Ngời sáng tấm gương học tập của một sinh viên nghèo

Ngời sáng tấm gương học tập của một sinh viên nghèo
Phan Xuân Nam (đứng bên trái) được bạn bè tặng hoa chúc mừng sau buổi lễ trao học bổng cho học sinh có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc của tập đoàn VNPT và Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình tháng 9 năm 2008
Phan Xuân Nam (đứng bên trái) được bạn bè tặng hoa chúc mừng sau buổi lễ trao học bổng cho học sinh có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc của tập đoàn VNPT và Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình tháng 9 năm 2008

Đi câu lươn, mót lúa nuôi anh ăn học

Tại buổi trao học bổng do tập đoàn VNPT và Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình tổ chức cho những học sinh có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc, trong đó có Phan Xuân Nam (sinh viên lớp Công tác xã hội khoá 49, trường Đại học Quảng Bình), các đại biểu đã rất khâm phục quá trình vượt khó của cậu sinh viên có khuôn mặt rắn rỏi này.

Tìm về Quảng Sơn, tôi được ông Mai Thanh Lâm, nguyên là Bí thư chi bộ, ở gần nhà Nam cho biết: “Gia đình hắn khổ lắm. Tui cứ tưởng anh em hắn sẽ thất học cả. Nhà nghèo nên thằng út phải đi ở nhà người ta đến năm lớp 9 mới trở về nhà với ba mẹ. Hắn siêng lắm, đi học về là quăng cặp đi câu lươn, mót lúa, rồi chăm sóc cha.... vậy mà hắn vẫn học giỏi. Đến nay các gia đình trong xã, trong thôn vẫn thường đem gương hắn ra để răn dạy con cháu. Trong tập thơ “Bến sông quê” viết về vùng đất học Quảng Sơn, có bài thơ của thầy Trần Đình Kỷ ca ngợi tấm gương học tập của anh em hắn đó”.

Quả là Nam có một “tuổi thơ dữ dội” vì gia cảnh quá khó khăn. 3 năm học trung học phổ thông, sau giờ học là Nam và anh trai lại lăn lộn ở các đồng ruộng câu lươn, mót lúa để có tiền nuôi bố mẹ. Cũng may là cậu rất giỏi trong việc câu lươn, nên khi nào Nam ra đồng là cũng có lươn mang ra chợ bán. Từ số tiền bán lươn, mót lúa, cùng với sự giúp đỡ của bà con lối xóm đã giúp 4 cha con rau cháo qua ngày. Rồi anh trai thi đỗ đại học, gánh nặng cơm áo lại được đặt lên đôi vai nhỏ bé của cậu... Để có tiền cho anh ăn học, hàng ngày tiền bán lươn có được, sau khi mua thức ăn cho cả nhà, cậu để dành vào ống tre, cuối tháng chẻ ống và ra bưu điện gửi vào cho anh. Thời gian lam lũ ngoài đồng và phụ giúp việc nhà của cậu ngày càng nhiều thêm, tuy vậy nhưng việc học của cậu cũng không hề giảm sút, cả 3 năm học cậu đều đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến.

Ở đâu cũng học giỏi, công tác giỏi

Năm 2005 tốt nghiệp cấp 3, Nam viết đơn xung phong nhập ngũ và được biên chế vào sư đoàn 324 thuộc Quân khu 4, sau 3 tháng huấn luyện xuất sắc, Nam được cử đi học lớp đào tạo tiểu đội trưởng ở trường Quân sự Quân khu. Sau 6 tháng học tập cậu tốt nghiệp loại giỏi, được phong quân hàm thượng sỹ, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được giữ ở lại giảng dạy ở trường. Hàng ngày, sau giờ học tập và đi thao trường, Nam lại tự ôn văn hoá để xin tham dự vào các trường đại học của quân đội. Nhưng thật bất ngờ, mẹ Nam ở quê bị đau nặng (bị một người điên hành hung), anh trai đang học đại học ở xa không thể về nhà chăm sóc được. Nam viết đơn và được giải quyết ra quân trước thời hạn trong sự tiếc nuối của toàn đơn vị.

Trở về quê hương, “công việc” của Nam lại như hồi trước: câu lươn, mót cá, phụ hồ...lần này còn vất vã hơn vì bố mẹ ngày càng già, mẹ bị bệnh nặng. Ý chí ham học vẫn không nguôi ngoai trong Nam, đêm về trong căn nhà tồi tàn, khi đã làm xong việc nhà, cậu lại đem sách vở ra học.

Phan Xuân Nam tại buổi phát thẻ Đảng viên tại trường Đại học Quảng Bình (ngồi đầu tiên bên trái từ dưới nhìn lên)
     Phan Xuân Nam tại buổi phát thẻ Đảng viên tại trường Đại học Quảng Bình (ngồi đầu tiên bên trái)

Kỳ thi Đại học, cao đẳng năm 2007 trong khi bạn bè tất tả ngược xuôi vào Nam ra Bắc, Nam chỉ đăng ký thi vào ngành Công tác xã hội của trường Đại học Quảng Bình “để gần bố mẹ và hợp với hoàn cảnh gia đình”. Ít có thí sinh nào mà vất vả như cậu, buổi sáng bắt xe đò từ Quảng Sơn vào thi, tối bắt xe ra nhà chăm sóc bố mẹ, sáng mai lại bắt xe vào thi môn cuối cùng. Kỳ thi năm đó cậu được 24 điểm đạt thủ khoa của khoa, được nhận giấy khen, tiền thưởng và được bầu làm lớp trưởng lớp Công tác xã hội K49.

Khi Nam nhận được giấy nhập học cũng là lúc anh trai ra trường. Anh trai ra trường không có việc làm nhưng đã có người chăm sóc bố mẹ cho cậu yên tâm học tập. Việc đầu tiên của Nam vào Đồng Hới sau khi đăng ký nhập học là ... tìm việc làm thêm. Sau 2 ngày cậu cũng tìm được cho mình công việc phụ nề của một đám thợ. Buổi sáng tới giảng đường, tranh thủ nắm bài ngay tại lớp, buổi chiều ngoài những lúc tổ chức các hoạt động cho lớp, cho khoa, Nam lại thành một người thợ xây chính cống. Được cái đoàn thợ thấy cậu học trò nghèo hiếu học nên thương, đã cho cậu làm việc theo giờ, vào những lúc rảnh.

Tiến sỹ Trần Đức Hiền, trưởng khoa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trường Đại học Quảng Bình cho chúng tôi biết: “Nam là một học trò đặc biệt, tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng em đã biết khắc phục mọi khó khăn, bố trí thời gian khoa học để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Lớp của Nam tuy có đến 96 em nhưng là một trong những lớp dẫn đầu về các phong trào trong khoa. Có nhiều hoạt động của lớp được các thầy cô giáo toàn trường ghi nhận như tham gia các hội thi phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS,; tổ chức các buổi giao lưu, giúp đỡ với các em khuyết tật ở trường nuôi dại trẻ em khuyết tật Đức Ninh. Nam vừa học giỏi, vừa có uy tín, vừa biết cách tổ chức hiệu quả các hoạt động của lớp. Riêng học kỳ 1 năm 2009, điểm tổng kết trung bình của Nam được 9 điểm cao nhất toàn trường. Trong hai năm rưởi học ở đây, năm nào em cũng được nhận học bổng và giấy khen”.

“Em chẳng có bí quyết gì hết. Trong học tập thì học cái gì em nắm bài ngay tại lớp, về nhà củng cố lại và liên hệ với thực tiển. Trong lớp có một số bạn hay bỏ học, học kém thì em đối xữ với các bạn ấy vừa như là một người bạn tốt, vừa như là một người anh để các bạn ấy không mặc cảm mà ngày càng học tập và rèn luyện tiến bộ. Trong các hoạt động phong trào thì em và ban cán sự chú ý vào sở thích, sở trường và đặc điểm ngành học của lớp để tổ chức các hoạt động, vì vậy luôn được các bạn tham gia hào hứng, hiệu quả” Nam nói.

Khi tôi viết bài này thì được biết anh trai Nam cũng đã xin được việc làm ổn định, mái nhà tranh tồi tàn của cậu đã được bà con lối xóm, các tổ chức đoàn thể và anh em họ hàng giúp cất lại một nếp nhà chưa rộng nhưng đủ che mưa nắng. Mẹ Nam tuy già yếu, bệnh tật nhưng trông chừng khoẻ ra với niềm vui con cái mang lại. Ba Nam không đi khất thực nữa... Mùa xuân ấm áp đang về trong căn nhà nhỏ ấm cúng, hạnh phúc của Nam ở gần cuối làng Thọ Linh.

Duy Hưng

(Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Bình)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ