Người dạy và người học đều thờ ơ với trường nghề

Người dạy và người học đều thờ ơ với trường nghề

(GD&TĐ)-Tuyển sinh vô cùng khó khăn và vấn đề đội ngũ giáo viên luôn là những trăn trở thường nhật tại các cơ sở dạy nghề.

Bài “ phục vụ rượu vang “, nghề quản trị nhà hàng, thuộc Tiểu ban Tổng hợp của giáo viên Trương Thanh Quỳnh Thư , Trường Đại học Công nghiệp thực phẩmHội thi Giáo viên dạy giỏi nghề thành phố Hồ Chí Minh năm 2012
Bài “Phục vụ rượu vang “, của giáo viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm (HCM) tại Hội thi GV dạy giỏi nghề TPHCM  năm 2012 tổ chức tại trường trường TCN kỹ thuật công nghệ Hùng Vương. Ảnh chỉ có tính chất minh họa cho bài viết

Bài 1: Những con số biết nói

Điệp khúc khó tuyển sinh

Việc tuyển đủ chỉ tiêu luôn là mơ ước khó đạt của các trường nghề, đặc biệt là năm nay, nhiều lãnh đạo trường nghề cho biết, tình hình tuyển sinh còn nan giải hơn. Thời điểm này, rất nhiều trường CĐ, TC nghề trên cả nước mới chỉ tuyển được vài chục phần trăm chỉ tiêu, thậm chí có trường, số học sinh tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Với chỉ tiêu đặt ra trong năm học 2012-2013 là 1.200 nhưng số hồ sơ mà Trường CĐ nghề Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Ninh nhận được mới được khoảng 50%. Trường trung cấp nghề Tôn Đức Thắng, Trường trung cấp Công nghệ viễn thông Đồng Nai cũng mới chỉ nhận được số hồ sơ khoảng con số 100. Trường cao đẳng công nghiệp cao su Bình Phước do tuyển sinh khó khăn đã thu hẹp chỉ còn đào tạo nghề điện công nghiệp cho hệ  trung cấp chuyên nghiệp nhưng hệ này cũng chỉ thu hút được khoảng từ 40 đến 50 học sinh/năm....Hệ thống các cơ sở dạy nghề trên nhiều tỉnh thành thời điểm này cũng mới chỉ tuyển sinh được khoảng 40-60% chỉ tiêu theo kế hoạch. Cá biệt có trường thậm chí chưa tuyển được học sinh nào. Tuy vậy, những con số ít ỏi trên cũng không phải là các trường đã “ăn chắc” vì việc học sinh nộp hồ sơ với quyết định vào học tại trường còn là khoảng cách.

Nguyên nhân thì có nhiều: hạn chế trong công tác hướng nghiệp, tâm lý coi trọng bằng cấp, hạn chế trong việc nhận thức về nghề nghiệp... Nhưng phải nói đến nguyên nhân chủ quan từ phía nhà trường đó là các trường nghề hiện nay chưa tạo dựng được cho mình một thương hiệu, một thế mạnh riêng.

Ông Lại Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề công nghiệp – kinh tế và chế biến lâm sản, một trong số ít trường tuyển sinh khá khả quan trong năm nay cho biết: đến thời điểm này, nhà trường đã tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu được giao. Để có được con số này, cán bộ tuyển sinh của trường đã phải đến từng thôn, xã tiếp thị, trực tiếp làm việc với các đoàn thể để làm sao thông tin về trường đến với từng người học. Tuy nhiên, ngoài việc đó thì cái chính vẫn là việc nhà trường đã khẳng định được thương hiệu, khiến học sinh yên tâm khi đăng ký vào học tại trường.

Đội ngũ giáo viên yếu kém

Theo Tổng Cục dạy nghề, tính đến hết năm 2011, tổng số giáo viên  dạy nghề ở trường CĐN, TCN, TTDN là 35.800 người, trong đó giáo viên dạy ở các trường nghề là 24.200 người. Giáo viên dạy trình độ CĐ nghề , TC nghề, sơ cấp nghề có trình độ thạc sỹ trở lên lần lượt là 18,3%, 5,4 và 1%. Số giáo viên nghề đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm dạy nghề đạt 80,8% (dạy CĐ nghề) và 71,2% (dạy TC nghề).

Hiện có 15,9% giáo viên chỉ dạy lý thuyết nghề, 25,7% giáo viên chỉ dạy thực hành nghề, khoảng 57,8% số giáo viên dạy tích hợp lý thuyết và thực hành nghề. Về trình độ tiếng Anh, có 82% giáo viên ở trường CĐ nghề và 65% giáo viên trường TC nghề đạt trình độ tiếng Anh từ A trở lên, trong đó trình độ C và cử nhân là 23% và 11%; có 80% giáo viên đạt trình độ tin học từ A trở lên, trong đó trình độ C và cử nhân chiếm 13%.

Tổng Cục dạy nghề đánh giá, đội ngũ giáo viên dạy nghề không chỉ thiếu về số lượng (tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên mới đạt 26 học sinh, sinh viên/giáo viên) mà còn hạn chế về trình độ kỹ năng nghề.

Theo Ths. Phạm Xuân Thu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, hiện một số nghề chưa có giáo viên được đào tạo cơ bản, kỹ năng nghề còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên dạy tích hợp còn thấp so với yêu cầu của chương trình đào tạo. Ths Phạm Xuân Thu cũng bày tỏ trăn trở về trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ giáo viên nghề còn yếu, dẫn đến hạn chế trong khả năng cập nhật công nghệ mới, ứng dụng tin học và các phương pháp sư phạm hiện đại.

Nhiều trường nghề cho rằng, hiện việc tuyển giáo viên dạy nghề rất khó khăn, thậm chí khó hơn cả tuyển giảng viên trong các trường ĐH, CĐ, vì giáo viên dạy nghề cũng cần có trình độ cao, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nhưng lương lại thấp nên khó thu hút. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đội ngũ giáo viên trong các cơ sở dạy nghề hiện nay vừa thiếu, vừa yếu.

Hiện giáo viên nghề chưa có ngạch lương riêng, mà vẫn hưởng theo ngạch lương của giáo viên trung học. Giáo viên dạy trình độ CĐ nghề chưa được hưởng chế độ tiền lương như giảng viên của các trường CĐ khác. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề còn nhiều bất cập khiến họ khó tâm huyết với nghề nghiệp. Chính vì vậy, không ít giáo viên dạy nghề có trình độ giỏi muốn chuyển ra làm ngoài doanh nghiệp. Điều này càng khiến đội ngũ giáo viên các trường nghề đã thiếu, yếu lại càng thiếu, yếu hơn.
 

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ