Người giữ hồn dù kê Khmer Nam bộ

GD&TĐ - Tên tuổi nghệ sĩ ưu tú Thạch Sung gắn với đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông vừa là diễn viên vừa là soạn giả, đạo diễn của nhiều vở dù kê nổi tiếng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

NSƯT Thạch Sung.
NSƯT Thạch Sung.

Sớm bén duyên dù kê

Vốn là người đam mê nghệ thuật dù kê - một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer nên từ nhỏ ông đã tìm đến những ngôi chùa Khmer trong vùng để học hát, đàn, trống với những nghệ nhân biểu diễn dù kê nổi danh.

Nhờ có chất giọng ngọt ngào cộng với đam mê khổ luyện, chỉ một thời gian ngắn, ông đã có thể tự đàn, hát những bài dân ca và dù kê truyền thống một cách thuần thục, nhuần nhuyễn.

Nhận thấy ông là một giọng ca đầy triển vọng của nghệ thuật sân khấu dù kê, năm 1983, đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) đã mời ông về tham gia biểu diễn. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời theo đuổi nghiệp ca hát dù kê của ông. Những năm tháng hoạt động trong đoàn đã tạo điều kiện, cơ hội cho ông trau dồi, nâng cao, hoàn thiện về các kỹ năng ca, diễn của mình.

Với tài năng và tinh thần sáng tạo, năm 1985, tại Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở TP Quy Nhơn (Bình Định), ông đã đoạt giải Nhất.

Sự tỏa sáng của ông tại hội diễn này đã góp phần để Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận dù kê là loại hình sân khấu ca kịch chuyên nghiệp. Từ đó, ông cùng với anh em nghệ sĩ trong đoàn đi biểu diễn liên tục ở khắp mọi miền đất nước và nước bạn Campuchia, Lào.

Ngoài tích cực tham gia biểu diễn, ông còn dành thời gian tâm huyết chuyển thể, biên soạn, sáng tác nhiều vở dù kê được khán giả, nhất là cộng đồng người Khmer Nam bộ yêu thích. Nhiều vở của ông được các đoàn, câu lạc bộ nghệ thuật sân khấu dù kê trong cộng đồng Khmer dàn dựng gây được tiếng vang.

Những vở như: “Hoàng tử Chaysoryvong”, “Truyền thuyết thần Takta”, “Lưỡi kiếm oan nghiệt”, “Nghĩa tình không phai tàn”… đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và sự yêu thích của khán giả.

Có thể nói, ông là một trong những nghệ sĩ đã có những đóng góp đáng kể vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy sức sống của nghệ thuật dù kê trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Nam bộ.


Thạch Sung trong các vai diễn trên sân khấu dù kê của đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh).
 Thạch Sung trong các vai diễn trên sân khấu dù kê của đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh).

Truyền lửa cho thế hệ sau

Xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XX, nghệ thuật sân khấu dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Basắc, nghĩa là kịch hát với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được cộng đồng người Khmer Nam bộ quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ. Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật của ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa.

Đề tài và nội dung kịch bản sân khấu dù kê rất phong phú với những tích tuồng được khai thác, chuyển thể từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khner. Ngoài ra còn có những vở diễn mang hơi thở của cuộc sống đương đại, có ý nghĩa xã hội, kêu gọi sự đoàn kết các dân tộc, chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột, bênh vực người lao động, người yếu thế…

Có thể nói, nội dung của những vở diễn trên sân khấu dù kê đã phản ánh bức tranh xã hội sinh động, hấp dẫn, khiến người xem như hòa mình cùng nhân vật trên sân khấu.

Dù diễn theo tích tuồng gì, nội dung của những vở dù kê thường được phân chia thành hai phái rõ rệt, tiêu biểu cho hai loại người trong xã hội, đó là “chính diện” và “phản diện”, đại diện cho “thiện” và “ác”. Cộng đồng người Khmer luôn tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu, hướng con người tới “chân, thiện, mỹ”, làm lành, tránh ác.

Trong cuộc sống hiện nay có thể thấy sự chân thành mộc mạc, tình làng nghĩa xóm luôn được duy trì vun đắp, là có phần đóng góp đáng kể của các tích truyện từ sân khấu dù kê.

Tính đến nay, nghệ sĩ Thạch Sung đã có 36 năm gắn bó với đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, đoàn biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê và các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer lớn nhất vùng Nam bộ.

Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã có lịch sử hình thành, phát triển hơn 50 năm, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000. Nhiều năm trong cương vị Phó đoàn chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn dàn dựng, phần thưởng cao quý ấy có phần đóng góp không nhỏ của nghệ sĩ ưu tú Thạch Sung.

Những năm gần đây, ông dành một phần thời gian để mở các lớp học về nghệ thuật diễn xuất dù kê, đào tạo nguồn nhân lực kế thừa tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh. Đây là lớp dạy ca kịch dù kê đầu tiên và duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà ông dành rất nhiều thời gian, tâm huyết gày dựng.

Theo ông chia sẻ, học biểu diễn dù kê cũng rất công phu, vì người thể hiện phải có năng khiếu cả về ca, múa, cảm thụ âm nhạc, văn học và khả năng về diễn xuất. Chính vì thế, người theo học nghệ thuật sân khấu dù kê phải thực sự có niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer.

Ngoài ra, đội ngũ sáng tác kịch bản cho sân khấu hiện nay cũng không nhiều và rất cần được đào tạo qua trường lớp chính quy, vì đây là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, đòi hỏi người viết phải có đủ trình độ và am hiểu sâu sắc về sân khấu dù kê.

Nhờ được đào tạo, được gìn giữ bảo tồn và phát huy nên trước sự bùng nổ của nhiều chương trình văn nghệ giải trí hấp dẫn của các kênh truyền hình trên cả nước, những buổi biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh vẫn thu hút đông đảo khán giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM ngày 7/4. Ảnh minh họa: VNUHCM

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.