Người giáo viên cần nhiều hơn sự sẻ chia, thấu hiểu

Người giáo viên cần nhiều hơn sự sẻ chia, thấu hiểu

Covid-19 đã cho thấy, khi việc học của các con vượt ra ngoài không gian nhà trường thì vấn đề quản lý và dạy dỗ con cái mới thực sự khó khăn như thế nào.

Quãng thời gian các con phải nghỉ học dường như quá dài, khiến cho đợt trải nghiệm “cảm giác làm thầy” đầy rẫy những vất vả, đã trở thành kỷ niệm không dễ gì quên được, đối với mỗi một vị phụ huynh. Và chắc chắn một điều là khi dịch bệnh chấm dứt, có thể sẽ chẳng còn khoảng thời gian nào đặc biệt như vậy.

Gạt đi sự nhọc nhằn của chuỗi những ngày chỉ có thể đồng hành cùng các em học sinh qua màn hình của các thiết bị điện tử, rất nhiều giáo viên hy vọng đây chính là cơ hội để phụ huynh thấu hiểu về nghề giáo nhiều hơn.

Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi những người đang hằng ngày đứng trên bục giảng không chỉ phải chịu đựng những áp lực từ phía xã hội, từ ngành mà còn phải chịu áp lực từ chính các bậc phụ huynh và thậm chí là các em học sinh của mình.

Có những phụ huynh thừa nhận, mỗi buổi tối khi phải cùng con ngồi vào bàn học là sẽ lại loay hoay với câu hỏi làm sao để giúp con có thể nhớ rõ, nắm được và vận dụng kiến thức thành thạo. Trong khi giáo viên phải cùng lúc quán xuyến, dạy dỗ mấy chục em nhỏ thì ở đây chỉ có “một cô – một trò” mà sao khổ quá!

Ấy thế mà ngoài việc phải đảm bảo công tác chuyên môn thì các thầy cô giáo còn có đầy rẫy những thứ việc bên lề phải bận lòng. Một ví dụ đơn giản như phải hoàn thiện các loại hồ sơ sổ sách. Ngay lập tức có thể liệt kê hàng chục loại mà chính phụ huynh cũng không hề xa lạ: Sổ giáo án, sổ điểm, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ dự giờ, sổ chủ nhiệm.

Nhiều trường còn phát sinh các loại sổ như: Sổ hội họp, sổ mượn đồ dùng, sổ tích lũy kinh nghiệm, sổ học bồi dưỡng. Thậm trí còn có một số kiểu thuộc thể loại hàng hiếm như: Sổ nhận xét hàng ngày, sổ đánh giá sức khỏe hàng tuần, sổ tổng kết điểm thi đua hàng tháng…

Không ít thầy cô vẫn đau đáu bởi nhiều khi giảng dạy cho các con luôn trong tình trạng thiếu vắng sự phối hợp từ phía gia đình.

Dù chiếm một số lượng không lớn nhưng vẫn có phụ huynh quan niệm “trăm sự nhờ thầy”, rồi hệ quả là “khoán trắng” con em mình cho các cơ sở giáo dục. Nếu không may có chuyện gì xảy ra với con những lúc ở trường, nhiều bậc làm cha mẹ chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân hay hiểu cho rõ bản chất vấn đề, đã vội vàng quy ngay trách nhiệm cho các thầy cô giáo.

Trước thực trạng cuộc sống xuất hiện nhiều thú vui cũng như cám dỗ, làm các em học sinh xao nhãng chuyện học khiến các thầy cô lại phải đương đầu thêm một áp lực mới. Đó là làm thế sao để học sinh không chán học, bỏ học. Làm thế nào để dạy học thật hay và chất lượng thì phải thật cao, cho phụ huynh vừa lòng.

Để rồi, lúc các bậc phụ huynh bắt đầu thấm nỗi vất vả khi phải kèm cặp và quản lý con trong kỳ nghỉ học dài ngày mới thấu hiểu nhiều hơn những trăn trở mà người giáo viên gặp phải.

Trao đổi với Báo GD&TĐ một cô giáo trẻ nhẹ nhàng bày tỏ quan điểm: “Thôi thì nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó việc các con phải nghỉ học dài ngày cũng sẽ đem lại những dấu hiệu tích cực. Đó là giúp các bậc phụ huynh thêm một lần thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của những người đang đứng trên bục giảng hằng ngày". 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ