Ngôi trường có 31 "điểm lẻ"

Ngôi trường có 31 "điểm lẻ"

(GD&TĐ) - Dù ngành giáo dục cũng như thành phố Hà Nội đã rất cố gắng và có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thế nhưng, hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn, đặc biệt trong các quận nội thành “lõi”, cơ sở vật chất vẫn vô cùng khó khăn.

Chuyện khó tin

Được thành lập từ năm 1921, đến nay đã được trên 90 năm, là một trong những trường lâu đời nhất Hà Nội, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng) luôn được biết đến là một trong những trường tốp đầu về chất lượng dạy học, thành tích giáo dục học sinh. Nhưng không chỉ nổi tiếng về thành tích, trường cũng được nhắc tới nhiều bởi một lý do: là trường duy nhất trên địa bàn quận chưa được tách cơ sở vật chất, vẫn học chung tiểu học và THCS.

Nếu đứng ở cổng trường Lê Ngọc Hân từ 12h30 sẽ bắt gặp từng đoàn học trò nối đuôi nhau từ khắp phía theo cô bước vào cổng trường. Người dân và xe giao thông trên đường Lò Đúc dường như đã quen với cảnh này nên sẵn sàng dừng lại nhường đường cho các em.

Ngôi trường có 31 "điểm lẻ" ảnh 1
Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân bán trú ở ngoài về trường

Theo tâm sự của các phụ huynh có con học tại trường, buổi sáng trường dành cho học sinh THCS, buổi chiều dành cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, nhu cầu muốn con được học bán trú nên phụ huynh cùng nhà trường tổ chức lớp bán trú tại nhà dân cho các con. Vì đi thuê nên cũng có chỗ rộng, hẹp, xa, gần khác nhau. Lớp nào gần, cô và trò đi bộ đến trường, lớp xa thì thuê xe. 

“Việc bán trú nhà dân chắc chắn sẽ vất vả cho các con và cả cô giáo. Ngày thường thì không sao, nhưng còn những ngày nắng gắt, mưa rào hay những ngày thời tiết giá lạnh rất khó khăn cho các cháu, đặc biệt lứa tuổi mới vào lớp 1. Có những lớp học cô thuê chỉ khoảng 30m vuông, các cháu không có chỗ vui chơi, cũng rất thiệt thòi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chấp nhận gửi con vào trường vì chất lượng giáo dục ở đây rất tốt” - một phụ huynh cho biết.

Những bất cập của việc học chung hai cấp cũng được ông Nguyễn Như Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Hiện Lê Ngọc Hân có tổng số 31 phòng học, phục vụ khoảng trên 1500 học sinh tiểu học và trên 1000 học sinh THCS. 31 lớp là 31 phòng học rải khắp quận Hai Bà Trưng. Nhưng may mắn là dù bán trú nhà dân nhưng từ trước đến nay nhà trường chưa để xảy ra sự cố gì, việc ăn uống của học sinh cũng được đảm bảo khá tốt. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến học sinh và giáo viên rất vất vả. Chưa kể, việc chung cơ sở vật chất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh, từ đó ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giáo dục. Cũng vì lý do quỹ đất mà dù chất lượng dạy và học rất tốt, đội ngũ giáo viên giỏi nhưng đến nay cả hai trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân vẫn chưa đạt chuẩn quốc gia.

“Quận Hai Bà Trưng nhiều năm nay vẫn trăn trở, cố gắng xin thành phố, Trung ương đất cho trường Lê Ngọc Hân nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được quỹ đất. Chúng tôi mong mỏi ngôi trường bề dày thành tích này sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của thành phố để hai trường Tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân có cơ sở vật chất riêng, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đổi mới của giáo dục” - ông Nguyễn Như Thắng bày tỏ.

Nỗ lực của ngành Giáo dục

Hai quận khó khăn nhất về quỹ đất trường học của Hà Nội hiện nay là Đống Đa và Hai Bà Trưng. Theo ông Nguyễn Như Thắng, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có 25 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 15 trường THCS. Một số trường mầm non trên địa bàn quận hiện vẫn còn điểm lẻ như Trường Mầm non Hoa Phượng, Trường mẫu giáo Bùi Thị Xuân, trường Mầm non Ngô Thì Nhậm. Cũng vì vấn đề quỹ đất nên Hai Bà Trưng khá khó khăn trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiện mới có 14 trên tổng số 59 trường toàn quận đạt chuẩn.

Ngôi trường có 31 "điểm lẻ" ảnh 2
Học sinh trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội)  Ảnh: Thiên Thanh

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, với những nỗ lực của ngành Giáo dục, sự quan tâm của lãnh đạo quận, quận Hai Bà Trưng thực sự đã có những thay da đổi thịt, đặc biệt với cấp học Mầm non. Ông Thắng cho hay, phường Thanh Nhàn và Lê Đại Hành từ trước đến nay chưa từng có trường mầm non công lập, nhưng năm 2013, quận đã bố trí xây dựng được Trường mầm non Thanh Nhàn, đi vào hoạt động ngay trong năm đó; sau trường này, một trường mầm non nữa trên địa bàn phường sẽ được xây tiếp, cố gắng kịp khai giảng ngay trong năm học 2013 -2014 này. Tương tự phường Lê Đại Hành cũng được xây mới 2 trường mầm non, dự kiến khánh thành trong năm nay.

Mặc dù vô cùng khó khăn về quỹ đất, nhưng trong 2 năm 2012 và 2013, quận Hai Bà Trưng đã xây dựng được 5 trường mầm non, trong đó đã đưa vào hoạt động 1 trường trong năm 2012. Quận cũng vẫn tiếp tục tìm quỹ đất để xây thêm các trường mầm non, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ trên địa bàn.

31 lớp là 31 phòng học dải khắp quận Hai Bà Trưng. Nhưng may mắn là dù bán trú nhà dân nhưng từ trước đến nay nhà trường chưa để xảy ra sự cố gì, việc ăn uống của học sinh cũng được đảm bảo khá tốt. 

Một trong những ngôi trường từ trước đến nay tốn khá nhiều giấy mực của báo chí là Trường tiểu học Bà Triệu (nằm trên phố Bùi Thị Xuân). Người dân xung quanh trường lâu nay đều quen với cảnh, mỗi buổi sáng thứ hai, học sinh lại tập trung dưới lòng đường để chào cờ. Hiện toàn trường chỉ có trên 300 học sinh với sĩ số khoảng 30 học sinh trên lớp. Diện tích chật hẹp, phòng học nhỏ là một nguyên nhân không cho phép trường tuyển sinh nhiều. Thế nhưng, cuối năm nay, trường sẽ được khởi công xây mới trên khu đất rộng xấp xỉ 2500 m vuông tại phố Mai Hắc Đế. Đó sẽ là một trang hoàn toàn mới, tươi đẹp hơn rất nhiều đối với cán bộ giáo viên trong trường và đặc biệt là với các học sinh đang học tập tại đây.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Như Thắng, hàng loạt các trường trên địa bàn quận đã và đang được xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Như Trường tiểu học Lê Văn Tám xây dựng mới toàn bộ; trường tiểu học Tây Sơn xây thêm 1 tầng; trường tiểu học Quỳnh Lôi cũng đang được xây mới. Các trường mầm non Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi, 8-3; trường tiểu học Lương Yên, Minh Khai, Bạch Mai, Ngô Quyền; trường THCS Ngô Quyền, Lương Yên… được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, dù đã có những kết quả đáng mừng, nhưng quận Hai Bà Trưng vẫn còn những khó khăn còn phải tháo gỡ, trong đó có trường hợp Trường Lê Ngọc Hân - ông Thắng cho hay.

Những nỗ lực mở rộng quỹ đất cho trường học không chỉ có quận Hai Bà Trưng. Chủ trương của toàn thành phố Hà Nội hiện nay hết sức ưu tiên quỹ đất cho trường học. Một số đất trống không được cơ sở kinh doanh sử dụng hiệu quả sẽ lấy lại để xây trường học. Chính với cách làm quyết liệt như vậy, chỉ tính riêng 2 quận Đống Đa và Hai Bà Trưng đã có 8 trường học được xây mới và dự kiến sẽ có rất nhiều học sinh được thụ hưởng ngôi trường mới ngay trong mùa khai giảng năm nay.

Chủ trương của toàn thành phố Hà Nội hiện nay hết sức ưu tiên quỹ đất cho trường học. Một số đất trống không được cơ sở kinh doanh sử dụng hiệu quả sẽ lấy lại để xây trường học.

Nguyễn Nhung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.