Người gác cổng an ninh quốc gia cho ông Tập

Bí thư Đảng ủy Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc có thể sẽ là chìa khóa để ông Tập kiểm soát bộ máy an ninh quyền lực, phục vụ cho chiến dịch chống tham nhũng.

Người gác cổng an ninh quốc gia cho ông Tập
nguoi-gac-cong-an-ninh-quoc-gia-cho-ong-tap

Ông Trần Văn Thanh, tân bí thư Đảng ủy Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Sina

Hồi đầu tháng 10, tờ South China Morning Post xác nhận ông Trần Văn Thanh, một quan chức cấp cao của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan quyền lực chống tham nhũng của Trung Quốc, đã được bổ nhiệm làm bí thư Đảng ủy Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MMS).

Chìa khóa kiểm soát bộ máy an ninh

Sau đó, nhiều tờ báo tiếng Trung ở hải ngoại đưa tin, với vị thế này, ông Trần nhiều khả năng sẽ thực hiện một cuộc chuyển giao quyền lực ngoạn mục trong cơ quan quyền lực phụ trách các vấn đề về tình báo và phản gián để trở thành tân bộ trưởng MMS.

Ông Trần là quan chức thứ ba có xuất thân từ CCDI được bổ nhiệm giữ các vị trí cao hơn trong các cơ quan chính phủ Trung Quốc, và động thái này được coi là một nỗ lực nữa của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kiểm soát chặt chẽ các cơ quan an ninh và tình báo, đặc biệt là sau khi cựu thứ trưởng an ninh quốc gia Mã Kiện và giám đốc sở an ninh Bắc Kinh Lương Khắc bị bắt với tội danh tham nhũng, chuyên gia Peter Mattis thuộc Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Jamestown nhận định trên National Interest.

Ông Trần Văn Thanh là người xuất thân từ Bộ Công an Trung Quốc (MPS), cơ quan từng chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động chống gián điệp trước khi MSS được thành lập vào năm 1983. Trong bản lý lịch đăng trên trang web của CCDI, ông Trần chuyển từ Bộ Công an sang Bộ An ninh Quốc gia vào năm 1994 với chức danh phó giám đốc sở an ninh Tứ Xuyên, và sau đó là giám đốc sở này vào năm 1998.

Đến năm 2002, ông Trần chuyển sang làm viện trưởng Viện Kiểm sát Tứ Xuyên, rồi sau đó về Phúc Kiến làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kỷ luật kiêm phó bí thư tỉnh ủy. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông Trần được điều động về Bắc Kinh giữ chức phó chủ nhiệm CCDI, mũi giáo sắc của ông Tập trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi".

Với việc bổ nhiệm ông Trần giữ chức bí thư Đảng ủy Bộ An ninh Quốc gia, đây là lần đầu tiên có tới hai ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ này, bởi Bộ trưởng Cảnh Huệ Xương cũng là một thành viên trong ủy ban.

Nếu ông Trần là người kế nhiệm ông Cảnh Huệ Xương như một số tin đồn, thì ông sẽ trở thành người đầu tiên có ghế trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi trở thành bộ trưởng MSS. Ông cũng là quan chức đầu tiên của bộ này rời đi để rồi quay lại với vị trí cao hơn, và đây được coi là con đường thăng tiến "khác thường" với các quan chức MSS.

Bộ trưởng Cảnh Huệ Xương và các thứ trưởng của bộ này đều dành phần lớn sự nghiệp của mình phục vụ ở MSS tại Bắc Kinh, chỉ xuống cơ sở đảm nhiệm chức giám đốc sở trong một hoặc hai năm, sau đó lại quay về bộ.

Theo chuyên gia Mattis, việc điều động ông Trần từ CCDI về MSS dường như là một nước cờ của ông Tập nhằm kiểm soát cơ quan quyền lực này. Nhiều người tin rằng các cơ quan an ninh Trung Quốc đã trở nên mất kiểm soát hoặc bị chính trị hóa quá mức dưới thời của cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, người vừa bị kết án chung thân về hành vi tham nhũng và lạm quyền.

Năm 2012, Trường Đảng Trung ương lúc đó do ông Tập lãnh đạo đã đăng nhiều bài viết chỉ trích cách thức quản lý các cơ quan an ninh của Chu Vĩnh Khang. Những bài phê phán này cho rằng bộ máy an ninh đang ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu phát triển của Trung Quốc, và Thường vụ Bộ Chính trị cần giảm bớt quyền lực của bộ máy này, đưa chúng trở về ngang hàng với các cơ quan chính phủ khác.

nguoi-gac-cong-an-ninh-quoc-gia-cho-ong-tap-1

Nhân viên an ninh Trung Quốc tuần tra trên đường phố. Ảnh: Telegraph

Đến năm 2013, điều này trở thành hiện thực khi ông Tập thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, lấy lại hầu hết những quyền lực trước đây thuộc về Ủy ban Chính pháp Trung ương từng do Chu Vĩnh Khang kiểm soát. Đến đầu năm 2015, hai cựu thứ trưởng của MSS bị bắt vì tham nhũng và sử dụng nguồn lực của bộ sai mục đích.

Phục vụ chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi"

Ông Trần được điều về Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc trong thời điểm cơ quan chuyên về tình báo, phản gián này đang gặp khủng hoảng về cấu trúc và đường lối. Các lãnh đạo của bộ đang loay hoay trong việc lựa chọn hướng đi và ưu tiên của mình, chẳng hạn như cơ quan này nên tập trung các nỗ lực tình báo vào trong nước hay ra nước ngoài, trong khi sức ép cạnh tranh từ các tổ chức tình báo khác đang ngày càng lớn hơn.

Một trong những tổ chức tình báo mạnh nhất hiện nay của Trung Quốc là các đơn vị tình báo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Tình báo của PLA được cho là đã thực hiện thành công nhiều vụ cài cắm nổi tiếng, chẳng hạn như đường dây gián điệp Chi Mak bị Mỹ phát hiện vào năm 2008 sau gần hai thập kỷ âm thầm hoạt động, hay vụ gián điệp Kuo Tai-shen vào sâu vào Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong những năm gần đây, tình báo của PLA đang tập trung nguồn lực để đáp ứng yêu cầu "giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ" do ông Tập đề ra và không thể tham gia vào các vấn đề ở nước ngoài nhiều như trước.

Cùng với đó, Bộ Công an Trung Quốc cũng có vai trò ngày càng lớn hơn trong lĩnh vực an ninh nội địa và phản gián. Toàn bộ thủ đô Bắc Kinh và một số thành phố lớn hiện đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát có khả năng nhận diện khuôn mặt và biển số. MPS cũng đã xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm thu thập thông tin và tự động phân công nhiệm vụ cho các đơn vị công an trong việc theo dõi những đối tượng cần lưu tâm.

Bởi vậy, nhiều người cho rằng MSS sẽ phải chú trọng hơn vào mảng tình báo nước ngoài, liên quan đến việc thu thập và phân tích các thông tin tình báo về sự phát triển của các nước khác. Nhưng với việc một quan chức "chống tham nhũng" như ông Trần được điều động về MSS, các chuyên gia phân tích cho rằng cơ quan an ninh này sẽ tập trung các nguồn lực của mình để phục vụ chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập.

Mattis cho rằng ông Trần là một trong những lựa chọn tốt nhất hiện nay của Trung Quốc để lèo lái con thuyền MSS trong vòng 5 đến 10 năm tới. Ông này có cả kinh nghiệm làm việc ở cấp bộ, lẫn hiểu biết về cách xử lý những vấn đề chính trị nhạy cảm ở cấp cao nhất. Quan chức 55 tuổi này cũng còn thời gian phục vụ rất dài trước khi phải nghỉ hưu theo quy định.

Với những kinh nghiệm phong phú trong ngành công an, an ninh, kiểm sát và kiểm tra kỷ luật, ông Trần còn là ứng cử viên sáng giá cho vị trí đứng đầu hệ thống chính pháp của Trung Quốc vào năm 2022, khi các quan chức cấp cao nhất của MSS đều ở độ tuổi sắp phải nghỉ hưu.

Ông Mattis nhận định rằng với việc bổ nhiệm Trần Văn Thanh vào một trong những vị trí cao nhất ở Bộ An ninh Quốc gia, giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy họ vẫn đang nỗ lực tìm một giải pháp mang tính hệ thống để quản lý bộ máy an ninh, tình báo, đồng thời là dấu hiệu cho thấy MSS vẫn đang cố gắng tìm kiếm chỗ đứng cho mình trong làng tình báo Trung Quốc.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.