Người ngành Y chống tin giả

Người ngành Y chống tin giả

Một trong những người đó là bác sĩ Ali Raja ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ). Hằng ngày, sau 9 giờ trực cấp cứu tại bệnh viện, anh thường dành ra ít nhất 1 giờ nữa để truy cập vào Twitters và TikTok để cập nhật và chia sẻ những thông tin chính xác về chủ đề Covid-19. 

Theo bác sĩ Raja, các phương tiện thông tin đại chúng là kênh thông tin tốt nhất đối với các bệnh nhân Covid-19. Do đó, bác sĩ Raja thường chia sẻ những khuyến cáo y khoa trên Twitters hầu như hằng ngày. “Hiện giờ, Twitters là nơi tốt nhất để phổ biến thông tin y tế” – Raja cho biết.

Tuy nhiên, bác sĩ Ali Raja cảnh báo, các dịch vụ mạng xã hội cũng là nơi phát tán các thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19 với tốc độ đáng kinh ngạc. 

Chính vì vậy, Raja khuyến cáo tất cả mọi người, khi cung cấp thông tin lên các dịch vụ mạng xã hội cần kiểm tra thật kỹ lưỡng nguồn gốc và tính xác thực của thông tin, để không phát tán fake news và gây lo sợ cho cộng đồng.

Twitter và cả TikTok – được coi là nền tảng dịch vụ giải trí dành cho lớp trẻ, trở thành các kênh thông tin ngày càng quan trọng về Covid-19

Theo CNN, thời gian gần đây, TikTok là ứng dụng được nhiều người cài đặt. Không chỉ các ngôi sao điện ảnh mà cả các doanh nhân nổi tiếng, các chính trị gia và các bác sĩ cũng xuất hiện trên TikTok. Ứng dụng có khả năng lan truyền thông tin rất nhanh chóng trong giới trẻ.

Trên TikTok có những đoạn video ngắn về việc tuân thủ các quy định vệ sinh cá nhân, như rửa tay đúng cách hoặc cách phòng tránh lây nhiễm virus. 

Một trong những video ngắn nổi tiếng đó là do nữ điều dưỡng Miki Rai (California, Mỹ) đưa lên, trong đó cô vừa nhảy vừa thông báo về các bề mặt vật dụng mà virus SARS-CoV-2 có thể bám vào lâu nhất. Trong một video khác, kéo dài 20 giây, nữ bác sĩ Marie Leslie (Minnesota, Mỹ) hướng dẫn người xem rửa tay đúng cách.

Bằng cách này, các bác sĩ, điều dưỡng có thể lật tẩy hầu hết các thông tin sai lệch lan truyền trên Facebook hay Instagram – các mạng xã hội mà giới trẻ thường truy cập.

“Truyền thông xã hội vừa là căn bệnh, vừa là thuốc chữa” - bác sĩ Rick Pescatore ở Philadelphia (Mỹ) nhận xét. 

Các dịch vụ mạng xã hội là nơi phát tán các thông tin không đúng sự thật, tuy nhiên, theo bác sĩ Rick Pescatore, có thể sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như là công cụ để cải thiện tình trạng này theo hướng tích cực. 

Trên Twitter và Facebook, bác sĩ Rick Pescatore cũng đang cố gắng lan tỏa những thông tin đúng, đã được kiểm chứng về chủ đề virus SARS-CoV-2 và đại dịch Covid-19.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ