Theo tài liệu của Cục An toàn thực phẩm, trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230 mg trong một kg măng củ. Khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể.
Hơn nữa, glycocid có trong măng tươi là chất có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric gây độc hại cho cơ thể khi sử dụng. Những người ăn phải măng độc thường có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp, khó thở…
Tuy nhiên không nên vì thế mà sợ ăn măng. Acid xyanhydric hòa tan trong nước và dễ bị bay hơi khi đun nóng, vì vậy, để an toàn khi ăn măng tươi cần chú ý chế biến kỹ bằng cách luộc đi luộc lại, lưu ý sau mỗi lần luộc cần bỏ nước, rửa lại bằng nước lạnh, sau 2-3 lần rồi mới chế biến. Làm như vậy mục đích để Acid xyanhydric hòa tan trong nước luộc, nước rửa và bay hơi theo hơi, măng còn lại ăn vừa ngon vừa không còn chất độc.
Người có dấu hiệu bệnh sau đây tuyệt đối nói không với măng
Ảnh minh họa.
Người bị đau dạ dày
Bệnh đau dạ rất dễ bị tái đi tái lại vì vậy cần kiêng cữ khá nhiều trong việc ăn uống ngay cả sau khi đã chữa trị.
Các chuyên gia khuyến cáo những bệnh nhân đau dạ dày hoặc đang uống thuốc chữa dạ dày không nên ăn măng bởi hàm lượng acid cyanhydric trong măng cũng là chất có hại cho dạ dày, khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bị bệnh gút
Khi bị bệnh gút, bạn cần phải cẩn trọng với chế độ ăn vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh gout trở nên trầm trọng hơn. Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng trúc, măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, vì thế bệnh nhân gút cần tránh.
Người bị bệnh thận
Bệnh thận đôi khi là do vi khuẩn streptocoques gây nên. Nhưng thông thường là do những bệnh ảnh hưởng đến thành mạch máu làm tổn hại đến thận, như bệnh cao huyết áp và bệnh đái tháo đường. Khi bị bệnh thận, chế độ ăn uống cần được chú ý đặc biệt. Măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận.
Phụ nữ mang thai
Tuy măng là món ăn khá phổ biến và được nhiều người yêu thích, nhưng đối với bà bầu, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn quá nhiều, nhất là trong quý đầu. Bởi trong những tháng đầu thai kỳ, do chưa thích nghi được với thay đổi của cơ thể và bị ốm nghén, hầu hết các mẹ thường không ăn được nhiều. Trong khi đó, măng chứa nhiều chất xơ, ăn nhiều dẫn đến no lâu, đầy hơi.
Hơn nữa, nếu chế biến măng không cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, rất nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi trong bụng.
Nhiều bà nội trợ chọn mua măng tươi về tự chế biến. Ảnh minh họa.
Cách chế biến và ăn măng an toàn
Nhiều người đã sai khi nghĩ măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí ăn nhiều sẽ mất máu. Thực tế đây là một trong những loại thực phẩm rất giá trị, có thể ăn thường xuyên với những người khỏe mạnh bình thường.
Tuy nhiên, nếu ăn cần lưu ý làm sạch độc tố như sau:
- Mua măng tươi mới hái về đem bóc vỏ, để nguyên hoặc có thể cắt nhỏ, cho nước vào luộc đi luộc lại 2-3 lần. Mỗi lần luộc nên xả lại bằng nước sạch.
- Mang măng đã được luộc ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày. Phải thay nước gạo thường xuyên 2 lần/ngày để tránh hiện tượng nước gạo ôi thối ngấm vào măng. Sau đó có thể đem nấu các món ăn.
Lưu ý: Trong khi luộc, nấu nên mở vung cho chất độc bay hơi. Trường hợp măng có màu trắng, vàng bất thường và có mùi hôi thì không nên sử dụng.