(GD&TĐ) - Hơn ba mươi năm qua, nhiều thế hệ ca sĩ như Trọng Tấn, Thanh Thúy, Long Nhật, Khánh Hòa, Quang Long, Hoài Thanh... đã thể hiện thành công bài hát "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Hình Phước Long... Bài hát đã trở thành người bạn tinh thần của các chiến sĩ hải quân ở nơi đầu sóng ngọn gió... Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng thưởng nhạc sĩ Hình Phước Long Huân chương Lao động hạng ba - tác giả ca khúc "Gần lắm Trường Sa" cùng 15 ca khúc khác viết về Trường Sa.
Công dân danh dự của Trường Sa!
“Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...” (Gần lắm Trường Sa). Từ khi ca khúc ra đời, nhiều khán thính giả yêu nhạc đã thuộc lòng giai điệu của ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Long.
Khi sáng tác ca khúc "Gần lắm Trường Sa", nhạc sĩ Hình Phước Long thừa nhận, mình không nghĩ một ngày nào đó, ông lại trở thành "công dân danh dự của Trường Sa", như Bộ đội Trường Sa đã trìu mến suy tôn mình. Có một câu chuyện cảm động trong năm 2011, khi bà Huỳnh Thị Qua, Việt kiều quê Nha Trang, hiện định cư ở nước Úc đã cùng con cháu trong gia đình góp số tiền tương đương 7 triệu đồng, thông qua văn phòng đại diện báo Cựu Chiến binh Việt Nam ở Khánh Hòa để gửi tặng tác giả "Gần lắm Trường Sa" - nhạc sĩ Hình Phước Long. Số tiền không nhiều, nhưng đó là tấm lòng tri ân của một người con xa đất Việt luôn đau đáu về Trường Sa, biển đảo quê hương Việt Nam yêu dấu. Trong tâm thức bà Qua, nhạc phẩm "Gần lắm Trường Sa" dường như đã trở thành người bạn tâm giao của mình.
Nhạc sĩ Hình Phước Long gắn liền cuộc đời mình với biển Nha Trang, Khánh Hòa. Trong sâu thẳm tâm hồn người nhạc sĩ ao ước được sáng tác ca khúc về biển đảo, về Trường Sa. Nhiều lần đứng trước biển, ông vọng tầm mắt về phía biển xa xăm, hình dung những người lính đang canh giữ vùng trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều lần ông đặt viết ca khúc về Trường Sa, nhưng đành buông bút, bất lực trước trang giấy. Phải đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông đang công tác ở Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Cam Ranh (Khánh Hòa), mỗi khi được bộ đội Lữ đoàn 146 Hải quân mời đến nghe kể chuyện về đời sống, tâm tư lính đảo Trường Sa, rồi được xem phim tài liệu "Tổ quốc nơi đầu sóng" của Hãng phim Quân đội nhân dân, ông rất xúc động. “Kỳ vĩ và lãng mạn! Sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi người lính trẻ nhớ về đất liền, bao tình cảm dạt dào chỉ biết bày tỏ qua những cánh thư... Mình quả quyết ghi vào lưu bút của Lữ đoàn: Sẽ có một bài hát về Trường Sa!” - nhạc sĩ Hình Phước Long tâm sự.
Ông thầm hứa tự nhủ với lòng mình, sẽ viết một ca khúc tặng bộ đội Trường Sa như một lời tri ân với sự hy sinh của họ, khi không được gần người thân, chịu nhiều khó khăn thiếu thốn so với người dân trong đất liền.
Người đầu tiên viết ca khúc về Trường Sa
Trước "Gần lắm Trường Sa", chưa một nhạc sĩ nào viết về Trường Sa. Phải đến năm 1982, trong dịp tập huấn sáng tác ở Nha Trang, một chiều ông đạp xe dạo dọc đường Trần Phú ven biển, giữa những cơn gió biển đang mơn man, lùa vào cơ thể mình, bất chợt nhìn thấy một nữ sinh vận áo dài trắng phấp phới tóc thề, vẻ cô đơn tư lự nhìn xa xăm ra biển. Nhạc sĩ thầm nghĩ, nếu có người yêu ở Trường Sa, em có nghe lời tâm tình theo sóng biển vọng về? Cảm xúc vụt dâng trào, lời ca, giai điệu đến dễ dàng. Bài hát hoàn tất được chép tạm vào tờ giấy trong vỏn vẹn hơn một giờ đồng hồ, rồi ông trở về ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa): "Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển/ sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô/ Trường Sa ơi!/ Biển đảo quê hương/ Đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật/ Không xa đâu Trường Sa ơi!/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh"…
Bài hát viết về người lính, nhưng không mang kết cấu âm hưởng hùng tráng như thường thấy. Giai điệu và lời ca như tâm tình, lắng đọng thiết tha, giản dị, dễ hát, phảng phất chất dân ca, phản ánh chân thành tình cảm của chiến sĩ nơi tiền tiêu xa xôi của Tổ quốc. Người đầu tiên thể hiện ca khúc, không ai khác là ca sĩ Anh Đào. Với chất giọng dân ca trời phú, Anh Đào đã thể hiện thành công ca khúc. Nhạc sĩ Hình Phước Long xác nhận: Dù bài hát được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện, nhưng không ai hát thành công như Anh Đào. Năm 1983, ông viết thêm ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, tham dự cuộc thi sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và đoạt giải nhì (không có giải Nhất).
Một năm sau, ông mới có cơ hội được ra thăm quần đảo Trường Sa: “Dẫu chưa đặt chân tới nhưng những gì mình cảm nhận và viết về nơi này đều rất chân thực. Khi biết mình, anh em bộ đội đứng chờ trước đó rất lâu. Mình vừa xuống tàu thì họ túa đến vây xung quanh, ôm chầm thân thiết như người quen lâu ngày gặp lại. Quá xúc động, trong khi còn chếnh choáng vì say sóng nhưng anh em bộ đội yêu cầu, mình đã cầm đàn ghi ta đứng hát giữa đảo. Khi ấy, mình và nhiều anh em bộ đội đã khóc”.
Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh ngày 7-9-1950 tại xã Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các tác phẩm được giải: - Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1984. - Đêm Xoang Tây Nguyên giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1990. - Vầng trăng nơi đảo xa, giải nhất cuộc thi sáng tác về Trường Sa năm 1997 của Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh; tặng thưởng giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1997. Năm 1997, báo Văn Hóa phát hành tập bài hát Gần lắm Trường Sa, tập hợp 12 ca khúc của NS Hình Phước Long sáng tác về Trường Sa cho đến khi đó. |
Kim Hạnh