Người nặng nợ với sử thi M"Nông

GD&TĐ - Nối nghiệp cha là cố nghệ nhân nổi tiếng Điểu Kâu, hiện nay nghệ nhân Điểu Thị Mai (sinh năm 1975) đã và đang tâm huyết sưu tầm, ghi âm, biên dịch… và là người nắm giữ gần như toàn bộ những bộ sử thi đồ sộ của dân tộc M’Nông ở vùng Tây Nguyên.

Nghệ nhân Điểu Thị Mai ghi chép, biên soạn, biên dịch sử thi
Nghệ nhân Điểu Thị Mai ghi chép, biên soạn, biên dịch sử thi

Gia sản của người cha

Trong cộng đồng M’Nông ở bon Bu Prăng, xã Đắk Ndrung, huyện Đắk Song (Đắk Nông), cố nghệ nhân Điểu Kâu là một trí thức, một nghệ nhân nổi tiếng, người có công trong việc giáo dục, dạy chữ M’Nông cho đồng bào mình ở tỉnh Quảng Đức (cũ).

Đặc biệt, sau 1975, với công việc sưu tầm vốn văn hóa dân gian và phát hiện ra sử thi M’Nông,nghệ nhân Điểu Kâu dồn hết thời gian, tâm huyết của mình để sưu tầm, ghi âm, biên dịch lưu giữ, bảo tồn, phát huy những bộ sử thi được coi là báu vật của dân tộc mình. Điểu Kâu đã để lại hơn 60 tác phẩm bao gồm cả sử thi và truyện cổ M’Nông.

Lúc sinh thời, ngôi nhà của ông Điểu Kâu là một câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, tập trung nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong bon như Điểu K’lứt (anh ruột), Điểu K’lung (em ruột) đến hát sử thi, hát dân ca, kể truyện cổ tích, biểu diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống M’ Nông. Nhờ vậy mà tuổi thơ của Điểu Thị Mai là miên man trong những đêm diễn xướng, hát, kể của cha, của bác ruột, chú ruột về sử thi M’Nông.

Những đêm như thế, Điểu Thị Mai cũng thường tập hát theo rất hứng thú. Chưa hết, Điểu Thị Mai còn thường được cha cho tham dự những đêm lễ hội của bon làng để nghe hát, kể sử thi, biểu diễn cồng chiêng… Những câu chuyện sử thi, những lời ca tiếng hát cứ thế thấm sâu vào tâm hồn, trí nhớ của chị.

Vốn có năng khiếu lại được chính người cha truyền dạy với tất cả tâm huyết, tin tưởng, nên chỉ một thời ngắn, Điểu Thị Mai đã có thể hát được hàng chục sử thi, diễn tấu thuần thục cồng chiêng và nhiều nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc M’Nông.

Điểu Thị Mai từng là học viên nhỏ tuổi nhất, xuất sắc nhất lớp học về sử thi M’Nông do Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam tổ chức, với sự truyền dạy của nghệ nhân Điểu Kâu.

Đội Cồng chiêng xã ĐắkNdrung, với hạt nhân tiêu biểu, tham gia nhiệt tình, tâm huyết là nghệ nhân Điểu Thị Mai đã trở nên nổi tiếng, diễn tấu được nhiều bài bản cổ, được mời đi giao lưu biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Điểu Thị Mai cũng là người tài hoa trong biểu diễn cồng chiêng

Điểu Thị Mai cũng là người tài hoa trong biểu diễn cồng chiêng

Trân quý, giữ gìn báu vật

Từ khi cha mất, chị đã quyết định nối nghiệp cha để tiếp tục những công việc còn dang dở của cha mình, đó là sưu tầm, biên soạn, biên dịch những bộ sử thi của dân tộc M’Nông một cách có hệ thống, mà khi còn sống nghệ nhân Điểu Kâu đã mất 50 năm công phu sưu tầm, ghi âm, ghi chép.

Từ năm 2005, với điều kiện làm việc còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn và phương tiện chủ yếu là chiếc radio cassett để thu âm, nghe băng và giấy bút để ghi chép các bản sử thi, nhưng với tâm huyết của mình, chị đã cố gắng biên soạn, biên dịch nhiều bản sử thi nổi tiếng thành 2 bản tiếng M’Nông và tiếng Việt, đó là “Lêng lấy Ndring Ting Yông Kon Gâr” (Lấy hồn người chết); “Sung trang đi đầu thai”; “Cướp trũm chil cho”; “Tiăng bắt những kẻ lấy trộm ché quý”. Chị chia sẻ, việc sưu tầm, biên soạn, biên dịch sử thi M’Nông ra tiếng Việt là để cho mọi người trong cộng đồng có thể đọc được và hiểu được nội dung sâu sắc, độc đáo của sử thi dân tộc mình.

Điều khiến chị luôn băn khoăn trăn trở, đó là hiện còn khoảng 80 sử thi trong dân gian chưa sưu tập được và khoảng 50 sử thi mà người chú ruột là nghệ nhân Điểu K’Lung đang nắm giữ, thuộc nằm lòng, nhưng lại chưa có điều kiện ghi âm hết. Chị bộc bạch: “Bố tôi khi còn sống từng lo ngại rằng càng ngày số người biết hát, biết kể sử thi càng mai một, nếu không nhanh chân thì lớp trẻ M’Nông sau này sẽ mất hết tài sản sử thi vô giá của tổ tiên”.

Theo chị, tuy lớp trẻ M’Nông bây giờ không biết hát, không biết kể sử thi, nhưng nếu mở lớp dạy hát, kể sử thi thì sẽ thu hút rất nhiều thanh thiếu niên theo học. Sử thi M’Nông là bộ sử thi khá đồ sộ về số lượng và độ dài tác phẩm.

Để học viên theo học được, ngoài việc cho nghe những tác phẩm sử thi qua băng, qua lời kể, lời hát thì quan trọng nhất là phải cho học viên học thuộc những câu vần. Bởi mỗi câu vần sẽ có độ dài hàng chục dòng và liên quan đến một chủ đề khác nhau. Chị rất tâm huyết với vấn đề này, nhưng hiện nay lực bất tòng tâm, vì còn tất bật với việc nương rẫy để mưu sinh, không có điều kiện mở lớp. Đó cũng là mong ước cháy bỏng nhất hiện nay của chị, bởi nếu làm được việc này cũng đồng nghĩa với việc chị đã hoàn thành tâm nguyện của nghệ nhân Điểu Kâu trước lúc đi xa. 

Hiện nay, ngoài những bộ sử thi thuộc vào hàng độc quý hiếm, chị Mai còn có hơn 1.000 bài ca dao, dân ca của dân tộc M’Nông. Để có được bộ sưu tập vô giá này, chị đã mất hàng chục năm ròng rã để thực hiện những chuyến đi đến các bon làng của đồng bào M’Nông sinh sống rải rác ở trong tỉnh và ngoài tỉnh (Bình Phước, Đắk Lắk), gặp gỡ các nghệ nhân, nghe hát, kể để ghi băng, chép lại bằng tiếng M’Nông, rồi công phu biên soạn, biên dịch ra tiếng Việt.

Có thể nói, công việc sưu tầm, biên soạn, biên dịch sử thi M’Nông ra tiếng Việt cho người đọc dễ hiểu là một công việc công phu, đòi hỏi người nghệ nhân phải thực sự am hiểu, vận dụng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm đi thực tế của mình thì mới có thể truyền tải được hồn cốt của sử thi.

Trong 10 năm qua, nghệ nhân Điểu Thị Mai đã vượt lên tất cả những khó khăn, âm thầm đơn thương độc mã đi điền dã để sưu tầm, biên soạn, biên dịch ra tiếng Việt hàng chục bộ sử thi. Đó là một đóng góp rất đáng kể, rất đáng trân quý của chị đối với vốn văn hóa truyền thống M’Nông nói chung, sử thi M’Nông nói riêng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.