Ngủ ngáy: nguyên nhân và cách khắc phục

GD&TĐ - Ngáy không chỉ là vấn đề của nam giới, nó cũng xảy ra ở nữ giới, đặc biệt sau khi mãn kinh.

Ngủ ngáy: nguyên nhân và cách khắc phục

Có nhiều nguyên nhân gây ngáy và với mỗi nguyên nhân sẽ có những cách khắc phục khác nhau.

Thừa cân

Tăng cân có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe và là một tác nhân chính gây ngáy ở nam giới, vì không giống như nữ giới họ có xu hướng tăng cân ở khu vực cổ.

Các mô mỡ quanh cổ chèn ép đường thở và khiến không khí khó lưu thông khi ngủ, do vậy đường thở dễ phát ra tiếng động.

Giải pháp: Giảm cân hợp lý thông qua chế độ ăn uống và tập luyện.

Uống rượu

Rượu có tác dụng an thần và giảm đau, giúp bạn thư giãn. Tuy nhiên, nhược điểm là có thể khiến các cơ sau họng bị chèn ép gây ra ngáy.

Thuốc ngủ và thuốc an thần như thuốc kháng histamin cũng có ảnh hưởng tương tự.

Giải pháp: hạn chế uống rượu. Chỉ uống muộn nhất là cách 4 tiếng trước khi đi ngủ.

Hút thuốc

Những người hút thuốc dễ ngủ ngáy gấp 2 lần so với những người không hút thuốc. Khói thuốc lá kích thích niêm mạc khoang mũi và họng, gây sưng và viêm. Kết quả là tắc mũi khiến bạn khó thở bằng mũi. Những người hít phải khói thuốc của người khác hút cũng có nguy cơ ngáy.

Giải pháp: Cai thuốc hoặc chỉ hút thuốc cách giờ ngủ ít nhất 4 tiếng để giảm ảnh hưởng của thuốc.

Tư thế ngủ

Nếu nằm ngửa, bạn dễ bị ngáy hơn do tác động của trọng lực lên đường hô hấp trên. Điều này xảy ra khi lưỡi và phần vòm miệng mềm bị tụt ra sau vào cổ họng, gây hẹp đường thở.

Giải pháp: Nằm nghiêng về một bên. Dụng cụ đỡ hàm dưới có ích trong trường hợp ngáy này. Đây là dụng cụ giữ cho hàm dưới và lưỡi đẩy về phía trước, tạo thêm không gian để thở.

Một lựa chọn khác là sắp xếp gối sao cho đầu ở vị trí hơi nghiêng, giúp thông đường hô hấp đằng sau họng.

Dị ứng

Các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng có thể gây nghẹt mũi, góp phần tạo ra tiếng ngáy và ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Sưng niêm mạc mũi và họng ảnh hưởng tới hô hấp qua đường mũi – đặc biệt là vào ban đêm.

Giải pháp: điều trị dị ứng.

Thở bằng miệng

Nếu há miệng khi ngủ, bạn sẽ dễ bị ngáy.

Khi chúng ta thở bằng mũi, không khí đi qua phần cong của vòm miệng mềm từ từ vào họng mà không tạo ra những “tiếng động” không cần thiết.

Nhưng khi thở bằng miệng, không khí va vào mặt sau họng và có thể khiến mô mềm rung lắc mạnh.

Giải pháp: Hãy thử các thiết bị hỗ trợ thở ngăn thở bằng miệng.

Lỗ mũi nhỏ

Lỗ mũi nhỏ có thể khiến bạn khó thở bằng đường mũi. Do đó bạn sẽ thở bằng miệng và bị ngáy.

Giải pháp: Mang panh mũi. Đây là một dụng cụ bằng nhựa đàn hồi giúp giữ cho lỗ mũi mở.

Ngáy do lưỡi

Nếu bạn bị ngáy nặng một thời gian, tổn thương dây thần kinh và cơ của đường hô hấp trên khiến chúng dễ bị sập xuống. Tình trạng này làm hẹp đường thở và khiế mô lưỡi bị rung, gây tắc nghẽn đường thở.

Giải pháp: Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng thiết bị hỗ trợ hàm dưới có thể giúp giữ lưỡi không chèn vào thành sau họng.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ