Người anh đã mất luôn dõi theo Công Phượng

Được xưng tụng là “Messi Việt Nam”, đáng ra đội trưởng U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng có thể mơ tới căn nhà khang trang dành cho cha mẹ. Nhưng thực tế, Phượng vẫn chưa tặng nổi cho những người thân một món quà dù là nhỏ nhất...

Người anh đã mất luôn dõi theo Công Phượng

Vì đó là Công Phượng

Một ngày trước trận đấu giữa U19 Việt Nam - U19 Nhật Bản, người viết đã tìm gặp được bà Nguyễn Thị Hoa tại một nhà nghỉ ở làng bún Phú Đô, nằm ngay cạnh sân Mỹ Đình (Hà Nội). 

Cầm trên tay tờ báo có bài viết về “Tuyệt phẩm phút 89” của Công Phượng giúp U19 Việt Nam thắng U19 Australia 1-0, bà Hoa cười mà vẫn không giấu nổi sự khắc khổ trên gương mặt của một nông dân thuần chất ở tuổi 55.

Bà nói: “Hôm đó tôi không ngờ Phượng có thể ghi bàn. Ngồi trên khán đài, khi hàng vạn người hâm mộ hò reo, tôi còn quay sang chị gái mình để hỏi ai vừa đá vào. 

Khi biết là thằng Phượng, tôi vừa bất ngờ, vừa ngơ ngác, chết lặng đi một hồi lâu. Sau đó, tôi mới chạy tới, ôm chầm lấy bác Vinh (chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - PV) và bác Mau (Giám đốc điều hành HAGL Huỳnh Mau - PV) ngồi kế đó để chia vui. 

Thực lòng, tôi mong mọi người đừng ca ngợi, tung hô Phượng nhiều quá. Mọi thứ với cháu nó mới chỉ bắt đầu và còn phải nỗ lực thêm nhiều lắm”.

Công Phượng nhảy múa trong vòng vây các cầu thủ Myanmar (trận bán kết giải U19 Đông Nam Á tối 11.9). (Ảnh: Minh Hoàng)

Bà Hoa tâm sự thêm, bản thân Phượng trong những lần gọi điện về cho mẹ đều nhắc: Mẹ đừng nói con đá bóng giỏi với ai, con cũng bình thường thôi. Con đá vào được là nhờ công sức của cả đội, có sự hỗ trợ của Tuấn Anh, Xuân Trường.

“Sau trận thắng U19 Australia, mẹ con chỉ gặp nhau mừng mừng tủi tủi được chốc lát, Phượng ôm và thơm mẹ rồi lại phải theo đội vội vã ra về. Tôi hỏi con có đau không vì trong trận thấy bị ngã, chảy máu mồm. 

Phượng nói: Con không đau gì đâu, mẹ yên tâm. Nói thế nhưng tôi biết có đau Phượng cũng không nói. Tính nó xưa nay vẫn thế, không muốn để cha mẹ lo lắng gì về mình”.

Từ trái bóng rơm của người anh đã mất

Hỏi tại sao Phượng với thể hình còm nhom nhưng rồi đã khẳng định được tên tuổi trong màu áo đội U19 Việt Nam, bà Hoa thở dài, giọng nghẹn ngào, cặp mắt đỏ hoe hồi tưởng: 

“Tôi không nhớ rõ Phượng biết đá bóng từ khi nào nhưng từ khi biết đi, món đồ chơi duy nhất của Phượng là trái bóng được kết bằng cọng rơm, lá chuối do anh trai ngay trên Phượng làm cho. 

Hai anh em thường đá bóng cùng nhau ở sân nhà. Khi anh đi chăn trâu, Phượng cũng nằng nặc đòi đi theo để đá bóng cùng các bạn của anh hơn mình 5 tuổi. Giờ kể lại, tôi buồn và tiếc lắm! 

Anh của Phượng xấu số bị chết đuối trong một lần đi chăn trâu khi mới 9 tuổi. Hồi đó cả gia đình tôi đau buồn, mất ngủ, khóc vì thương con đến sụt cân, chỉ còn da bọc xương. 

Anh của Phượng ngoan, không những đá bóng giỏi, giúp được nhiều việc trong gia đình mà cũng trắng trẻo, đẹp trai nhất trường, ai cũng mến”.

“Messi của Việt Nam” Nguyễn Công Phượng. (Ảnh: Minh Hoàng)
Mất anh, Phượng không còn người chơi bóng cùng nên đã đòi mẹ đưa tới Trung tâm văn hóa thể thao Đô Lương cách nhà khoảng 18 - 20 km xin tập đá bóng. Khoảng 3 năm sau đó, Phượng phải sống tự lập, xa nhà từ năm 8 tuổi. 
“Ngày thường, cứ thứ Sáu, Chủ nhật hàng tuần, sau bữa cơm trưa, tôi lại chở con bằng xe đạp đi tập đá bóng, đường khó đi nên phải 2 - 3 giờ đồng hồ mới tới nơi. 
Cũng may, những ngày hè, đội tập suốt tuần tôi có thể gửi Phượng ở nhà người quen. Thấm thoát cũng mất 3 năm, Phượng hớn hở khi nhận được giấy báo lên tập thử ở “lò” SLNA trong 1 tháng. 
Thế rồi, em lại khóc nức nở vì không được nhận. May mắn thay, cuối cùng Học viện HAGL-Arsenal JMG đã nhận cháu” - Bà Hoa nhẹ nhàng chia sẻ.

Không biết có phải do chút gì tâm linh từ quá khứ vọng lại hay không nhưng từng bước chân của Phượng đều khiến bà Hoa có những cảm xúc trái chiều: 

“Tôi mừng với những thành công ban đầu của Phượng nhưng lo cho nó lắm, và nhớ nhiều tới thằng anh ngay trên Phượng. Một bước sai thôi sẽ phải trả giá đắt. 

Ngày trước, anh nó tài năng biết bao, được cả xóm gọi tên vì chơi bóng rất giỏi nhưng vì một phút chủ quan mà chết đuối. Nói thật, trẻ em ở các vùng nông thôn, nhiều rủi ro lắm. 

Tôi vẫn tin, đằng sau Phượng luôn có anh nó dõi theo, dạy nó từng đường đi nước bước, như những ngày nó mới chập chững biết đi vậy”.

Để lên tới Hà Nội, bà Hoa phải di chuyển bằng xe khách. Sau đó, phải ở nhờ nhà người quen ở cạnh sân Mỹ Đình. Phải tới khi cậu con trai từ Bình Dương bay ra Hà Nội, bà Hoa mới chuyển tới nhà nghỉ Phương Anh. Mọi chi phí đều do bà Hoa tự túc.
“Phượng ơi, cố lên!”

Trước Phượng, qua báo chí, bà Hoa cũng biết bóng đá xứ Nghệ luôn không thiếu những tài năng. Nào là Phan Thanh Tuấn, Quốc Vượng, Văn Quyến, Hồng Việt... Những đôi chân có thể làm mê hoặc lòng người nhưng rồi họ không “đỡ” nổi những cám dỗ từ nhiều phía 

“Công Phượng mê bóng đá lắm nhưng chưa nghĩ được nhiều đâu. Chúng tôi hiểu con mình. Nhưng là cha mẹ, ai mà không mong được con mình tặng một món quà, dù là chiếc khăn, tấm áo. 

Nhưng bao nhiêu tâm trí, Phượng dành hết cho trái bóng rồi, như thể chơi hộ phần của anh nó. Vậy nên, đừng nói tới những món quà “lặt vặt” làm gì, mỗi khi nói đến chuyện có bạn gái hay không, chúng tôi cũng không đề cập tới, sợ con buồn”.

Người anh đã mất luôn dõi theo Công Phượng ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Hoa - Mẹ cầu thủ Công Phượng. Ảnh: Chính Minh

Để cổ vũ cho Công Phượng và các đồng đội, anh trai của Phượng đã lập gia đình ở Bình Dương đã bay ra Hà Nội. Hai chị gái của Phượng, một người đang ở Đồng Nai, một người định cư ở Nga cũng liên tiếp gọi điện hỏi thăm tình hình cậu em. 

“Gia đình chỉ biết trông vào gần 1 mẫu ruộng để mưu sinh. Công việc cấy, gặt cũng vất vả lắm nhưng nếu thuê người làm thì “nỏ” có mà ăn. 

Cũng may, các con tôi đều tự lập. Thường học xong cấp 2 là chúng đi làm cả và tự lo được cho bản thân. Thằng Phượng thì vào Học viện HAGL-Arsenal JMG và chúng tôi đã gửi hết niềm tin vào các thầy, bảo Phượng phải coi đó như cha mẹ vậy. Nhà chỉ còn 2 vợ chồng tôi và con gái út năm nay lên lớp 8. Nhiều khi cũng buồn lắm chứ”.

Lúc này, dù ở Hà Nội cổ vũ cho con nhưng bà Hoa vẫn nghĩ rất nhiều tới công việc ở nhà: “Tôi lên Hà Nội đã 5 hôm và có cảm giác như 5 tháng. 

Ở quê dù gì cũng có làng xóm, lên đây chỉ biết loanh quanh trong nhà nghỉ. Có hôm tôi đi bộ ra sân xem Phượng và đội U19 tập thì chú bảo vệ lại không cho vào. 

Hơn nữa, cũng đến mùa gặt rồi, xem U19 thi đấu xong là tôi về ngay. Ở nhà, một mình chồng tôi phải quán xuyến công việc nên cũng mệt lắm”, bà Hoa chia sẻ.

Những tưởng ngôi nhà mới của “Messi Việt Nam” phải khá khang trang nhưng thực tế: “Phải tới năm nay, Phượng mới có lương. Còn những năm trước đó, cháu chỉ có chút tiền tiết kiệm từ khoản phụ cấp. 

Mỗi năm về nhà 2 lần vào dịp hè và tết, Phượng lại gửi số tiền ít ỏi cho tôi. Lâu dần, tới nay chúng tôi cũng gom góp đủ tiền để xây căn nhà cấp 4, thay vì tiếp tục sống trong căn nhà tranh vách đất như trước” - Bà Hoa nói, giọng rất thanh thản nhưng lại gợi cho bầu Đức và những cộng sự của ông về cách nuôi dưỡng nhân tài.

Chốt lại, cách làm của Học viện HAGL - Arsenal JMG là tốt rồi, nhưng để những “hạt ngọc” có đủ bản lĩnh, cơ duyên tránh xa những cám dỗ đời thường thì là một câu chuyện khác. 

Đơn giản, phàm là một người con tốt (chứ đừng nói là được đánh giá tầm “Messi Việt Nam”) thì không thể vui, thoải mái, cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo khi biết cha mẹ đang phải vật lộn mưu sinh hàng ngày trong căn nhà cấp 4....

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.