(GD&TĐ) - Những ngày cuối năm học, chúng tôi có chuyến công tác lên với bản BLóc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, chúng tôi gặp một cô giáo có nước da ngăm đen, nụ cười hiền luôn hiện trên khuôn mặt đậm chất thơ của núi rừng Trường Sơn. Qua trò chuyện, mới biết em là người con gái Khùa (thuộc một tộc người Bru - Vân Kiều) đầu tiên của xã Dân Hóa trở thành giáo viên.
Cô giáo Hồ Thị Tha sinh năm 1983 trong một gia đình nghèo có 5 chị em. Bố mẹ em đều là nông dân nghèo khó. Phận con gái đầu trong nhà nên những công việc nặng nhọc em đều phải gánh vác. Cũng chính vì vậy mà em phải đi học muộn hơn các bạn đồng trang lứa. Việc nhà vất vả nhưng Hồ Thị Tha vẫn chăm chỉ đến trường. Buổi đến lớp, buổi lên rẫy kiếm cái ăn. Nhưng từ năm lớp 1 đến lớp 9 em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi của trường. Năm 2006, em học xong cấp hai rồi thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình nhưng vẫn không được đi học vì tuổi đã quá lớn. Không được đi học, Hồ Thị Tha được nhận vào làm cán bộ bán chuyên trách ở xã. Trong thời gian công tác, khát vọng đến trường vẫn luôn cháy rực trong em. Vì đam mê con chữ nên ngoài giờ làm việc ở xã, em đã bắt xe khách về Quy Đạt học bổ túc văn hóa THPT tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa. Ba năm sau, em tốt nghiệp và có tấm bằng cấp 3. Cứ tưởng học xong, em sẽ có công việc ổn định ở xã. Không được biên chế, Hồ Thị Tha quyết định nộp hồ sơ đi học lớp trung cấp mầm non ở Hà Nội.
|
Cuộc sống của con em học sinh vùng cao huyện Minh Hóa còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn |
|
Hồ Thị Tha kể lại: “Ngày đó em cực lắm anh ơi! Hôm em ra Hà Nội nhập học em chỉ có vỏn vẹn 500 ngàn đồng. Lúc đó, gia cảnh quá nghèo, bố mẹ lại phải nuôi thêm đàn em nhỏ nên không giúp đỡ được gì cả, chỉ động viên em cố gắng mà học thôi”. Gạt đi những nỗi buồn, cô gái Bru- Vân Kiều quyết tâm học tập. Mới ra Hà Nội được vài ngày thì tiền trong túi đã hết sạch do phải đóng học phí và mua sách vở. Hai tháng trôi qua, Tha gần như nhịn đói và ăn mì tôm để trừ bữa. Qua tháng thứ 3, em may mắn được một người tốt bụng giúp đỡ cho ăn, ở trong nhà và giúp họ bán hàng tạp hóa. Nhờ đức tính chịu thương chịu khó, lại thật thà nên em được chủ nhà hết lòng thương yêu. Cứ mỗi tháng, em kiếm được khoảng 600 ngàn đồng. Số tiền đó chắt bóp, em cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày. Còn tiền học phí hàng năm thì phải dựa vào chế độ vay tiền hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.
|
Cô giáo Hồ Thị Tha đang dạy tại điểm trường BLóc, xã vùng cao Dân Hóa (huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) |
Vượt qua những khó khăn, năm 2011, Hồ Thị Tha đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá. Không lâu sau, em đã được nhận vào Trường mầm non xã Dân Hóa, dạy ở điểm trường BLóc. Cô Hồ Thị Tha nhớ lại cảm xúc: “Ngày đó, em cầm được quyết định mà nước mắt cứ chảy. Bao khó khăn nhọc nhằn của em cũng đã được đền đáp xứng đáng”. Lúc đó, tuổi của Tha đã gần 30. Lúc ấy, ở cái tuổi cô, những người bạn cùng trang lứa ở quê đã có chồng, sinh được vài mặt con. Còn Tha, cô gái xinh đẹp như bông hoa rừng này vẫn không hề mặn mà khi nhắc đến chuyện ấy. “Lúc đó, em chỉ nghĩ làm sao có được việc làm để lo cho gia đình. Sau này mọi thứ ổn định rồi mới tính đến chuyện kiếm một tấm chồng cho tử tế”, cô giáo vùng cao tâm sự.
Hơn một năm công tác tại bản BLóc là chừng ấy thời gian Hồ Thị Tha phải cuốc bộ băng rừng về bản làng dạy chữ cho đàn em nhỏ. Ngày ngày, cô phải dậy từ rất sớm nấu cơm để mang theo ăn buổi trưa. Hồ Thị Tha tâm sự: “Dù vất vả nhưng em rất yêu nghề, yêu bọn trẻ. Mỗi ngày được đi dạy là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với em”. Giữa trăm bề khó khăn, thiếu thốn ở núi rừng Trường Sơn, cô giáo Hồ Thị Tha vẫn luôn dạy học sinh bằng cả niềm yêu thương. Dù là người Khùa, nhưng cô giáo Hồ Thị Tha không chỉ giỏi tiếng Kinh, mà còn nói rất “sành” tiếng của người Sách (ở bản BLóc chủ yếu là tộc người Sách). Cô nói: “Nhiều khi dạy tiếng Kinh các cháu không hiểu nên tôi phải dịch sang tiếng dân tộc các cháu mới hiểu được”. Ngoài giờ lên lớp, cô Tha còn tìm tòi, sáng tạo làm những bộ đồ chơi cho con trẻ. Mỗi lần về xuôi, cô đều tìm đến những nhà người quen xin ít quần áo cũ lên cho các cháu mặc cho đỡ lạnh. Cô Nguyễn Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Dân Hóa cho biết: “Hồ Thị Tha là một cô giáo yêu nghề, yêu trẻ. Mặc dù điều kiện đi lại và dạy học của điểm trường BLóc rất khó khăn nhưng em vẫn không hề phàn nàn. Mọi nhiệm vụ trường giao em đều hoàn thành tốt”.
Đại Vương