Người Mông lên tiếng về clip kéo vợ trên mạng xã hội

Theo một số già làng ở Điện Biên, tục kéo vợ không còn lưu truyền trong vùng đồng bào Mông. Nếu có chỉ là tái diễn để quay phim, chụp ảnh...

Được biết, người con gái càng được kéo nhiều lần thì càng có giá. Ảnh: Lao động
Được biết, người con gái càng được kéo nhiều lần thì càng có giá. Ảnh: Lao động

Thời gian qua, trên mạng xã hội có đăng một số hình ảnh, video clip về tục kéo vợ của đồng bào Mông ở một số địa phương, gây xôn xao dư luận và gây bức xúc trong cộng đồng người Mông.

Theo một số già làng, trưởng bản dân tộc Mông ở Điện Biên: Tục kéo vợ trong đồng bào H’Mông xuất hiện từ thời Pháp thuộc, phong kiến.

Tuy nhiên, từ sau đất nước ta giải phóng, Cách mạng tháng Tám thành công, thực hiện nếp sống mới, nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó có tục kéo vợ không còn lưu truyền trong vùng đồng bào Mông.

Có chăng, kéo vợ chỉ là hình thức khi người con trai và người con gái đã yêu nhau rồi, muốn về làm vợ, làm chồng của nhau thì cầm tay giả kéo đi.

Ông Vì A Hao - Nghệ nhân dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa - cho biết: “Tục kéo vợ trước đây thời Pháp thuộc thì nghe các cụ nói là có nhưng từ khi Đảng và Nhà nước đưa chính sách đến đồng bào dân tộc thì đã không còn.

Hiện nay, có một số đối tượng muốn diễn lại tục như vậy chắc là để quay phim, chụp ảnh. Chúng tôi cũng tự ái rằng bây giờ không có mà lại có những hiện tượng như thế nói là ở chỗ này, chỗ kia, chắc họ muốn bôi xấu về cái tập tục của mình. Bây giờ, người con trai, con gái yêu nhau, thấy hợp nhau và tự nguyện lấy nhau, chứ không có tục kéo vợ như hồi trước nữa”.

Cùng quan điểm này, nhiều bà con người Mông ở huyện Yên Châu (Sơn La) cũng cho rằng, từ khi Nhà nước có Luật hôn nhân và gia đình, trong đó có có các điều luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, chính quyền các cấp, các ngành vào cuộc tuyên truyền, phổ biến đến với đồng bào các dân tộc đã không còn tục kéo vợ.

Ông Tráng Lao Tơ ở xã Phiêng Khoài (Yên Châu) nói:“Trước đây là chế độ phong kiến, kể cả con gái không thích con trai thì con trai cũng rủ nhau đi kéo về làm vợ.

Nhưng hiện nay, có quyền bình đằng, tất cả trai, gái đều có quyền như nhau, nếu thích thì đến để thăm, tìm hiểu, nếu nhất trí thì cùng nhau về thôi, không phải như trước nữa”.

Việc mạng xã hội xuất hiện một số video clip, hình ảnh chàng trai H’Mông bắt vợ giữa đường, nơi phố đông người vừa qua không chỉ đi ngược lại với văn hóa tốt đẹp của đồng bào Mông, mà còn biểu hiện vi phạm luật hôn nhân gia đình.

Ông Vàng Chẩn Giáo - Cán bộ người Mông đã nghỉ hưu ở tỉnh Hà Giang - khẳng định: “Hiện nay, trên mạng xã hội có đăng một số tin là người dân tộc Mông có những phong tục kéo vợ, đây là không đúng sự thật. Tập tục của ngày xưa, người con trai được cầm tay người con gái thì lúc đó người con gái thuộc về người con trai đó”.

Cũng như các dân tộc trong cả nước, cộng đồng dân tộc Mông có nhiều phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc sắc riêng. Những phong tục hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc đã và đang được gìn giữ, phát huy.

Còn những phong tục tập quán lạc hậu, không phù còn hợp đều được loại bỏ như: tục thách cưới, tang ma dài ngày... Việc biến tướng tục kéo vợ theo kiểu ép buộc là hành vi đáng lên án, cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Vì Quyền Thào - Cán bộ nghỉ hưu ở huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết: “Qua các video clip trên mạng, tôi thấy nhiều cái không đúng.

Thường là khi hai đôi trai gái đã có sự hứa hẹn với nhau, người ta đã đồng ý rồi mới đi kéo lấy lệ thôi. Còn dùng từ trộm vợ và bắt vợ là không đúng với bản chất của người Mông.

Nếu như trường hợp đưa các clip mà bắt công khai giữa chợ, giữa đường và đưa lên mạng thì tôi đề nghị các cơ quan, ban ngành của tỉnh cũng phải can thiệp vào”.

Qua sự việc này cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là việc cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt ở vùng sâu, cùng xa, vùng biên giới./.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ