Người Hrê ngăn sông làm thủy lợi

GD&TĐ - Đối với những công trình ngăn sông đắp đập của người miền xuôi để làm thủy lợi dẫn nước về đồng thì lâu nay chúng ta đã quá quen thuộc. 

Người dân thôn Gọi Re đang đắp đập thủy lợi để đưa nước lên ruộng
Người dân thôn Gọi Re đang đắp đập thủy lợi để đưa nước lên ruộng

Nhưng tận mắt chứng kiến những con đập thô sơ nhưng cũng hiệu quả không kém của đồng bào các dân tộc anh em miền núi, càng thấy thêm sự đáng quý của tinh thần lao động, sự sáng tạo. Tôi có dịp chứng kiến điều đó khi về với đồng bào HRê ở thôn Gọi Re (xã Ba Xa, Ba Tơ, Quảng Ngãi).

Làm thủy lợi sau cơn lũ lịch sử...

Trên dòng sông Re, đoạn chảy qua địa phận thôn Gọi Re, chúng tôi gặp một tốp thanh niên khoảng gần 10 người đang cùng nhau vác đá, khiêng cây, cắt dây để làm thủy lợi. 

"Công trình" của họ là một bức thành bằng thân cây, đá, bao tải để chắn một phần dòng sông Re, đưa nước sông ngược về phía ruộng canh tác của họ. 

Công việc này không đơn giản chút nào bởi những công cụ họ sử dụng hoàn toàn thô sơ, độ cao từ mực nước sông lên đến ruộng là khá lớn. Nhưng vẫn kiên trì, năm nào đến mùa lúa, họ đều ra sức làm đập đưa nước sông lên nuôi cây lúa.

Vừa làm việc, anh Phạm Văn Cặp, một trong những thanh niên đang đắp đập, cho biết: "Chúng tôi bắt đầu gọi nhau đi làm lúc trời chưa sáng. Có lúc về ăn trưa, cũng có lúc đem theo cơm ăn, ở lại làm đến chiều mới về. 

Làm đông anh em, vui lắm. Khó thì cũng khó thật đấy, vì mình chặn con nước nó đang chảy lại mà. Nhưng mỗi người một tay, vài ngày không xong thì một tuần, 10 ngày nó xong. 

Dân Hrê ở đây đã quen với việc đắp đập lấy nước vào ruộng rồi. Ngày trước làm lúa rẫy thì không cần, nhưng giờ làm lúa nước thì cần lắm. Muốn có cái ăn, phải làm thủy lợi ngăn sông Re thôi...". Nói rồi, anh cười. 

Đó là nụ cười sảng khoái trong lao động dù chắc các anh đã thấm mệt sau nửa ngày vất vả với những tảng đá, những thân cây dài, những lần kéo căng dây buộc những thân cây lại với nhau...

Những gian khó…

Con đập dã chiến được đắp bằng thân cây, dây leo và đá tảng. Nhìn vào, những thứ rất thô sơ ấy có vẻ như rất mỏng manh trước sức nước của một con sông tương đối lớn có dòng chảy xiết như sông Re, nhưng trước sự cố gắng của đồng bào Hrê, một phần con nước đã phải đổi dòng, đem nguồn sống lên ruộng cho cây lúa mau lớn, mau cho năng suất.

Theo anh Cặp, nhìn là vậy, nhưng quá trình đắp đập cũng không phải dễ đâu. Việc trước hết là phải chọn những nơi nước tương đối hiền, dòng chảy không xiết, không xoáy và có độ sâu vừa phải. 

Bởi nước xoáy, sông sâu, chảy xiết thì chẳng bao lâu con đập dã chiến sẽ bị dòng sông cuốn đi mất tăm. Chọn xong, rồi đến vào rừng chặt cây, lấy dây leo chắc chắn mang về bên sông để sẵn. 

Việc chọn cây nào, dây nào cũng rất quan trọng. Bởi có những loại dây leo trên rừng nơi đây chịu được nước nhưng cũng có nhiều loại ban đầu nhìn vào rất chắc chắn nhưng khi thấm nước một thời gian thì nhanh chóng rã ra. Kinh nghiệm đi rừng nhiều đời truyền lại đã cho họ những cây, những dây leo cần thiết để bắt đầu dựng đập.

Những bàn tay cần mẫn của đồng bào Hrê ở thôn Gọi Re hôm ấy đã cho tôi thêm niềm tin về sự phục hồi và phát triển nông nghiệp ở vùng rừng núi hoang vu này. Dù đời sống còn rất khó khăn, dù thiên tai càng ngày càng trở nên khắc nghiệt, nhưng họ vẫn không lúc nào bỏ cuộc. 

Bằng sức lao động bền bỉ của mình, họ vẫn bám chặt mảnh ruộng, vẫn ngăn sông đắp đập để đem nước vào cho lúa. Rồi, mùa bình yên và những ấm no sẽ dần dần về đến. Tôi tin thế trên đường rời Gọi Re...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.