Ngôi nhà đồng nghiệp

GD&TĐ - Trong những lần đến với các trường học vùng sâu, vùng xa, chứng kiến cảnh sống của giáo viên, nhất là những người cắm bản, chúng tôi nghĩ không biết đến bao giờ cuộc sống của họ mới bớt khó khăn, gian khổ.

Nhiều giáo viên vùng cao còn phải ở trong những căn nhà tạm bợ giữa núi rừng (ảnh: Ngôi nhà tạm của thầy giáo Nguyễn Hồng Thứ điểm trường Tăk Ngo, huyện Nam Trà My, Quảng Nam)
Nhiều giáo viên vùng cao còn phải ở trong những căn nhà tạm bợ giữa núi rừng (ảnh: Ngôi nhà tạm của thầy giáo Nguyễn Hồng Thứ điểm trường Tăk Ngo, huyện Nam Trà My, Quảng Nam)

Bởi vậy, khi nghe đâu đó, hay trực tiếp chứng kiến những ngôi nhà công vụ dành cho giáo viên được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng, chúng tôi không khỏi xúc động, mừng vui. Bởi giáo viên không chỉ có được một chỗ ở tử tế theo đúng tên gọi là nhà, mà còn tạo thêm động lực, niềm tin cho họ tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt.

Niềm vui từ những ngôi nhà công vụ

Đứng ngắm nhìn khu nhà công vụ được xây dựng kiên cố, cô giáo Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng Trường TH Công Hải (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) không giấu nổi niềm xúc động. Ước mong về một khu nhà ở dành cho giáo viên bao năm qua giờ đây mới thành sự thật. Khu nhà ở không chỉ tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt thuận lợi cho giáo viên, mà còn tiếp thêm động lực cho những thầy cô giáo vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

“Với đặc thù của một trường học miền núi có học sinh dân tộc chiếm trên 60%, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào còn chậm phát triển nên công tác xã hội hóa giáo dục của trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, nguồn đầu tư cho nhà trường chủ yếu dựa vào kinh phí được cấp của Nhà nước chứ không được sự trợ giúp của cộng đồng.

Chính vì vậy, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, công tác bồi dưỡng chuyên môn. Cùng với đó, do phần lớn đội ngũ giáo viên của nhà trường từ vùng đồng bằng lên, trong khi đó lại thiếu nhà công vụ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của nhà trường. Bởi thế, khi công trình nhà công vụ được xây dựng và bàn giao đã không chỉ giải quyết sự bức thiết về chỗ ở cho giáo viên, mà còn giúp nhà trường ổn định được đời sống, sinh hoạt của giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác”, cô Nga chia sẻ.

Niềm vui không chỉ đến với thầy cô giáo Công Hải (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận), dãy nhà công vụ Trường TH&THCS Phước Thành (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng được hoàn thành từ chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Công đoàn Đại học Đà Nẵng, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Phước Sơn thực hiện. Công trình đi vào hoạt động phục vụ giáo viên nhà trường trong thời gian qua đã mang lại những lợi ích thiết thực, giải quyết chỗ ở cho đội ngũ giáo viên khi đến với vùng miền núi đứng chân dạy học.

Bởi nói như lời tâm sự của thầy Lê Văn Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phước Sơn, Phước Thành là một trong những xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều hạn chế, nhất là việc thiếu nhà ở cho thầy cô giáo. Để có chỗ ở “bám trường, bám lớp” dạy học, các thầy cô phải đi ở nhờ nhà dân địa phương. Mong muốn cho thầy cô giáo ở Phước Thành, cũng như các trường học trên địa bàn huyện Phước Sơn có được căn nhà công vụ để ở là khát khao bấy lâu nay.

Chính vì vậy, việc khánh thành và đưa vào sử dụng khu nhà công vụ có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giải quyết được nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho đội ngũ giáo viên, vừa là nguồn động lực giúp giáo viên yên tâm gắn bó với giáo dục miền núi, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Ngôi nhà công vụ Trường TH&THCS Phước Thành được xây dựng từ chương trình Mái ấm Công đoàn
  • Ngôi nhà công vụ Trường TH&THCS Phước Thành được xây dựng từ chương trình Mái ấm Công đoàn

Ấm áp nghĩa tình đồng nghiệp

“Chúng tôi cảm thấy xúc động hơn khi nguồn vốn đầu tư xây dựng khu nhà công vụ dành cho giáo viên có được từ sự đóng góp từ tập thể cán bộ, viên chức, đoàn viên Công đoàn Đại học Đà Nẵng. Bởi vậy, chúng tôi thường hay gọi ngôi nhà công vụ là ngôi nhà đồng nghiệp, như để thầm cám ơn những đồng nghiệp có tấm lòng sẻ chia hết sức ấm áp, nghĩa tình”, thầy Hà bày tỏ.

Công trình nhà công vụ Trường TH Công Hải và Trường TH&THCS Phước Thành là hai trong những công trình vừa mới được thực hiện, bàn giao, đưa vào sử dụng từ chương trình “Mái ấm Công đoàn” của Công đoàn Đại học Đà Nẵng. Theo ông Hồ Văn Hưng – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, không chỉ có Công đoàn Đại học Đà Nẵng, mà còn có Công đoàn Đại học Quy Nhơn hỗ trợ kinh phí cùng với Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện nhiều hạng mục công trình trường học ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, mang lại những kết quả rất tích cực.

Nói về chương trình hỗ trợ thực hiện “Mái ấm Công đoàn” cho các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Văn Hưng – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam - cho biết: Chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã không chỉ mang những món quà có ý nghĩa thiết thực đến với thầy cô giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mà còn thể hiện tình cảm sẻ chia của tập thể đoàn viên Công đoàn các cơ sở trong toàn ngành GD-ĐT đối với thầy cô giáo công tác trên địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đây thực sự là niềm động viên, tiếp sức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam ngày càng nỗ lực làm việc, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

“Giải quyết nhu cầu về nhà công vụ cho giáo viên, nhất là giáo viên ở địa bàn vùng sâu, vùng xa có thể coi là giải pháp để giữ chân đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục công tác giảng dạy, yên tâm gắn bó với trường lớp, góp phần vào sự phát triển toàn diện, bền vững của sự nghiệp giáo dục. Trước nhu cầu xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng cao còn rất lớn, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam mong muốn cộng đồng xã hội, nhất là sự chung tay hỗ trợ từ Công đoàn của các đơn vị giáo dục tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng thêm các khu nhà công vụ cho giáo viên. Bởi hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam, đội ngũ cán bộ, giáo viên đang ngày ngày sống trong những căn nhà tạm bợ, thiếu thốn đủ bề và đối mặt với môi trường sống hết sức khắc nghiệt”, ông Hưng bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...