Người nối nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc

Người nối nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc

(GD&TĐ) - Dịch giả Lê Bá Thự là cái tên quen thuộc của giới dịch thuật trong việc giới thiệu văn học Ba Lan đương đại đến với độc giả Việt Nam. Năm 1970 dịch giả Lê Bá Thự tốt nghiệp Khoa Trắc địa bản đồ Đại học Bách khoa Vácsava, rồi về nước, làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Hai năm sau ông về công tác tại Bộ Ngoại giao và làm việc cho đến khi về hưu. Lê Bá Thự được nhận Huân chương Công trạng Ba Lan bởi những đóng góp của dịch giả trong việc giới thiệu văn học Ba Lan tại Việt Nam.

Đam mê văn học Ba Lan

Vốn thông thạo tiếng Ba Lan, đam mê văn học, ông đã đọc nhiều tác phẩm văn học Ba Lan, từ đó ông nhận ra, nền văn học Ba Lan là một nền văn học lớn ở châu Âu. Chỉ có gần bốn mươi triệu dân mà đất nước này có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel (nhà văn Henryk Sienkiewicz – 1905, nhà văn Wladyslaw Reymont – 1924, nhà thơ Czeslaw Milosz – 1980 và nữ nhà thơ Wislawa Szymborska – 1996). Ông nghĩ mình phải đọc và dịch sang tiếng Việt những tác phẩm mình thích, trước hết là để thỏa mãn chính mình, sau nữa tạo điều kiện cho bạn đọc nước nhà được thưởng thức những tác phẩm văn học giá trị của “cường quốc văn học” này. Đồng thời, thông qua dịch văn học Ba Lan ông muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người Việt Nam và người Ba Lan, qua đó nối nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc.

Lê Bá Thự dịch khá nhiều thể loại: Truyện cười, truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thơ và cả phê bình văn học… nhiều truyện vừa và truyện ngắn của các nhà văn cổ điển Ba Lan như: Henryk Sienkiewicz, Boleslaw Prus, W. Reymont… hàng trăm truyện ngắn của Slawomir Mrozek, Olga Tokarczuk, Hanna Samson, Tomasz Jastrun… các tiểu thuyết Pharaon (tiểu thuyết lịch sử về Ai Cập cổ đại, của Boleslaw Prus), các tiểu thuyết đương đại: Hoang thai, Xin cạch đàn ông!, Quà của Chúa và Các người khắc biết tay tôi!,  dịch nhiều thơ của Tadeusz Rozewicz, Czeslaw Milosz, Wislawa Szymborska. Tổng cộng đã có khoảng 20 đầu sách dịch, nếu tính cả in chung thì trên 30 đầu sách.

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự

Thắt chặt cầu nối giữa hai nền văn hóa

Mới đây, nhân sự kiện Những ngày văn học châu Âu lần thứ 3 diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ quán Ba Lan tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Cô gái Không Là Gì của nhà văn Ba Lan Tomek Tryzna do dịch giả Lê Bá Thự dịch.

Đây là thiên tiểu thuyết viết về xã hội Ba Lan hồi những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi đời sống của người dân thời bao cấp còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Bức thông điệp mà tiểu thuyết muốn gửi tới các bạn trẻ là: Tuổi mười lăm đẹp như trăng rằm, nhiều đam mê, lắm mộng mơ, nhưng cũng đầy cạm bẫy, dễ tin và dễ vỡ, xin các bạn đừng tự đánh mất mình.

Giải thích lý do tại sao lại chọn tác phẩm này để dịch, dịch giả Lê Bá Thự chia sẻ: “Năm 2009 tôi gặp một người bạn Thụy Điển tại Ba Lan trong một đợt tham gia hội thảo Những người dịch văn học Ba Lan. Anh bạn này đã nói tôi nên tìm và dịch cuốn sách này vì đó là “cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại đầu tiên của Ba Lan”. Khi tìm thấy cuốn sách tại Ba Lan tôi có cảm giác bị thôi thúc đọc và thấy thích bởi cuốn sách đa tầng, đa nghĩa và đòi hỏi nhiều tư duy. Đặc biệt, tác phẩm này được nhà thơ đoạt giải Nobel năm 1980 - Czeslaw Milosz - coi là tiểu thuyết hậu hiện đại thật sự đầu tiên của Ba Lan và được Bộ Giáo dục quốc dân Ba Lan chọn làm một trong sáu cuốn sách đọc bắt buộc đối với học sinh lớp 9 Trung học cơ sở ở nước này niên học 2012 - 2013, chứng tỏ giá trị giáo dục của thiên tiểu thuyết này”.

Không chỉ đáp ứng về số lượng mà Lê Bá Thự gây ấn tượng với chất lượng các bản dịch được giới dịch giả đánh giá cao. Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu trong buổi giới thiệu sách Cô gái Không Là Gì bày tỏ sự thán phục trước cường độ làm việc của dịch giả Lê Bá Thự - chỉ trong 10 năm tập trung dịch sách văn học, ông đã chuyển ngữ hàng loạt tác phẩm, trong đó có tới bảy cuốn tiểu thuyết. "Dịch giả Lê Bá Thự đã có những đóng góp lớn trong việc thắt chặt cầu nối giữa hai nền văn hóa qua từng tác phẩm văn học được chuyển ngữ từ tiếng Ba Lan sang tiếng Việt.”

Dịch giả là "phu chữ"

Luôn tâm niệm một bản dịch hay phải thể hiện cái tôi của người dịch nhưng phải trung thành với bản gốc, phải giữ được văn phong của tác giả và hình thức của tác phẩm, nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự đã có nhiều tác phẩm văn học dịch nổi tiếng như: Tomek ở lục địa đen, Vì sao không nghe thấy giọng cá, Cười quanh năm, Pharaon, Nàng thứ ba, Hành tinh cười, Hoang thai, Quà của Chúa, Những bông hồng xanh của nhà thơ, Xin cạch đàn ông… Theo ông, mỗi tác phẩm ông chọn dịch là một khám phá riêng.

Dịch giả Lê Bá Thự trăn trở: Nghề dịch là nghề vất vả, lắm công phu, người dịch phải oằn lưng trên từng trang sách, gọi dịch giả là "phu chữ" cũng không ngoa. Dịch giả phải thông thạo ngôn ngữ mình dịch, am hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước sử dụng ngôn ngữ mình dịch, phải giỏi tiếng Việt, hiểu nhiều, biết lắm, càng uyên thâm càng tốt, và phải có những tố chất của một dịch giả. Giỏi ngoại ngữ chưa chắc có thể làm dịch giả văn học. Người dịch càng dịch nhiều, càng trải nghiệm, thì dịch càng ngày càng lên tay và hạn chế được sai sót. Sai sót trong dịch thuật là điều khó tránh khỏi, kể cả những người đã dịch lâu năm, không thể nói mạnh được. Chỉ có điều, người dịch phải làm tất cả những gì mình có thể làm để nâng cao chất lượng bản dịch và hạn chế tối đa những sai sót, nhất là những sai sót không đáng có.

Nhà văn - dịch giả Lê Bá Thự, sinh năm 1942, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại Ba Lan (1996 - 2000), vừa được Nhà nước Ba Lan trao tặng Huân chương Công trạng của Cộng hòa Ba Lan về những đóng góp trong việc giới thiệu văn học Ba Lan tại Việt Nam.

Đăng Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ