Cầu nối quan trọng
Theo đó, nhà trường cần chú ý tạo điều kiện để Ban đại diện cha mẹ HS gắn kết các gia đình phụ huynh với nhau để họ cùng có trách nhiệm trong GD con em mình, chứ không phải phó mặc theo kiểu "Trăm sự nhờ nhà trường".
"Tôi cho rằng, để quan hệ giữa Ban đại diện cha mẹ HS với nhà trường được tốt, phụ thuộc vào hai người rất quan trọng, đó là hiệu trưởng và GV chủ nhiệm. Hiệu trưởng phải điều hành được mối quan hệ này và tổ chức được Ban đại diện cha mẹ HS đủ mạnh để hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động GD. Ngoài ra, cần tổ chức cho GV chủ nhiệm để họ tiếp xúc với Ban đại diện phụ huynh của lớp, thậm chí với từng phụ huynh của HS để cùng nhau thực hiện những yêu cầu về GD" - TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Quan trọng nhất vẫn là GV chủ nhiệm. GV chủ nhiệm cần có mối quan hệ chặt chẽ, tương tác tốt với Ban đại diện cha mẹ HS của lớp mình phụ trách để tổ chức các hoạt động GD hiệu quả.
Lấy ví dụ từ thực tế ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay: Nhiều năm nay, nhà trường tổ chức chương trình "Dạy con nên người". Chương trình này có sự phối hợp chặt chẽ của Ban đại diện cha mẹ HS. Theo đó, Ban đại diện mời những phụ huynh đã GD con cái thành công đến để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa phụ huynh với nhà trường và lớp học.
TS Nguyễn Tùng Lâm nêu ví dụ: Trong các buổi tổ chức họp phụ huynh của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhà trường luôn dành thời gian để làm việc với Ban đại diện cha mẹ HS của trường và yêu cầu GV chủ nhiệm trao đổi thông tin với Ban đại diện cha mẹ HS của lớp để cùng thống nhất về chủ trương GD của nhà trường và của lớp. Nói cách khác, Ban đại diện chính là cầu nối quan trọng để các chủ trương, chính sách, các chương trình hoạt động GD đến với HS và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Ban đại diện cũng chính là "mắt xích" quan trọng để kết nối HS với GV, nhà trường và HS với chính phụ huynh của các em.
Rất cần các thành viên trong Ban đại diện cha mẹ HS nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc |
Cần sự phối hợp nhịp nhàng
Nêu lên thực tế còn tồn tại, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, có những thầy cô giáo khi giao tiếp với Ban đại diện cha mẹ HS vẫn chưa mềm mỏng. GV chỉ biết lý của mình và chưa lắng nghe phụ huynh nói. "Vì vậy, khi làm việc với GV, bao giờ tôi cũng nhắc họ, cần biết nêu vấn đề với Ban đại diện nói chung và với từng phụ huynh nói riêng. Đồng thời cần lắng nghe phụ huynh nói, sau đó cùng bàn bạc, thống nhất với Ban đại diện để có được phương pháp GD tốt nhất. Chẳng hạn, với mỗi tình huống của HS, phía gia đình sẽ làm gì, GV sẽ ứng xử ra sao để giúp các em nhận thức được hành vi của mình và tiến bộ từng ngày.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiếm khi phụ huynh giãi bày với GV rằng: "Con tôi đang thế này, thế kia, nhờ thầy, cô tư vấn nên làm thế nào". Ngược lại, cũng rất ít GV trao đổi với phụ huynh rằng: "Bác xem dạo này con bác thế nào, có sự thay đổi nào hay không?...". Trong những trường hợp này, Ban diện cha mẹ HS có thể kết nối GV với phụ huynh để trao đổi thông tin và phối hợp cùng nhau trong GD HS.
"Ý tôi muốn nói, giữa nhà trường, GV và Ban đại diện nên chủ động thảo luận, trao đổi với nhau bằng những câu chuyện mềm mỏng, chân tình, để cả hai phía đều nhận thấy rằng: Chúng ta đang GD HS chứ không phải gặp nhau để "bắt lỗi" các em hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau" - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh và cho rằng, người làm cầu nối tốt nhất giữa Ban đại diện cha mẹ HS với nhà trường là GV chủ nhiệm.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thay vì kể tội HS với Ban đại diện, GV chủ nhiệm cần nghĩ đến phương pháp phối hợp, đưa ra quan điểm GD để lôi kéo phụ huynh đồng hành với lớp, với trường trong các hoạt động GD. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhà trường dùng Ban đại diện cha mẹ HS làm bình phong để thực hiện các khoản thu không đúng quy định. "Tôi cho rằng, mọi việc xảy ra trong nhà trường, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm"- TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, đồng thời nêu vấn đề: Sự phối hợp giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ HS rất quan trọng nhưng phải làm theo những cách làm mới, phải rất thiết thực và tích cực. Nếu không sẽ chẳng giải quyết được vấn đề và không đạt được mục đích là: "Tất cả vì con em chúng ta".