Bà Trịnh Thị Tư cho biết, chị Sơn có tiền sử mắc chứng bệnh trầm cảm lâu năm, nhưng do không có tiền chữa trị nên bệnh tình ngày một nặng. Khi mang thai đứa con thứ 3 thì chứng bệnh lại nặng, chị Sơn chỉ nằm một chỗ, không đi lại, ăn uống kém, sức khỏe yếu dần rồi qua đời.
Cũng theo bà Tư, chị Sơn là con gái thứ 5 trong gia đình. Học cấp 3 xong chị vào Bình Dương làm thuê và lấy chồng. Chồng tàn tật, sức khỏe yếu và không có khả năng lao động. Mọi gánh nặng gia đình đè lên vai chị. Con cái lại đông, 8 năm đẻ 3 đứa. Áp lực cuộc sống, chị sinh ra bệnh trầm cảm.
Đã nhiều lúc chị Sơn leo lên nhà cao gác đòi tự vẫn, may thay người ta phát hiện cứu thoát. Bệnh này cần người thân ở bên chia sẻ, động viên và chăm sóc. Đến cái thân già này, tôi cũng chả lo được huống gì chăm cho con, cho cháu, nhưng nghĩ về quê có mẹ có con sẽ đỡ vất vả hơn. Nghĩ vậy nên tôi mới vào Bình Dương đưa con gái về quê.
Chị Đinh Thủy, Giám đốc doanh nghiệp Thủy Châu trao quà cho gia đình. |
Khi về nhà lại phát hiện con Sơn mang bầu đứa thứ 3. Đúng thật bi kịch, suốt quá trình mang thai con bé chỉ nằm một chỗ, ăn uống kém, sức khỏe cứ yếu dần, gầy mòn trong thấy. Đến khi sinh con được 2 tháng thì nó qua đời – bà Tư kể.
Nước mắt người mẹ già có lẽ đã chảy dài suốt hành trình chăm sóc con gái, nhưng giờ đây khi chị đã “khuất núi” người mẹ ấy lại một lần nữa khóc, tiếng khóc của đau thương, tiếc nuỗi. “Cái tôi hối hận nhất là không phát hiện bệnh con sớm, rồi khi biết con bệnh thì không có tiền đưa nó đi chữa trị” – bà khóc mà nói.
Chị ra đi, để lại 3 đứa con thơ: cháu đầu Nguyễn Cao Anh Kiệt (8 tuổi), cháu thứ 2 Nguyễn Ngọc Bảo Vy (4 tuổi) và cháu thứ 3 Nguyễn Ngọc Thiên An (2 tháng tuổi). Nhìn di ảnh của chị trên chiếc bàn thờ tạm, rồi nhìn sang 3 đứa nhỏ nheo nhóc mà chúng tôi không khỏi thương xót.
Khi chị Sơn qua đời, do bổn phận con gái đã xuất giá nên không thể lập bàn thờ trong gia đình mẹ đẻ. Để chia sẻ bớt gánh gắng, hàng xóm khuyên góp mỗi người ít tiền dựng một cái rạp, mua chiếc bàn thờ tạm để làm nơi thắp hương cho chị Sơn ngay trong khuôn viên vườn nhà của bà Tư.
Sau khi mẹ mất, 3 đứa nhỏ phải sống với bà ngoại đã 74 tuổi |
“Con Sơn bệnh tật lâu năm, vừa qua đời được 4 ngày, tuổi đời còn quá ít. Bà Tư thì đã già, sống chết tính theo ngày, 3 đứa nhỏ không biết tương lai sẽ ra sao. Chúng tôi là người dưng mà cũng lo cho gia đình họ” – chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Chiếc rạp dựng tạm trên một lô đất nhỏ, bên trong chiếc bàn thờ còn nghi ngút hương khói là được bà con lối xóm khuyên góp tiền dựng lên để làm nơi thờ cúng chị Sơn. Và ở đó, tiếng khóc nỉ non của người mẹ già cứ cất lên từng hồi, có lẽ bà chỉ biết lấy nước mắt để vơi bớt đau thương.
Hai đứa nhỏ chưa đủ nhận thức rằng người mẹ sinh thành ra mình đã ra đi. Chúng cứ thế chơi đùa, nghịch ngợm, ai cho sữa, cho kẹo thì cười cảm ơn. Đứa nhỏ thứ 3 còn đỏ hỏn nằm trên tay bà Tư ngủ ngon lành. Bà vừa bế cháu vừa chào đón khách ra vào thắp hương cho con gái.
Theo bà con lối xóm, gia đình bà Tư có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân bà bị bệnh tật, thường xuyên đau ốm. Trong khi đó, con gái út của bà vừa qua đời sau khi sinh bé được hai tháng, để lại cho bà 3 đứa cháu nhỏ dại. Bà Tư không có nghề nghiệp ổn định, lại phải chăm cháu nhỏ nên gần như không có thu nhập để nuôi dưỡng cháu.
Mái tôn dựng tạm làm nơi thờ cúng chị Sơn do người dân khuyên góp |
Biết được hoàn cảnh khó khăn của bà Tư, để chia sẻ trước hoàn cảnh đau thương của gia đình, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cùng Quỹ khuyến học đèn Đom đóm của Sữa Cô gái Hà Lan (thuộc Công ty FrieslandCampina Việt Nam) đến thăm và trao tặng 12 triệu đồng cùng sữa, kẹo, bánh cho gia đình.
Nhận quà trên tay, bà Tư không khỏi xúc động, “Vô cùng cảm ơn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đã động viên, chia sẻ gia đình tôi lúc khó khăn, hoạn nạn thế này. Chúng tôi đón nhận tấm lòng và ghi nhớ suốt đời”.
“Thật sự, giờ được bữa nào lo cho cháu bữa đó. Tôi không dám nghĩ đến tương lai, bởi không biết bằng cách nào để lo cho 2 đứa đầu ăn học, nhất là đứa nhỏ mới 2 tháng tuổi đang cần sữa, thức ăn, thuốc thang để chăm sóc. Tôi sợ mình kiệt sức mà chết đi thì chúng nó sẽ ở với ai” – Bà vừa nói vừa khóc.