Người dân sống ở các chung cư Hà Nội khốn khổ vì kiến ba khoang "tái xuất"

Thời gian gần đây, người dân ở các khu chung cư Hà Nội, đặc biệt là khu vực ngoại thành phản ánh cuộc sống bị đảo lộn do kiến ba khoang xuất hiện dày đặc.

Người dân sống ở các chung cư Hà Nội khốn khổ vì kiến ba khoang "tái xuất"

Nếu bị kiến ba khoang tấn công có thể sưng húp mắt, bỏng mắt, rộp da trên diện tích lớn gây sốt khiến bệnh nhân phải nhập viện.

Mấy tuần gần đây, khu chung cư Dương Nội (Hà Nội) bị kiến ba khoang tấn công khiến người dân khổ sở. Chị Nga– dân cư Khu đô thị Dương Nội cho biết, nhà chị ở tầng 6, tối đi làm về mở cửa ra rất thoáng mát. Nhưng hai tuần gần đây, chị phải đóng cửa kín mít. “Đèn trong nhà sáng, mở cửa là kiến ba khoang bay vào. Cả nhà ai cũng “thương tích” đầy tay chân, mặt”, chị Nga cho biết.

Dù đã đóng hết cửa sổ, cửa chính và tắt bóng đèn vào buổi tối nhưng gia đình chị Hoa (38 tuổi) hiện sống ở một chung cư quận Hà Đông vẫn bị kiến ba khoang bò vào nhà. Cách đây vài ngày, khi đang ngủ, con trai chị vô tình nằm đè vào kiến, khiến nọc độc tiết ra làm chân bị bỏng rộp, đau rát.

Các khu chung cư ven đô Hà Nội ở Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Đông Anh… cũng trong tình cảnh tương tự. Người nhẹ thì bị các vết phồng rộp, đau rát ở chân tay, mặt.

Người bị nặng có thể sưng húp mắt, bỏng mắt, rộp da trên diện tích lớn gây sốt khiến bệnh nhân phải nhập viện. Người dân phải tìm mọi cách đối phó với kiến ba khoang như xịt thuốc, mua máy đuổi côn trùng, diệt côn trùng, mua màn lưới treo cửa sổ, cửa đi và cùng bất đắc dĩ là đóng kín cửa 24/24 giờ.

Theo người dân, kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào tầm 8 – 9 giờ tối, cá biệt có những nơi như chung cư Dương Nội (Hà Đông) kiến bám dày đặc trên bờ tường, bóng đèn và ghế sofa. Nếu người dân theo thói quen lấy tay gạt ra thì sẽ bị bỏng rát, sưng phồng, phải bôi thuốc nhiều ngày liền mới đỡ.

Theo các bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện đang là mùa cao điểm kiến ba khoang hoành hành, với những yếu tố thuận lợi như thời tiết, thức ăn để kiến ba khoang phát triển. Đặc biệt là đối với các khu dân cư sống cạnh cánh đồng, ao hồ, nơi có nhiều thực vật là nguồn thức ăn cho kiến.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào mùa mưa, độ ẩm cao, thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.

Chất độc pederin trong cơ thể kiến ba khoang được giải phóng ra khi kiến bị tác động, bị chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da). Khi tiếp xúc với chất độc này, trên bề mặt da sẽ có cảm giác râm ran; 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, đau rát; 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình (bọng nước, mụn nước như bỏng, mụn mủ nhỏ li ti).

Người dân nên ngủ trong màn; tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng; nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.

Người dân nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng; khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động (như quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng).

Sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng vết thâm để lại lâu hết. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.

 Thương tổn tiếp tục lan rộng nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt rất giống bệnh zona. 

Bệnh zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.

Kiến ba khoang không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. Vì thế, đề phòng côn trùng bay vào nhà, người dân hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.

Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, không nên dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người.

Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý; tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

Khi trên người có vết đau rát do kiến ba khoang gây nên, cần rửa ngay dưới vòi nước sạch, nếu vết đau rát trở nặng hoặc lan rộng cần đi khám để điều trị.

Theo Netnews.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ