Người làm nên điều kỳ diệu ở Cao Xanh

Người làm nên điều kỳ diệu ở Cao Xanh

Cô Lan kể, Thương nhìn chỉ như một đứa trẻ 6 tuổi, dị tật toàn thân, vận động rất nặng nề do di chứng của chất độc da cam để lại. Em không thể tự làm gì được, cả ngày chỉ có thể hết nằm lại ngồi, mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào mẹ và ông bà nội đã già yếu.

Cô giáo Đinh Thị Lan được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong giáo dục trẻ khuyết tật. Ảnh: N.N
Cô giáo Đinh Thị Lan được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong giáo dục trẻ khuyết tật. Ảnh: N.N

Nghe hoàn cảnh gia đình em ai cũng phải động lòng. Nhà nghèo, bố mất sớm, ông bà già yếu. Mẹ Thương không có công ăn việc làm ổn định, ngày ngày trông vào quán nước nhỏ ven đường để nuôi cả gia đình (Thương còn có một em trai cũng bị tật nguyền).

Cô Đinh Thị Lan nhớ lại, ngày đầu tiên vào học ở trường, chỉ riêng việc chuyển em từ chiếc xe đẩy vào lớp cũng phải tập dăm bẩy lần mới bế em lên được. Chỉ chạm vào người em để bế cũng thật khó. Toàn thân em mềm, yếu ớt, luồn tay không đúng chiều để bế sẽ làm em cảm thấy đau. Phải thật kiên trì, động viên, cô Lan mới được em cùng phối hợp, cho bế vào lớp.

Và, với lòng kiên trì, tình yêu thương, cô giáo Định Thị Lan cùng cô trò nhỏ đặc biệt đã làm nên điều kỳ diệu ở trường Cao Xanh khiến nhiều người, kể cả gia đình Thương không khỏi ngỡ ngàng.

Gặp cô Đinh Thị Lan tại Lễ tuyên dương giáo viên dạy giỏi trẻ khuyết tật toàn quốc, nghe cô kể chuyện về em học trò nhỏ tôi mới hình dung được phần nào những gian truân của cả hai cô trò.

Cô Lan kể lại: “Đầu tiên, tôi phải giúp em làm quen với không khí học tập trên lớp, từ việc sắp đặt đồ dùng học tập, làm quen với ký hiệu học học tập… vì với em tất cả đều vô cùng mới mẻ. Lần đầu tiên em ngồi viết tại lớp với chiếc bàn đặc biệt, em đã phải tỳ cằm và toàn thân mình vào ngồi mép bàn mới viết được những nét chữ run rẩy. Một chữ với em cũng là cả một công trình vì cánh tay luôn đau nhức, nhất là khi phải vận động”.

Cô Lan đã đặt ra cả một kế hoạch để luyện chữ cho Thương theo từng giai đoạn: Tháng đầu, chỉnh sửa độ cao, độ rộng của những chữ chưa chuẩn; tháng thứ 2: rèn kỹ thuật nối chữ, khoảng cách giữa các con chữ trên dòng; tháng thứ 3: luyện viết chữ nghiêng; tháng thứ 4: luyện viết bài đảm bảo tốc độ. Trong thời gian đó, cô Lan phải thường xuyên động viên, khích lệ, xoa tay những khi Thương đau đớn, nán lại trong giờ giải lao để bên em hoàn thành bài viết… Thương tiến bộ rất nhanh, chữ em đẹp dần lên qua mỗi trang viết. Và, chỉ sau một thời gian, Thương đã giành giải nhất chữ đẹp cấp trường.

Trong Hội thi “Viết chữ và trình bày bài đẹp” cấp thành phố, mọi người xúc động trước hình ảnh một cô bé tật nguyền miệt mài ngồi viết nắn nót từng chữ, gương mặt ánh lên niềm tự hào. Em đã hoàn thành bài viết đúng thời gian, không cần đến ưu tiên thêm 10 phút của ban tổ chức. Và, thật bất ngờ, cô trò tật nguyền cũng chính là Phạm Thị Hoài Thương đã giành được giải đặc biệt.

Tự hào về cô học trò nhỏ, cô Lan tâm sự: “Thương không chỉ viết chữ đẹp mà viết văn cũng rất hay. Những đoạn văn em viết tràn đầy cảm xúc”. Để minh họa, cô Lan đọc một đoạn văn Thương viết: “Bác Mít sinh con từ lúc nào không biết mà lũ con béo tròn trùng trục ôm quanh lấy mẹ Mít. Họ hàng nhà Nhãn cũng không kém gì, chỉ vài tháng nữa thôi họ đưa nhau đi hội chợ, khoe những trái nhãn ngon lành của mình. Cô Khế vui tính ở gần hai bác Mít và Nhãn lúc nào cũng thấy cười toe toét”.

Cô Lan nói với tôi: “Tôi cứ tự hỏi, điều gì đã giúp em có được những suy nghĩ, cảm xúc chân thật như thế? Nhờ tình yêu thương của những người thân, thầy cô, bạn bè, nhờ lòng ham học hỏi…? Có lẽ tất cả. Và, tôi hiểu rằng, ẩn sâu trong tâm hồn cô học trò nhỏ khuyết tật kia là cả một thế giới rộng lớn, ấp ủ đầy ước mơ, bên trong tấm thân yếu ớt là một niềm đam mê, nghị lực và ý chí mạnh mẽ”.

Riêng tôi thấy rằng, làm nên thế giới đẹp đẽ trong tâm hồn cô học trò nhỏ, không thể không có sự tận tậm, tình yêu thương đặc biệt của người thầy, người mẹ, cô giáo Đinh Thị Lan.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ