Những ngôi trường dạy học sinh cùng tồn tại
Một giáo viên người Ả Rập và một giáo viên người Do Thái đang yêu cầu các em học sinh lớp bốn làm bài tập về nhà, với nhiệm vụ là nghiên cứu các tên lịch sử khác nhau của thành phố nơi các em đang sống này.
Chủ đề có thể là một vấn đề bùng nổ giữa người lớn này chỉ đơn thuần là một bài học lịch sử của các em học sinh 10 tuổi này thôi. Sau khi các em học sinh người Ả Rập, người Do Thái trả lời, trên quan điểm của người Ả Rập và người Do Thái, lớp học không hề có dấu hiệu căng thẳng. Bên ngoài phòng học, một nhóm học sinh Do Thái và Ả Rập đi bộ trên hành lang, cười khúc khích.
Đó là một cảnh gần như không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác ở Israel, nơi mà trẻ em Do Thái và Ả Rập gần như không bao giờ học chung và hiếm khi làm bạn với nhau. Mặc dù người Ả Rập đại diện cho 20% dân số của Israel, nhưng người Do Thái và người Ả rập ở đất nước này vẫn lớn lên sống riêng biệt, bắt đầu với một nền giáo dục chia rẽ.
Ngôi trường này được điều hành bởi Hand in Hand – một tổ chức phi lợi nhuận đã thành lập các ngôi trường song ngữ trên cả nước. Với hơn 1300 học sinh tại sáu trường học trên khắp Israel, Hand in Hand là mạng lưới giáo dục hòa nhập lớn nhất của nước này.
Các lớp học của nó phục vụ học sinh Do thái và Ả Rập bằng các bài học dạy đồng thời tiếng Do Thái và Ả Rập bởi hai giáo viên Ả Rập và Do Thái. Chương trình giảng dạy của trường là hỗn hợp các môn học cốt yếu của chính phủ, như toán và khoa học, bên cạnh đó là tài liệu mà Hand in Hand phát triển.
Có lẽ sự khác biệt quan trọng của Hand in Hand so với giáo trình chính thức của Israel là nó tường thuật lại câu chuyện theo cả hai cách, hai quan điểm của người Ả Rập và Do Thái, để giúp tất cả các em học sinh hiểu được thế giới quan của “bên kia”.
Lilach Rosenfeld – người đã tốt nghiệp trường Galilee của Hand in Hand năm 2008 và vẫn làm bạn với một số người bạn Ả Rập cùng lớp cho biết rằng: “Đây là cơ hội để thực sự nhìn thấy một mặt khác, không phải từ xa, không phải qua tin tức, và cũng không phải từ những tin đồn. Bạn khám phá văn hóa, tôn giáo, truyền thống, những suy nghĩ và thế giới của bên kia đó từ rất gần”.
Trên thực tế, pháp luật không yêu cầu phải tách biệt thành hai hệ thống giáo dục như thế, tức là người Ả Rập có thể theo học tại trường Do Thái và ngược lại, nhưng phần lớn người Ả Rập học tại các trường Ả Rập, còn người Do Thái theo học tại các trường Do Thái. Hệ thống kép này không bắt buộc đối với bất kỳ ai, mà là phản ánh nhu cầu và đặc điểm khác nhau của hai phân đoạn dân số Israel có rất ít điểm chung, ngoài chung quốc gia mà họ sinh sống.
Công dân Do Thái và Ả Rập của Israel nói tiếng khác nhau, ăn mừng các ngày lễ khác nhau, tuân thủ các chuẩn mực văn hoá khác nhau, tường thuật hai câu chuyện lịch sử khác biệt, và thường sống trong các cộng đồng khác nhau. Theo ông Yousef Jabareen – một thành viên Ả Rập của quốc hội Israel và giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách Ả Rập, phần lớn phụ huynh, bao gồm cả người Ả Rập, ủng hộ tình trạng này.
Nhưng trong những năm gần đây, khi hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình đã biến mất, thì nhu cầu muốn con cái học hỏi với và về những gì nhiều người gọi là “phía bên kia” của các bậc cha mẹ đã tăng lên.
Cô Nadia Kinani là một trong những phụ huynh đó. Là một người mẹ Ả Rập ba con, bà đã giúp thành lập trường Hand in Hand ở Jerusalem với những người bạn Ả Rập và Do Thái – những người đã hình dung ra một tương lai chung cho con cái của họ, bắt đầu bằng một lớp học 20 học sinh và nay trở thành trường duy nhất ở Israel nơi người Ả Rập và Do Thái học cùng nhau từ mẫu giáo đến lớp 12. Năm nay trường có 650 học sinh, và 150 em vẫn trong danh sách chờ đợi.
Cô Kinani hiện đang là hiệu trưởng của trường, hai con gái của cô đã tốt nghiệp, con thứ ba đang học lớp 10. Cô nói rằng họ cởi mở hơn, khoan dung hơn so với các bạn cùng tuổi học tại các trường chính thống. Cô bổ sung: “Tình hình càng khó khăn và vô vọng thì càng có nhiều người tìm kiếm cái gì đó sẽ cho họ hy vọng. Thông thường, khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra giữa người Do Thái và người Ả Rập, người dân thành phố chia thành hai phe. Nhưng ở đây, chúng tôi sẽ đến và nói chuyện cùng nhau”.
Phát triển bất chấp khó khăn, thách thức
Trong một quốc gia có 8 triệu người như Israel, số trường như thế này không đủ để trải khắp cả nước. Ngoại trừ Jerusalem, không có trường Hand in Hand nào dạy qua lớp 12. Trường ở Rosenfeld kết thúc sau lớp sáu.
Mặc dù các trường Hand in Hand là trường công và nhận được ngân sách của chính phủ, nhưng sự hỗ trợ đó chỉ đủ để tài trợ cho một nửa hoạt động của họ, vì hệ thống này đòi hỏi gấp đôi số giáo viên so với các trường không song ngữ.
Với danh sách chờ đợi ở mọi trường học của hệ thống và hàng chục bậc phụ huynh yêu cầu Hand in Hand mở trường học trong cộng đồng của họ, tổ chức hy vọng chính phủ Israel cuối cùng sẽ tăng nguồn tài trợ. Cho đến lúc đó, một nửa tài chính của tổ chức đến từ các khoản đóng góp qua website của họ và lệ phí từ phụ huynh.
Cô Kinani lập luận rằng Hand in Hand phát triển mạnh trong một thành phố như Jerusalem là bằng chứng cho thấy nó có thể phát triển mạnh ở bất cứ nơi nào.
Tuy nhiên, ý tưởng đồng giáo dục người Ả Rập và người Do Thái là một mối đe dọa đối với một số người Israel. Trong năm học vừa qua, hai phòng học lớp một ở trường Hand in Hand ở Jerusalem đã bị đốt bởi các phần tử cực đoan, họ vẽ lên bức tường với thông điệp này: Không có đồng tồn tại với bệnh ung thư.
Nhưng điều đó đã không dừng được Hand in Hand lại. Theo những lời của Kinani thì là: “Nó khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn”.
90% trẻ em đến trường vào ngày hôm sau, và các lớp học bị cháy của họ được xây dựng lại trong vài tuần. Hàng ngàn người đã đi khắp Jerusalem trong tình đoàn kết. Một tháng sau, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mời các học sinh của trường đến Nhà Trắng để thắp nến Chanukah.
Những gì các phần tử cực đoan không lường trước được là sự chú ý của giới truyền thông đã khiến hàng ngàn người Israel được nghe về một hệ thống trường học thay thế mà họ chưa bao giờ biết là đã tồn tại. Những cuộc gọi từ phụ huynh mới tăng vọt, và Hand in Hand có nhiều trẻ em hơn trong danh sách chờ đợi hơn bao giờ hết. Cô Kinani và các bậc phụ huynh khác hy vọng rằng một ngày nào đó, với đủ số trường học, họ sẽ không cần thêm bất kỳ danh sách chờ đợi nào nữa.