Thậm chí, thủy đình của anh còn chu du đến xứ người khi nghệ sĩ liên tục được mời tham gia nhiều ngày hội văn hóa lớn trên thế giới ở Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Canada, Italia, Ba Lan… Và lần đầu tiên, sân khấu rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sẽ đặt chân lên đất Mỹ vào ngày 19- 27/3/2017.
10 năm nghiên cứu múa rối nước từ ao làng tới ao nhà
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra trong một gia đình 7 đời biểu diễn múa rối nước ở thôn Trạch (Nam Chấn, Nam Trực, Nam Định). Cha anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải - tác giả của thủy đình lưu động đang được hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng hiện nay.
Con nhà nòi, ngay từ bé, anh được ông và bố truyền lại những bí quyết nhà nghề. Tuổi thơ của Thanh Liêm là những ngày quấn quýt với ông, với bố để tạc tượng.
Những con rối tưởng như vô tri vô giác ấy vào tay người điều khiển bỗng sống động lạ thường với đầy đủ tính cách đáng yêu. Anh thường cùng bố gánh tượng, rối đến chợ Viềng bán. Tối đến lại được xem biểu diễn múa rối ở thủy đình. Anh cuốn hút, đắm chìm vào thế giới của các con rối lúc nào chẳng hay.
Là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm có nhiều cơ hội để thỏa nguyện niềm đam mê gắn bó cùng nghệ thuật Múa rối nước.
Đi nhiều, anh ngộ ra, trẻ em vùng sâu, vùng xa thiệt thòi, chẳng mấy khi được xem rối nước. Trong một trò diễn có 5 đến 7 nhân vật thì cần có 5 đến 7 người điều khiển.
Sân khấu múa rối nước truyền thống thường đặt ở ao làng. Đường kính có thể lên tới 10m, cộng với rất nhiều phông bạt để trang trí sân khấu nên việc di chuyển đến các địa điểm để biểu diễn rất khó khăn và tốn kém.
Phải làm sao để hàng triệu trẻ em có thể thưởng thức được môn nghệ thuật dân tộc hấp dẫn này? Câu hỏi đó luôn đau đáu trong lòng nghệ sĩ Thanh Liêm.
Và ý tưởng độc đáo được lóe lên- đó là cho ra đời sân khấu rối nước mini. Năm 1990, anh bắt tay hiện thực hóa ý tưởng này. Anh thiết kế rối nước thu nhỏ và tạc tượng mini.
Sân khấu mini này vẫn giữ nguyên được những những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều. Thủy đình do anh làm ra là những tấm bìa gọn nhẹ có thể tháo lắp.
“Ao nước” là một thùng bằng nilon gấp gọn. Toàn bộ thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1m2 chứa khoảng 2-3m3 nước, con rối cao nhất cũng chỉ 20cm và chỉ cần một người biểu diễn. Tất cả sân khấu, đạo cụ... có thể tháo lắp dễ dàng trong khoảng vài mươi phút và có thể xếp trong một chiếc hòm con để đèo gọn gàng trên xe máy.
Với sân khấu rối nước thu nhỏ này, một mình Phan Thanh Liêm đảm đương mọi công đoạn, từ tạo hình con rối, lắp ráp, hậu đài, điều khiển con rối... Mô hình sân khấu múa rối gọn nhẹ, có thể ngồi trên sàn mà không cần ngâm mình dưới nước.
Sau 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm, đến năm đến năm 2000, sân khấu rối nước mini “made in Phan Thanh Liêm” ra đời và đến năm 2001 ra mắt khán giả lần đầu tiên và được cổ vũ nồng nhiệt.
Điều hấp dẫn là, không những được xem ở cự li gần, được sờ nắn vào các con rối, được tô vẽ con rối mà mình yêu thích, du khách và trẻ nhỏ còn được trải nghiệm cách điều khiển con rối như thế nào khi đắm chìm trong ao nước mát lành.
Múa rối nước Việt Nam xưng danh ở nửa vòng trái đất
Với sự độc đáo của thủy đình thu nhỏ, tháng 4 năm 2008, Phan Thanh Liêm được Tổ chức Múa rối Thế giới UNIMA kết nạp làm thành viên.
Và một vinh dự nữa đến với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm. Lần đầu tiên, sân khấu rối nước thu nhỏ anh sẽ đặt chân lên đất Mỹ vào ngày 19- 27/3/2017.
Đây là chuyến lưu diễn theo lời mời của World Wood Day Foundation (WWDF - Tổ chức Ngày Gỗ Thế giới) được tổ chức tại Loong Beach, California, Mỹ. Tham gia sự kiện có nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực như âm nhạc, thiết kế, kiến trúc, hội họa, điêu khắc…
Các đại biểu khách mời từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia để quảng bá giá trị văn hóa cũng như đóng góp tài năng của họ cho sự kiện này. Những con rối của Phan Thanh Liêm cũng là một sản phẩm chế tác từ gỗ.
Tại sự kiện, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sẽ trình diễn múa rối nước cũng như trưng bày, giới thiệu cách chế tác con rối. Trước khi chuẩn bị sang Mỹ, nghệ sĩ rối nước chia sẻ:
“Tôi sẽ mang những trò truyền thống mà ông cha để lại, gắn với cuộc sống đời thường của người nông dân Việt Nam: Cày cấy, đua thuyền, múa phượng, tứ linh…
Bên cạnh đó, tôi còn đưa thêm một chương trình về văn hóa giao thông “Mô tô bay”. Tôi muốn bạn bè quốc tế hiểu về văn hóa đất nước Việt Nam.
Qua tích trò “Mô tô bay”, bạn bè quốc tế sẽ hiểu người Việt tham gia giao thông chủ yếu bằng xe máy và tiết mục này được sáng tạo để giáo dục thế hệ trẻ về ý thức chấp hành luật giao thông”.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm không giấu niềm cảm xúc: “Vui và tự hào, cả bất ngờ nữa khi được mời tham dự sự kiện Ngày Gỗ nghệ thuật Thế giới 2017.
Đây là cơ hội để anh được quảng bá rộng rãi hơn đến nhân dân Mỹ những tiết mục múa rối nước truyền thống của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, hòa bình và phát triển đến bạn bè quốc tế”.