Người mẹ từ bỏ con: Thiếu kiến thức hay thiếu tình người?

GD&TĐ - Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về những em bé bị bỏ rơi. Có trẻ đã vài tuổi nhưng cũng có trẻ vừa lọt lòng bị các bà mẹ bỏ lại trước cổng chùa, bên gốc cây, góc vườn.

Trau dồi kiến thức để mỗi đứa trẻ sinh ra là niềm vui của gia đình
Trau dồi kiến thức để mỗi đứa trẻ sinh ra là niềm vui của gia đình

Các bà mẹ có nhiều lý do để biện minh cho việc làm của mình, nhưng dù nguyên nhân nào đi nữa chứng tỏ lối sống buông thả, không dám chịu trách nhiệm với việc mình làm của giới trẻ ngày nay.

Cả nước hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn đang chạy chữa khắp nơi, tốn bao tiền của chỉ với mong muốn có đứa con để bế bồng. Trong khi đó, cũng là phụ nữ, lại có những người chửa đẻ dễ dàng tới mức có bầu mà không biết, đẻ ra không có khả năng nuôi nên bỏ con lại bệnh viện, để con trước cổng chùa, bên gốc cây hay trong vườn rau.

Vụ việc gây nhức nhối dư luận gần đây nhất là việc nữ sinh bỏ con của mình trong vườn rau tại Mỹ Đức (Hà Nội). Bé gái được tìm thấy trong tình trạng không mảnh vải che thân, còn nguyên dây rốn. Điều đáng nói ở chỗ, mẹ của thai nhi trên là nữ sinh trường y, đang thực tập tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức.

Do sợ mọi người biết chuyện nên nữ sinh đã giấu bụng bầu và sau khi sinh đã đem con ra vườn rau nhà hàng xóm để giấu. Trước đó, một thai nhi khoảng 19 tuần tuổi cũng được người dân Hải Phòng phát hiện tại gốc cây ngay trong vườn hoa trung tâm thành phố.

Trong năm 2014, một thai nhi còn nguyên dây rốn cũng được người dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) tìm thấy trong bãi rác. Bên cạnh đó, còn rất nhiều đứa trẻ, lớn có, bé có bị gia đình bỏ rơi tại địa điểm công cộng, đình chùa với mong muốn được xã hội cưu mang.

Những người bỏ con luôn có lý do để biện minh cho việc làm của mình, không có điều kiện nuôi dưỡng, không dám đối mặt với dư luận, gia đình. Tuy nhiên, dù lý do nào đi nữa thì việc vứt bỏ đứa trẻ mình sinh ra là hành vi không thể chấp nhận được.

Đứng về góc độ pháp luật, những hành vi trên là vi phạm Công ước về quyền trẻ em. Luật Chăm sóc - bảo vệ trẻ em nước ta cũng có hình phạt với hành vi làm nhục, xâm phạm thân thể, tinh thần trẻ. Những hành vi dù vô tình hay cố ý nhưng ảnh hưởng đến tính mạng trẻ đều bị truy tố.

Trường hợp thai nhi vừa sinh ra bị mẹ vứt bỏ cũng bị coi là hành động giết người. Về khía cạnh xã hội, việc nữ sinh sinh con trong khi còn đi học, sinh con xong vẫn đi học bình thường cho thấy sự thiếu hụt về kiến thức sức khỏe sinh sản đến mức nghiêm trọng, kể cả sinh viên đang học trường y.

Do thiếu kiến thức nên các em không biết bảo vệ mình, không biết dùng biện pháp tránh thai. Khi có thai cũng không được tư vấn để có sự lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh. Tự sinh con, sinh xong tiếp tục đi học là sự coi thường sức khỏe, tính mạng bởi  nhiều tai biến có thể xảy ra nếu không được bác sĩ theo dõi.

Có thể nói, những câu chuyện về bà mẹ vứt con xảy ra ngày một nhiều, nó cho thấy sự dễ dãi trong lối sống nhưng lại lười trau dồi kiến thức để bảo vệ bản thân của giới trẻ ngày nay. Không có kiến thức nên các em thiếu trách nhiệm với bản thân, không biết cách xử lý tình huống dẫn đến hành vi mất kiểm soát.

Sức khỏe có thể hồi phục nhưng gánh nặng tâm lý, ám ảnh về việc làm của mình sẽ đi theo các em suốt cả cuộc đời. Những câu chuyện trên cũng là bài học với các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy, quản lý con cái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.