Cần có đề án đào tạo giảng viên ngành Công tác xã hội (ảnh MH) |
(GD&TĐ) - Đội ngũ giảng viên ngành Công tác xã hội (CTXH) hiện nay chủ yếu đến từ các ngành lân cận như Tâm lý học, Xã hội học, Nhân học, Luật học... Họ rất ít hoặc thậm chí chưa bao giờ làm việc, điền dã thực tế tại các cơ sở xã hội.
Giảng dạy từ kinh nghiệm của... ngành khác
Giảng viên ngành CTXH hiện nay có thể là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội, được tham gia bồi dưỡng, tập huấn nâng cao thêm kiến thức, kỹ năng CTXH qua các khóa đào tạo ngắn hạn, nhưng chưa có kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp về CTXH.
Chính bởi xuất thân không phải từ ngành CTXH nên việc giảng dạy của những giảng viên này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và kiến thức vốn có từ các ngành khoa học khác. Đây là khó khăn không chỉ với sinh viên khi tiếp nhận kiến thức mà trên hết là khó khăn cho chính giảng viên khi giảng dạy chuyên ngành mình chưa được đào tạo bài bản.
Trong khi đó, CTXH là một nghề làm việc với con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đòi hỏi người dạy nhất thiết phải có vốn kiến thức chuyên sâu và trải nghiệm thực tế.
TS Vũ Kim Dung - Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường ĐHSP Hà Nội) - lo lắng: Số lượng giảng viên CTXH cơ hữu có thâm niên và bằng cấp trong các trường ĐH hiện nay quá ít ỏi. Những chuyên gia được đào tạo chính quy và có kinh nghiệm về CTXH thì quá hiếm hoi, hoặc họ lại quá bận với những công việc tại các cơ quan, ban ngành. Trong khi đó, nhu cầu tham gia hoạt động đào tạo tại các trường vô cùng lớn.
TS Bùi Thị Xuân Mai - Trưởng khoa CTXH (Trường ĐH Lao động Xã hội) - cũng nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong CTXH mà còn rất thiếu những cán bộ có trình độ, tay nghề và kiến thức chuyên sâu về CTXH với từng nhóm đối tượng tại cơ sở xã hội; Thiếu các cơ chế đào tạo tiếp tục nâng cao tại cơ sở về CTXH.
Cán bộ tại cơ sở lại kiêm nhiệm nhiều việc nên thiếu thời gian dành cho kiểm huấn và đào tạo người mới ra trường. Vì thế, việc đào tạo tiếp theo tại các cơ sở là rất khó khăn.
Điều đáng lo ngại hơn là, trong khi chất lượng đào tạo ĐH ngành này còn chưa ổn định và đi vào chuẩn thì một số trường đã và đang triển khai đào tạo thạc sĩ.
Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ hữu ngành CTXH được đào tạo chuyên sâu ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, có đủ năng lực, kinh nghiệm để có thể tham gia đào tạo chuyên ngành sâu về CTXH thực sự là khó khăn thách thức đối với hầu hết các cơ sở đào tạo sau ĐH ngành CTXH ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Chưa hiểu hết nghề
Nhận thức của các nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học và cả nhà giáo dục đang đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo cử nhân các chuyên ngành xã hội ở các trường ĐH, CĐ, không phải ai cũng có hiểu biết đúng và đầy đủ về ngành CTXH. Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng nghịch lý này hiện vẫn đang tồn tại.
Theo TS Vũ Kim Dung, chính sự hiểu biết chưa đúng và không đầy đủ về ngành CTXH và đào tạo nghề CTXH của không ít người làm công tác quản lý đào tạo dẫn đến tâm thế, quan điểm chưa đúng trong phương châm, cách thức tổ chức hoạt động và bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao yêu cầu và chất lượng đào tạo chuyên sâu ngành CTXH.
Nhiều người chưa thực sự hiểu CTXH là gì, vai trò, chức năng, nhiệm vụ ra sao, sự khác biệt của CTXH với các lĩnh vực hoạt động xã hội khác như thế nào?
Nhiều quan niệm cho rằng, CTXH tương tự như các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội gắn với các tổ chức như công tác Đảng, công tác chính trị, công tác công đoàn, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc và các hiệp hội... Cũng không ít người đồng nhất CTXH với hoạt động từ thiện hay các hoạt động xã hội trợ giúp những người yếu thế, người có hoàn cảnh, số phận không may mắn.
Từ nhận thức không đầy đủ về ngành, dẫn đến nhận thức phiến diện khác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở các trường ĐH. Đó là quan điểm cho rằng, chỉ cần trang bị kiến thức cơ bản về các ngành khoa học xã hội là có khả năng và điều kiện để có thể tự nghiên cứu, đọc thêm sách vở, tài liệu và trở thành giảng viên CTXH.
Nên có đề án đào tạo giảng viên CTXH
Nhiều ý kiến mong mỏi Nhà nước thành lập một đề án đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giảng viên cho các trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành CTXH, theo học các khóa đào tạo do giảng viên nước ngoài dạy nhằm chuẩn hóa.
Trong những năm qua, Việt Nam có nhiều dự án, chương trình đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ giảng viên, nhưng các chương trình này không thống nhất đào tạo giảng viên theo chuẩn nào, theo chương trình nào.
Đa số các trường đào tạo dựa trên điểm mạnh của mình hoặc dựa trên các nguồn từ đề tài, dự án sẵn có. Bởi vậy, sau những khóa tập huấn và đào tạo như vậy chỉ bổ sung được phần nào kiến thức và kỹ năng cho giảng viên, nhưng chưa thể định vị cho họ một hướng đi cụ thể và thống nhất.
Bên cạnh trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cũng có ý kiến cho rằng, bản thân các trường muốn có đội ngũ giảng viên chất lượng nên tuyển chọn cán bộ, giảng viên, sinh viên ưu tú đi đào tạo tại những nước đã có kinh nghiệm đào tạo ngành học này.
Như vậy, chỉ cần sau vài năm, Việt Nam sẽ có một đội ngũ giảng viên chất lượng theo chuẩn quốc gia, quốc tế.
Các trường cũng cần sử dụng hiệu quả các chuyên gia nước ngoài trong nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ kiểm huấn tại cơ sở chuyên sâu. Đơn vị giảng dạy cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy theo các hướng chuyên sâu trong nghiên cứu khóa học, học tập nâng cao trình độ cũng như thực hành thực tiễn.
Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, semina, tập huấn chuyên sâu CTXH với từng nhóm đối tượng cũng như trong từng lĩnh vực cũng là việc nên làm thường xuyên.
Trên các tỉnh thành cả nước, có khoảng 500 trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, người tàn tật, người già neo đơn... Nhưng những nhân viên làm việc trong các trung tâm đó phần lớn chưa phải là những nhân viên CTXH chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo cơ bản, chuyên sâu, chưa đủ khả năng để phối hợp với các trường đào tạo trong việc đảm nhiệm vai trò kiểm huấn viên phục vụ cho đào tạo chuyên ngành chuyên sâu. TS Vũ Kim Dung - Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường ĐHSP Hà Nội) |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ GD&ĐT, hiện nay đội ngũ giảng viên CTXH mới có trên 30 người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Đội ngũ này đa phần được đào tạo ở nước ngoài nên thiếu kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. |
Đan Thảo