Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - để có cái nhìn thấu đáo hơn nhằm phát huy vai trò báo chí trong công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe.
Thưa ông Nguyễn Thế Kỷ, ông có đánh giá như thế nào khi gần đây trên nhiều phương tiện phản ánh vụ việc một bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ chối mổ cho một người xưng là nhà báo?
- Tôi không tham gia trực tiếp trong sự việc. Cuộc giao tiếp giữa người thầy thuốc và bệnh nhân được coi là cộng tác viên, phóng viên của một tờ báo nào đó, tôi cho rằng mối quan hệ ở đây là mối quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Nếu như bệnh nhân đó thực sự là bệnh nhân. Còn trong trường hợp bệnh nhân đó trá hình để vào điều tra ngành y tế thì không nên.
Theo tôi, bất cứ một sự việc nào cái tốt nó biểu hiện rất khách quan, cái xấu cũng biểu hiện một cách khách quan, không ai che đậy được. Tất nhiên người phóng viên cảm thấy cái xấu được che đậy, được bao che, được ngụy trang thì có thể dùng các biện pháp nghiệp vụ khác.
Bất cứ ai khi tiếp xúc với người thầy thuốc, thì không nên nói ở ngành này ngành kia, dù báo chí, dù ngành nào cũng thế. Đây là mối quan hệ rất bình đẳng, bất cứ ai cũng được chăm sóc, được cứu chữa và người thầy thuốc cũng có trách nhiệm như vậy. Ở đây tôi cho rằng mọi người cần có thái độ nhìn nhận sự việc này một cách bình tĩnh, khách quan.
Tôi xin nhấn mạnh, ngay cả thái độ của hai bên nói với nhau cũng là câu đó, chữ đó, nhưng trong tiếng Việt khả năng biểu cảm của nó rất phong phú. Lời từ chối nếu như được diễn đạt một cách tình cảm thì khác, nếu như lời từ chối đó diễn đạt lạnh lùng, như là thô bạo thì khó chấp nhận.
Nên phải đặt vào bối cảnh đó xem người này nói như thế nào, người kia trả lời như thế nào thì người phóng viên phải có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, không thể bằng cảm tính của mình được, bằng sự yêu ghét của bản thân để cho người này tốt hay người kia xấu.
Ông có thể cho biết, với sự việc xảy ra như trong trường hợp tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, những người làm báo cần có trách nhiệm như thế nào?
- Báo chí hoạt động có Luật Báo chí, có những quy định. Hiện nay có 9 điều quy định đạo đức của những người làm báo Việt Nam phải áp dụng. Vì vậy, theo tôi, trong bất kể trường hợp nào người làm báo luôn đặt mình vào vị trí như những người khác, tầng lớp khác, ngành nghề khác trong xã hội, đừng bao giờ cho mình có quyền này quyền kia.
Đặc biệt, tấm thẻ nhà báo để chứng tỏ anh làm nghề nghiệp ấy, chứ không chứng tỏ anh có quyền gì.
Tôi cho rằng ngành nào luôn luôn hàng ngày hàng giờ tác động đến đời sống của mỗi con người cho nên mỗi gia đình, mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng, khi làm tốt được ghi nhận khi yếu kém, sự không tốt trong xã hội nó sẽ lan tỏa. Y tế cũng nằm trong lĩnh vực rất rộng lớn như giáo dục và trong các ngành khác.
Theo ông, báo chí khi tuyên truyền về ngành y tế cần có những lưu ý gì?
- Khi nói về ngành y tế, đây là một ngành được xã hội gọi là thầy thuốc, nghề được xã hội rất tôn vinh.
Mỗi một con người, ngay từ khi hình thành trong bụng mẹ đến khi nằm xuống trong lòng đất luôn có sư đồng hành của ngành y tế. Vì vậy, có thể nói ngành y tế đồng hành, quan tâm, thậm chí là biết ơn thậm chí có những chia sẻ với mỗi con người trong quá trình tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cho thấy, xã hội đòi hỏi ngành y tế ngày càng yêu cầu cao hơn, do đó nhiệm vụ đặt lên vai từ những người quản lý ngành đến đội ngũ y bác sỹ, hộ lý những gánh nặng tăng thêm.
Vì lẽ đó, theo tôi, báo chí khi tuyên truyền về tất cả các ngành khác nói chung hay ngành y tế nói riêng nên có thái độ chia sẻ, cảm thông, cộng tác với nhau.
Báo chí cần ghi nhận những nỗ lực, những thành tựu của ngành y tế, vì đội ngũ y bác sỹ làm việc rất vất vả, bất kể ngày hay đêm và trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói ít ngành nào mà các nhân viên làm việc suốt 24 tiếng liên tục phải trực bệnh nhân luôn luôn hoạt động.
Hiện nay nguồn lực đầu tư cho ngành y tế chưa hẳn đã tốt, còn có những mặt hạn chế, nên người dân cũng nên thông cảm, không thể hy vọng những khó khăn của ngành có thể giải quyết trong một sớm một chiều, điều này nhà nước và xã hội cần chung tay chia sẻ.
Ông có đánh giá như thế nào về việc báo chí phản ánh những tiêu cực, những việc không tốt của ngành y tế trong thời gian vừa qua?
- Theo tôi, báo chí phản ánh trước những vụ việc yếu kém hay tiêu cực, cần có thái độ rõ ràng. Chúng ta không chấp nhận những hiện tượng xuống cấp về y đức bởi hơn lĩnh vực nào hết, người thầy thuốc trong trường hợp xuống cấp về y đức sẽ gây ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của bệnh nhân.
Điều đó không cho phép, tuy nhiên cũng không thể duy ý chí nói rằng nói không với những biểu hiện xuống cấp về y đức ngay lập tức. Điều này do có nhiều yếu tố ảnh hưởng. Việc quản lý, giáo dục, giám sát hoạt động, động viên của báo chí cũng cần thiết.
Tôi cho rằng trước mỗi vụ việc được cho rằng có biểu hiện của tiêu cực, yếu kém, chúng ta phải có cái nhìn toàn diện, có cái nhìn khách quan, chính xác, công bằng, không nên vơ đũa cả nắm. Bởi vì bên cạnh có một số người có biểu hiện hạn chế, yếu kém còn vô vàn những tấm gương tốt mà báo chí cần tuyên truyền nhân rộng.
Xin trân trọng cảm ơn ông.