Hình vẽ Petrus Gonsalvus và vợ Catherine. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia.
Nhà văn người Pháp Gabrielle-Suzanne de Villeneuve viết truyện Người đẹp và Quái vật năm 1740 dựa trên câu chuyện có thật của Petrus Gonsalvus và cô gái tên Catherine, theo Mirror.
Petrus tên thật là Pedro Gonzalez, sinh năm 1537 tại Tenerife, một hòn đảo ở Tây Ban Nha. Gương mặt và cơ thể ông phủ kín lớp lông dày rậm khiến ông trông như người sói trong truyền thuyết.
Pedro mắc hội chứng di truyền rậm lông hay hội chứng Ambras, kích thích lông mọc khắp người. Đột biến gene hiếm gặp này cũng được gọi là "hội chứng người sói" và mới chỉ có 50 trường hợp được ghi nhận từ thời Trung cổ, trong đó Pedro là người đầu tiên.
Có rất ít thông tin về gia đình Pedro, tuy nhiên, ngoại hình của ông khiến những người cùng thời vừa sợ hãi, thích thú lại vừa tôn kính. Năm Pedro lên 10 tuổi, ông được đưa tới Pháp như món quà dâng tặng vua Henry II và hoàng hậu Catherine de Medici.
Khi ông xuất hiện, các bác sĩ và học giả trong hoàng cung chọc và cù ông để xem ông có gầm lên không. Tuy nhiên, ông khiến họ kinh ngạc khi thì thầm tên mình. Ông bị nhốt trong ngục tối chờ những cuộc kiểm tra khác.
Khi các học giả báo cáo Pedro vẫn là một đứa trẻ và không tỏ ra hung dữ hay sử dụng phép thuật, vua Henry quyết định tiến hành một thí nghiệm. Pedro được phép giữ lại tên mình nhưng theo tiếng Latinh là Petrus Gonsalvus. Ông được mặc quần áo đẹp và hưởng nền giáo dục dành cho con trai quý tộc. Vua Henry muốn biết liệu ngài có thể biến một cậu bé hoang dã thành quý ông lịch thiệp hay không.
Sau khi thể hiện khả năng học hỏi nhanh với việc thông thạo ba ngoại ngữ, Petrus sống dưới sự bảo hộ của nhà vua, thường xuất hiện để tiếp khách và quý tộc nước ngoài. Năm 1955, nhà vua bị giết trong cuộc thi cưỡi ngựa đấu thương. Hoàng hậu Catherine tiếp quản Petrus và quyết định tiếp tục thí nghiệm bằng cách cho Petrus kết hôn và sinh con năm 1573. Bà bắt đầu tìm kiếm cô dâu và muốn một người phụ nữ vừa đủ mạnh mẽ để vượt qua cú sốc khi gặp mặt Petrus tại lễ đường, vừa đủ xinh đẹp để đánh thức bản năng trong con người ông.
Cô gái tên Catherine mà hoàng hậu chọn là con gái của một người hầu không rõ tên họ. Petrus và Catherine trải qua đêm tân hôn dưới sự theo dõi từ các bác sĩ của hoàng hậu, những người hào hứng quan sát cách thức ghép đôi của người đàn ông quái vật và muốn xem liệu cô gái xinh đẹp có thể sống sót hay không.
Vợ chồng Petrus có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, gây bất ngờ cho nhiều người. Catherine sinh hai người con trai tên Paolo và Ercole không bị di truyền chứng bệnh của cha, nhưng hai người con trai thứ là Enrico và Orazio mắc bệnh. Họ cũng có ba người con gái là Maddalena, Francesca và Antoinetta, tất cả đều bị rậm lông.
Gia đình Petrus thu hút sự chú ý của quốc tế và được phép đi lại trong châu Âu để đến ở với các quý tộc khác. Họ định cư ở Tây Ban Nha dưới sự bảo trợ của Công tước Parma. Công tước Parma cho phép Petrus sử dụng một dinh thự gần Parma nhưng phải đưa những đứa con mắc bệnh đến chỗ các công tước khác như một món quà.
Petrus và vợ trải qua những năm tháng cuối đời yên bình trong một dinh thự ven hồ Bolsena tại Capodimonte, Italy. Họ được đối xử tôn trọng như những công dân bình thường và Petrus thậm chí còn tham dự lễ rửa tội của cháu trai năm 1617. Ông qua đời một năm sau đó ở tuổi 81, còn vợ ông Catherine qua đời năm 1623.
Tuy nhiên, câu chuyện cuộc đời của Petrus không kết thúc có hậu như trong chuyện cổ tích. Khi qua đời, Petrus không được xức dầu thánh lên trán trong nghi thức cuối cùng. Điều đó có nghĩa ông không thể được chôn cất trong nghĩa trang và cuối cùng, Petrus vẫn bị xem như một con vật.