Ngày 24/8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng việc thuê người chặt tay, chân như trường hợp liên quan tới chị Lý Thị N, 31 tuổi, và anh Doãn Văn D. để nhận tiền bảo hiểm là thiển cận. Tuy nhiên, do chưa lấy được tiền nên người thực hiện việc này chưa đến mức xử lý hình sự .
Hiện trường vụ thuê người chặt tay, chân rồi làm giả tai nạn đường sắt - ảnh công an cung cấp
Luật sư Thơm đánh giá hành vi của chị Lý Thị N. (SN 1986, ở huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) thuê Doãn Văn D. (21 tuổi, ở cùng huyện) chặt chân, tay của mình giả làm tai nạn để trục lợi bảo hiểm là việc làm thiển cận, không thể chấp nhận. Đây cũng là việc chưa từng xảy ra ở Việt Nam
Được cơ quan công an phát hiện kịp thời nên chị N. không thực hiện được việc trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ. Chị N. mới chỉ có ý định thực hiện nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản. Do đó, hành vi thuê người chặt tay, chân để nhận tiền bảo hiểm của chị N. chưa đến mức xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản , theo Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999.
Theo luật sư Thơm, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với chị N. về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
Đối với Doãn Văn D., Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, bất chấp được đồng thuận, được thuê tiền thì hành vi của đối tượng là Cố ý gây thương tích . "Đây là lỗi cố ý trực tiếp. Đối tượng D. buộc phải nhận thức hành vi dùng dao tác động vào chân tay người khác là trái pháp luật"- Luật sư Thơm phân tích..
Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng D. lại phải theo quy định pháp luật. Theo Luật sư Thơm, nếu Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố về hành vi “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 104 Bộ luật Hình sự thì thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của Bị hại theo điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nghĩa là chị N. hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn yêu cầu khởi tố Doãn Văn D. Khi có đơn, chị N. phải đi giám định để các cơ quan chuyên môn xác định tỉ lệ thương tật theo qui định của pháp luật.
Sau khi giám định thì tỉ lệ thương tật của chị N. sẽ là căn cứ xử lý đối tượng theo qui định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Những vụ án về các tội phạm như trường hợp này, chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Chỉ trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Được biết, trong vụ này, chị N. và gia đình không có đơn yêu cầu điều tra nên Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm không có căn cứ khởi tố điều tra đối với kẻ chặt chân tay chị N.