũ, góp nhặt từng quyển  sách giáo khoa đã qua sử dụng, kêu gọi lòng thiện tâm của mọi người nhằm giúp đỡ cho những mảnh đời khốn khó, học sinh, giáo viên nghèo vùng sâu. Những việc chị làm rất tự nhiên, giản đơn đến dung dị. Tuy nhiên, cái chân giá trị mà  hành động ấy mang lại cho xã hội lại quá lớn lao. Chị là Đỗ Thị Hoa, chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp, nữ cán bộ quản lý đa năng và giàu lòng nhân ái. 

Cái duyên với công tác xã hội 

Được nghe quá nhiều những lời tốt đẹp về chị, về một con người gần như chỉ biết sống và nghĩ cho người khác, tôi quyết định tìm gặp chị. Người phụ nữ tôi gặp vào một ngày mưa giữa tháng bảy là người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu và một ánh mắt thăm thẳm sự yêu thương. Chị tiếp chuyện tôi khi lưng áo còn ướt đẫm mồ hôi, trên tay vẫn đang khệ nệ bê thùng quần áo cũ cất vào căn phòng nhỏ nơi mình làm việc. Như hiểu được ánh nhìn dò hỏi từ tôi, chị chỉ cười hiền hậu rồi nói: “Mình đang gom ít sách vở, quần áo để cuối tháng này về huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh hỗ trợ và tiếp sức cho học sinh, giáo viên vùng biên trước năm học mới”. Chị là thế, mười hai năm qua vẫn luôn lặng thầm với những điều mà trái tim chị lên tiếng.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghề giáo, trải qua cuộc sống vất vả từ những ngày thơ ấu cho đến khi theo nghiệp gõ đầu trẻ. Vì vậy, hơn ai hết chị thấu hiểu cái khó khăn, nghịch cảnh của cuộc sống của những người không may sống trong phận nghèo. Để rồi như một định mệnh, duyên nghiệp đã mang với cuộc đời, chị đến với công tác xã hội, công tác thiện nguyện một cách hết sức tự nhiên ngay từ những năm đầu chị chuyển công tác từ quê vào trường THCS Tây Sơn, quận Gò Vấp.

Cô Hoa đang ghi lại số lượng quần áo, sách vở mà mình xin được.
Cô Hoa đang ghi lại số lượng quần áo, sách vở mà mình xin được.

Mười ba năm công tác và giữ chức chủ tịch công đoàn trường Tây Sơn thì cũng là từng ấy năm học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh ở ngôi trường này quen thuộc với hình ảnh cô giáo trẻ Hoa ngày ngày đạp xe đến trường hoặc ra về với đủ thứ lỉnh khỉnh nào là tập vở, quần áo cũ đến cặp sách, áo mưa... xin được từ khắp nơi về tích trữ ở trường hoặc ở nhà nhằm giúp đỡ những học sinh, giáo viên nghèo vùng khó. Hình ảnh ấy không chỉ có sức mạnh lan tỏa mãnh liệt trong toàn ngành, mà nó còn khiến cho hàng ngàn giáo viên trên địa bàn quận cùng đồng điệu với chị bằng những trái tim đầy cảm xúc yêu thương và chia sẻ. Để đến bây giờ không chỉ riêng chị ngày ngày vẫn đi khắp nơi xin từng chút đồ để giúp học sinh, giáo viên vùng khó, mà gần như mọi giáo viên của quận đều có ý thức rất mạnh mẽ với công việc chung tay sẻ chia khó khăn với cộng đồng này

Chị chia sẻ: Ngày đó mình làm chỉ vì nghĩ đơn giản mình cần phải có hành động gì đó, nhằm giảm bớt khó khăn cho các em học sinh, đồng nghiệp nơi vùng khó. Chứ cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ thấy một điều duy nhất: Đó là mình cảm hạnh phúc sau mỗi chuyến đi. Chị kể: “ Nhiều hôm thực hiện những chuyến đi từ thiện ở các xã, huyện vùng sâu của tỉnh bạn khiến người mệt mỏi rã rời. Tuy nhiên, chỉ nhìn thấy một ánh mắt sáng ngời niềm vui của các đồng nghiệp khi ướm thử những bộ quần áo cũ do mình gửi tặng, hay nghe những lời nói hết sức hồn nhiên của các em học sinh về cái hạnh phúc mà chúng đang có…nước mắt mình cũng đã rơi. Mình khóc vì cảm thấy hạnh phúc và tất nhiên những mệt mỏi lúc ấy lập tức tan biến ngay, nhường chỗ cho những cung bậc của cảm xúc chảy tràn. Có lẽ giá trị của hạnh phúc, của những điều tốt đẹp được gom tụ lại chỉ ở những điều giản dị như vậy”.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, những việc làm vì cộng đồng của chị nhanh chóng lan nhanh, tỏa hương thơm ngát cho đời, tác động và giáo dục thế hệ công đoàn viên các cơ sở, học sinh một cách vô cùng hiệu quả. Để rồi đầu năm 2007 chị được công đoàn ngành tính nhiệm đề xuất giữ chức chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp. Với vai trò mới và trách nhiệm chăm lo cho hơn 5.000 giáo viên, những đóng góp của chị cho các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng của đoàn viên, vai trò của công đoàn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, giáo viên ngày càng được nâng lên mạnh mẽ từ chính nền tảng là những hoạt động thiện nguyện chị đã làm. Vì thế, không có gì khó hiểu khi công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp nhiều năm liền là đơn vị xuất sắc. Là một trong số ít đơn vị ba năm qua có những đóng góp cho hoạt động từ thiện, xã hội, chăm lo, hỗ trợ cho đời sống giáo viên từ quận cho đến TP và tỉnh bạn một cách tốt nhất. 

Đến người phụ nữ sống vì mọi người 

Có thể nói như vậy, bởi hiện nay ngoài việc giữ chức Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp, phó trưởng phòng phụ trách chuyên môn, chị còn tham gia rất nhiều các hoạt động của công đoàn ngành, các hoạt động thiện nguyện từ các tổ chức từ thiện. Tuy quỹ thời gian khá eo hẹp, nhưng không vì thế sự chăm lo cho gia đình, con cái bị bỏ ngỏ. Trái lại suốt mười ba năm qua chị không chỉ đảm đang chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình, chăm sóc cho bố mẹ cả bên nội lẫn bên ngoại một cách chu toàn, mà chị còn luôn giữ vững những giá trị tốt đẹp mà công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp đã tạo được trong nhiều năm qua.

Chị tâm sự: Vai trò của công đoàn ngành trong việc tạo sự kết nối, giữa giáo viên với nhau, giữa giáo viên với học sinh là hết sức to lớn. Vì thế, những gì chị làm chị đều hướng đến một quy tắc duy nhất: giáo dục. Bởi theo chị lòng nhân ái là chất liệu đẹp nhất của con người, nó luôn tồn tại nơi mỗi người và tự nó sẻ tỏa sáng, đồng điệu khi chúng ta biết khơi gợi nó bằng hành động thiện nguyện và đắc nhân tâm. Bên cạnh đó, việc chị có thể thoải mái làm những công việc mà nhiều người vẫn hay đùa là “đi vác tù và hàng tổng” bởi chị có được sự hậu thuẫn rất lớn từ phía gia đình, sự đồng cảm và sẻ chia của người chồng, sự ủng hộ của hai con, cũng như sự tin tưởng và động viên từ liên đoàn lao động quận và ngành giáo dục.

Cô Hoa vui vì xin được rất nhiều bộ áo dài cũ nhưng còn rất đẹp để tặng giáo viên nghèo vùng xa.
Cô Hoa vui vì xin được rất nhiều bộ áo dài cũ nhưng còn rất đẹp để tặng giáo viên nghèo vùng xa.

Có lẽ vì thế mà ngay sau khi giữ vai trò chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp, chị đã đề xuất với liên đoàn lao động quận, ngành giáo dục thành lập rất nhiều quỹ tương thân, tương ái, giúp đỡ người nghèo hay giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: “quỹ mái ấm công đoàn”, “quỹ trợ cấp cho giáo viên bệnh hiểm nghèo”…Chị lăn xả vào làm việc, quên cả thời gian dành cho bản thân mình. Bất kể dù nắng hay mưa, miễn có người gọi cho đồ chị đều đến tận nơi để xin. Để rồi sau những tháng ngày tự mình lặn lội đi xin quần áo, sách vở cũ, kêu gọi sự đóng góp của mọi người, sự sẻ chia của đội ngũ giáo viên với đồng nghiệp khắp nơi. Mỗi năm công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp có không dưới 8 chuyến đi hỗ trợ cho học sinh, giáo viên khó khăn các tỉnh với hàng xe tải sách vở và quần áo, cũng như xây dựng không dưới 10 căn nhà tình nghĩa cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, chăm sóc cho giáo viên ốm đau, thế hệ giáo viên đã về hưu có nhiều đóng góp cho giáo dục quận nhà.

Thành công ấy không chỉ bởi chị đã tạo được sự tin tưởng và đồng điệu từ trái tim đến trái tim nơi tập thể giáo viên trong ngành. Mà chính những việc làm mang tính nhân văn của công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp đối với thế hệ nhà giáo đi trước, nên mỗi khi chị thực hiện một cuộc vận động thiện nguyện nào đó, gần như tất cả công đoàn viên, giáo viên đều sẵn lòng tham gia, ủng hộ. Sự đồng điệu ấy đôi lúc để lại nơi chị những khoảnh khắc vô cùng xúc động. Chị tâm sự, chị không thể nào quên câu nói của một chị tạp vụ có hoàn cảnh rất khó khăn rằng: “Em nghèo, em khó khăn thật. Nhưng với những hoạt động thiện nguyện, chăm lo của ngành em sẵn sàng nhịn một bữa ăn trưa để cùng chung tay ủng hộ” trong một lần đi vận động quên góp xây dựng nhà cho giáo viên nghèo. Câu nói rất thật, rất chân thành ấy đã thôi thúc chị cố gắng hơn, làm thật tốt hơn những gì cho học sinh, giáo viên, để mỗi sớm mai thức dậy, chị thấy cuộc sống thêm ý nghĩa hơn.

Ngồi với chị chỉ trong vòng hai tiếng, nhưng những cảm nhận của tôi về chị lại quá nhiều chiều cảm xúc. Tôi thấy chị thật lớn lao và nhân ái. Nhưng đôi lúc lại thấy chị rất đỗi mong manh, mong manh trong từng cảm xúc. Chị rất ít nói về bản thân mình, về những việc mình đã làm cho cộng đồng, mà chỉ nói về những ấp ủ, những dự định và cả những trăn trở khi chưa làm được gì nhiều từ những nơi chị đã đi qua. Nước mắt chị đã rơi không ít lần khi nhớ lại những kỉ niệm, những cảm xúc mãnh liệt từ những hình ảnh mà chị từng chứng kiến khi chia sẻ với tôi. Và có lẽ cái mong manh trái ngược ấy trong chị, đã tạo nên một vẻ đẹp đến thánh thiện của một con người giàu lòng nhân ái như chị.

Chia tay chị khi chiều nhập nhoạng tối, không phải đi xe đạp đến nơi làm việc như ngày xưa nữa. Nhưng trên chiếc xe máy của chị vẫn lỉnh khỉnh những bao này, túi kia quần áo, sách vở để mang về nhà. Nhìn chị vật vã với đống đồ cũ một cách khó nhọc nhưng tôi biết chị rất vui. Chị vui bởi chị biết mình đang đi góp nhặt những nụ cười. 

Cô Đỗ Thị Hoa từng là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền. Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua liên tiếp từ năm 2007-2011. Cô vừa được công đoàn ngành giáo dục Việt Nam trao tặng bằng khen: Chủ tịch công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Hiện cô là phó trưởng phòng giáo dục quận Gò Vấp, kiêm chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Gò Vấp.

 Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ