Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin

Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin

(GD&TĐ)-Danh sách các trường được phép đào tạo liên thông từ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên cao đẳng, đại học đã được Bộ GD&ĐT công bố công khai. Sau thông báo này, một số trường tuyển sinh trái quy định lo lắng, hoặc “rút” thông báo tuyển sinh công khai hoặc “quay ngoắt” nói mình chỉ tuyển sinh nghề, không đào tạo liên thông... Cuối cùng, người thiệt và hoang mang nhất vẫn là người học vì những lời quảng cáo hấp dẫn đã trót nộp hồ sơ vào trường.

Thông báo tuyển sinh liên thông của trường ĐH Tây Đô
Thông báo tuyển sinh liên thông của trường ĐH Tây Đô

Một số cơ sở đào tạo liên thông từ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên cao đẳng, đại học trái phép được báo chí gần đây phản ánh như ĐH Điện lực, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường CĐ Asean (Hưng Yên), trường CĐ nghề Cơ giới và Thủy lợi (Đồng Nai)...

Trường CĐ nghề TP.HCM thông báo công khai tuyển sinh liên thông từ CĐ, CĐ nghề lên đại học hệ vừa làm vừa học khóa đầu tiên, hợp tác với trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Lý giải việc không có tên trong danh sách 15 trường được Bộ GD&ĐT cho phép nhưng vẫn tuyển sinh, ông Nguyễn Phong Điền - Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục (Trường ĐHBK Hà Nội) – đơn vị trực tiếp liên kết đào tạo với Trường CĐ nghề TP.HCM đào tạo hệ này cho hay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được giao quyền tự chủ theo Quyết định số 1211/QĐ-BGDĐT ngày 28/3/2011. Theo quyết định này, Trường được giao thí điểm tự chủ một số nội dung (giai đoạn 2011-2015), trong đó có việc tự quyết định về mở ngành đào tạo, chương trình đào tạo, liên kết đào tạo nhân lực theo đề nghị của các địa phương, định chỉ tiêu tuyển sinh, in phôi và cấp văn bằng chứng chỉ, tự quyết định mức học phí... và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

Ông Điền cho rằng, mặc dù trường không có chủ trương tăng cường đào tạo liên thông nhưng do nhu cầu ở các địa phương nên từ 2011, Viện Đào tạo liên tục bắt đầu cho sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề được đăng ký tuyển sinh lên học đại học hình thức vừa làm vừa học. Năm học 2011-2012 đã có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề được học liên thông lên đại học tại chức của ĐHBK HN tại hai trường liên kết là CĐ nghề mỏ Hồng Cẩm (Hạ Long) và CĐ nghề Dầu khí (Vũng tàu). Vào 29/9 vừa qua, Viện cũng đã thực hiện kỳ thi tuyển sinh liên thông CĐ lên đại học tại chức, trong đó có tổ chức tại Trường CĐ nghề TPHCM cho 64 thí sinh có trình độ cao đẳng nghề. Nhìn chung, số lượng học viên còn rất ít so với quy mô đào tạo chung và tuyển sinh khó khăn.

Trước phản ánh của phóng viên, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã bỏ nội dung thí sinh học hệ cao đẳng nghề của trường được liên thông lên ĐH do chính Học viện cấp bằng. Giám đốc Học viện, ông Lê Hữu Lập khẳng định, phải ít nhất 2 năm nữa, Học viện mới làm đề án trình lên Bộ xin phép đào tạo, vì vậy học sinh CĐ nghề khóa này vào trường có được liên thông lên ĐH do Học viện cấp bằng hay không không thể nói trước. Theo ông Lập, nếu trường có đào tạo liên thông hệ này thì cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe đối với học sinh tốt nghiệp CĐ nghề như học lực giỏi, phải hoàn thành chương trình bổ sung kiến thức (6-8 môn, kéo dài khoảng 3 tháng) và thi đạt điểm theo đúng quy định.

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) khẳng định: những trường không có trong danh sách Bộ công bố mà triển khai đào tạo là vi phạm. Ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh: Ngoài việc có công văn chấn chỉnh hoạt động đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH, Bộ GD&ĐT đồng thời cung cấp thông tin để người học cùng tham gia giám sát các chương trình đào tạo này. Nên, về phía người học cũng cần có trách nhiệm tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.