Người dân TPHCM: Ứng phó với đợt nắng nóng cao điểm

GD&TĐ - TPHCM đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm, mức nhiệt độ dự báo những ngày tới sẽ lên đến 35 - 37 độ C. Trên thực tế, nhiệt độ cao hơn 3 - 4 độ do hiện tượng bức xạ nhiệt cộng hưởng từ xe cộ, bê tông hóa. Nắng nóng oi bức, tia cực tím ở mức cao, người dân đã nghĩ đến nhiều cách để ứng phó.

Trẻ đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Trẻ đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Muôn kiểu đối phó với nắng nóng

Sống tại chung cư Sunview (quận Thủ Đức) được 5 năm, chị Trần Thị Liên Hương chia sẻ: “So với mấy năm trước, đợt nắng năm nay có cảm giác như gay gắt hơn, trời rất oi bức, người lớn trẻ nhỏ trong nhà ai cũng kêu. Ban đầu, gia đình tôi chỉ dùng quạt nhưng tuần trước mới đi sắm 2 chiếc máy lạnh. Nắng nóng nên cả nhà tăng cường uống nước cam, trái cây, ăn nhiều rau xanh”. Chị Liên Hương cũng chia sẻ thêm, mỗi lần xem tivi dự báo thời tiết, đọc báo thấy tia cực tím ở mức cao nên ra đường chị đều dùng váy chống nắng, hai lớp khẩu trang, đeo vớ tay chân và nhất là luôn sử dụng kem chống nắng để hạn chế tia cực tím.

Nắng nóng, thay vì tranh thủ rủ nhau đi ăn trưa, nhiều chị em dân văn phòng cố gắng dậy sớm để nấu cơm mang đi làm. Một số khác lại tận dụng tối đa dịch vụ giao đồ ăn, thuốc uống tận nơi để tránh ra đường vào giờ trưa. “Dù đợi hơi lâu một chút, nhưng ngồi trong công ty cũng rất mát mẻ và thoải mái hơn kéo nhau đi ăn giữa trời nắng nóng”, chị Hải Yến, Công ty TMDV Văn Minh (quận Tân Bình) cho biết.

Đi dọc chợ Hiệp Bình (quận Thủ Đức), vào các tiệm bán váy chống nắng, khẩu trang… khách ra vào rất nhiều, chủ yếu là khách hàng nữ. Chị Hải Bình, chủ hộ kinh doanh các sản phẩm nói trên tại đây cho biết: Nắng nóng nên các chị em ghé cửa hàng mua đồ dùng cũng nhiều hơn. Chị em chủ yếu mua khăn trùm mặt, bao tay loại dày và vớ chân. Theo chị Bình, giá cả các mặt hàng không tăng, nhưng số lượng bán ra nhiều hơn so với đợt nắng trước (vào tháng 2/2019).

Người dân TPHCM ra đường ai cũng “ngụy trang” để hạn chế nắng nóng
Người dân TPHCM ra đường ai cũng “ngụy trang” để hạn chế nắng nóng 

Trường học cũng không ngoại lệ

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp), cô Nguyễn Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, căn cứ vào dự báo thời tiết, nhà trường sẽ tăng cường thêm một số đồ uống như nước sâm, nước chanh, tắc, chè đậu xanh vào thực đơn bán trú cho HS để giải nhiệt. Trước giờ ra về của HS học 1 buổi khoảng 30-40 phút, nhà trường xịt nước khắp sân trường để giảm nóng. Các giáo viên cũng căn dặn HS uống nhiều nước, không nên chơi ở dưới nắng, không nô đùa, chơi các trò chơi vận động mạnh trong giờ ra chơi… Với HS học một buổi, giáo viên đều dặn các em nhắc cha mẹ mang khẩu trang, áo khoác, nón; chỉ khi ba mẹ tới đón, mới ra về chứ không chờ ở cổng như trước đây. Trường cũng làm thêm một số mái che ở các lớp, để khi trời nắng HS tự động kéo xuống, giảm ánh nắng chiếu vào…

Còn tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, các giáo viên luôn căn dặn HS chú ý giữ gìn sức khỏe, chú ý đồ ăn, thức uống những ngày nóng nắng cao điểm. Tại căng tin của trường, đồ ăn luôn được nhà trường kiểm tra kĩ, tăng cường thêm một số đồ uống mát phục vụ cho HS, giáo viên. Máy lạnh các phòng học luôn đảm bảo để phục vụ việc học tập, giảng dạy.

Tương tự, tại Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, thầy Trần Minh chia sẻ, thời tiết nắng nóng nên giáo viên cũng căn dặn HS tăng cường uống nhiều nước, giờ chơi hạn chế chơi chỗ nắng nóng. Đặc biệt, bữa ăn trưa của trường đều chuẩn bị rau xanh, trái cây, sữa chua để giúp HS có bữa ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh đó, khi các em tham gia các CLB như thể thao, võ… các giáo viên thể dục đều lưu ý HS về vệ sinh thân thể, bù nước sau khi hoạt động, tránh đi tắm ngay sau khi tập luyện, hay ngồi điều hòa nhiệt độ quá thấp, thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Trẻ em nhập viện tăng

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), số lượng bệnh nhi đến thăm khám liên quan đến các bệnh nhi do nắng nóng lên đến khoảng 5.000 em mỗi ngày. Các bệnh nhi nhập viện tại đây phần lớn là do viêm đường hô hấp, viêm phổi và tiểu phế quản.

BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm. Tình trạng nắng nóng khiến bé dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, vi trùng phát triển nhanh gây bệnh đường ruột như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đờm máu.

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, trong tuần giữa tháng 4, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám. Trong số này có khoảng 7% phải nhập viện nội trú. Trong đó, số lượng bệnh nhi khám chữa bệnh về đường hô hấp đang đứng đầu, các bệnh khác như tay chân miệng, tiêu hóa đều tăng từ 15 đến gần 50% so với tháng trước.

Để bảo đảm sức khỏe cho trẻ những ngày nắng nóng, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) khuyên các phụ huynh: “Trẻ dễ bị sốc nhiệt khi đi từ ngoài nắng vào trong nhà có máy lạnh, nên nhiệt độ máy lạnh không được thấp quá. Không để quạt thẳng trực tiếp vào người trẻ, mà để ở chế độ quay. Phụ huynh nên mặc quần áo thoáng mát, chất vải thấm mồ hôi tốt, đội nón vành rộng cho con. Không để trẻ chơi ngoài nắng lâu, cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, đồng thời không để trẻ tắm quá lâu. Đặc biệt phụ huynh cần chú ý bữa ăn của trẻ, đảm bảo dinh dưỡng và chế biến an toàn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ