Người lớn cần là tấm gương

Người lớn cần là tấm gương

(GD&TĐ) - Cách đây ít ngày, anh bạn tôi có va quyệt xe máy với một bé gái khi em sang đường cùng mẹ và anh trai. Thật may cho em là chị xây xước ngoài da.

Nghe anh kể lại: Nguyên nhân là do em bé sang đường cùng mẹ không cẩn thận và người mẹ thì lại chủ quan không lưu tâm đến con trẻ. Quan sát từ xa, anh thấy ba mẹ con ngang nhiên sang đường, người mẹ dắt tay anh trai còn bé gái thì bám vào tay anh mìn. Ba mẹ con xếp hàng dọc rồi ngang nhiên sang đường. Thấy vậy anh liền giảm tốc độ và chủ động đi vào ven đường.

Tuy nhiên, điều không may đã đến khi bé gái đang sang đường, nhìn thấy xe cộ qua lại nhiều, em hốt hoảng liền bỏ tay anh chạy vượt qua mẹ để sang phía bên kia đường. Vừa lúc đó thì xe của anh bạn đi tới. Bị bất ngờ, nên anh không làm chủ được tay lái, hậu quả là đã xảy ra tai nạn. Điều đáng nói là anh đã bị gia chủ yêu cầu làm bản cam kết về tình trạng sức khoẻ của bé gái, trong khi đó lỗi hoàn toàn không phải từ phía anh ta.

Cần đội mũ bảo hiểm cho con khi ngồi lên xe máy
Cần đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi lên xe máy

Qua câu chuyện cho thấy, rõ ràng vai trò của phụ huynh là rất quan trọng khi tham gia giao thông cùng con trẻ. Ngoài việc hướng dẫn con trẻ hình thành ý thức khi tham gia giao thông, phụ huynh còn phải là tấm gương khi tham gia giao thông, ít nhất là không nên sang đường tuỳ tiện hoặc nếu có thì phải hướng dẫn và bám sát cùng các con khi sang đường.

Nhìn một cách tổng thể, phần lớn những người làm cha làm mẹ, làm anh làm chị đã hình thành thói quen: dặn dò, nhắc nhở con em cẩn thận khi đi ra đường, thể hiện tình cảm và ý thức trách nhiệm cao của các bậc phụ huynh.... Tuy nhiên đó chỉ được coi là phương pháp dùng ngôn ngữ nói hoặc viết để giáo dục con trẻ khi tham gia giao thông. Trên thực tế, hành vi cụ thể của người lớn khi tham gia giao thông sẽ có giá trị trực quan nhất, gây tác động và ấn tượng sâu sắc nhất đối với các em

Do đó, khi đề cập trách nhiệm của xã hội, trách nhiệm của người lớn mà cụ thể ở đây là các bậc phụ huynh đối với trẻ em trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, không thể không lưu ý đến vấn đề “tấm gương” của người lớn khi tham gia giao thông mà người truyền đạt trực tiếp, không phải ai khác, trước hết là các bậc phụ huynh.

Và để làm gương, cho con em mình, trước hết phải nâng cao nhận thức chấp hành các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cần sửa chữa những thói quen tuỳ tiện như tự do sang đường, vượt đèn đỏ hoặc là chấp hành luật giao thông theo kiểu đối phó ví dụ như: Đến ngã tư, thấy vắng bóng cảnh sát giao thông là tự động vượt đèn đỏ hoặc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vào buổi tối hay ở những nơi không có lực lượng tuần tra, kiểm soát... Đặc biệt cần sớm chấm dứt hình ảnh  phản cảm là cùng ngồi trên xe máy nhưng bố hoặc mẹ đội mũ bảo hiểm còn con để đầu trần, trong khi chúng ta luôn nói “những gì tốt đẹp nhất phải dành cho trẻ em…”. 

Sỹ Điền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ