Ngôi nhà đặc biệt cho bệnh nhân nghèo

Ngôi nhà đặc biệt cho bệnh nhân nghèo

Như một phép màu

Không chỉ trong phạm vi TP Cao Lãnh hay tỉnh Đồng Tháp, ngay cả người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều biết đến phòng khám đặc biệt này của bác sĩ Bửu. Trong lúc nhiều bệnh viện (BV) quá tải, thu phí cao, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì phòng khám nhân đạo do BS Bửu ra đời trên mảnh đất Sen Hồng giàu truyền thống cách mạng. Ban đầu, nhiều người ở gần đó vẫn chưa tin. Nhưng rồi “tiếng lành đồn xa” nên chỉ sau một thời gian ngắn, phòng khám của BS Bửu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người mang bệnh.

Từ những bước chân ban đầu còn ngại ngùng, bỡ ngỡ lần đầu đến khám, chỉ sau vài tuần, ông Bé Hai ở xã Phong Mỹ, TP Cao Lãnh đã trở thành bệnh nhân quen thuộc của phòng khám. Căn bệnh cao huyết áp, đau khớp dần dần được đẩy lùi nhờ sự chăm sóc và tư vấn của “bệnh viện” BS Bửu. Đó cũng là niềm vui của các bệnh nhân ngoại tỉnh như An Giang, Tiền Giang, Long An..., những người vượt đường sá xa xôi để đến với tấm lòng thiện tâm của phòng khám.

Mặc dù bệnh tật luôn hành hạ cơ thể nhưng khi vào phòng chờ, hầu hết bà con đều cảm thấy cơn đau như được xoa dịu bởi khi thấy tên mình trong hồ sơ khám bệnh. Tinh thần làm việc không lương của các y, bác sỹ, điều dưỡng để lại nhiều ấn tượng đẹp cho người bệnh. Từng lời hỏi thăm, một câu nói an ủi của các “thiên thần áo trắng” cũng quý giá như một liều thuốc quý giúp người bệnh thêm cứng cáp. Nỗi lo lắng và cả sự bi quan hầu như tan biến sau ánh mắt và nụ cười thân thiện mà các BS ở đây.

Phòng khám của BS Bửu như ông Bụt trong truyện cổ tích luôn mở lòng đón nhận hầu hết những mảnh đời nghèo khó mang căn bệnh mãn tính chữa trị nhiều năm không khỏi do kinh tế gia đình eo hẹp. Nhiều số phận bất hạnh nhờ phòng khám đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong khúc ngoặt của cuộc đời. Đây chính là điều luôn được bà con nghèo trân trọng. Không chỉ được thăm khám miễn phí, bệnh nhân còn được cấp thuốc không mất tiền. Có người cầm bịch thuốc trong tay ra về tưởng như mình đang ở trong mơ nếu không nói là thiên đường giữa trần gian và đôi mắt muốn rưng rưng lệ.

Hình ảnh đẹp về người thầy thuốc

BS Đoàn Tấn Bửu đã kể lại hành trình xây dựng phòng khám từ 20 năm trước. Sau trận “đại hồng thủy” năm 2000 tại miền Tây, những chuyến đi khám bệnh vùng nông thôn đã để lại nhiều trăn trở cho các BS trẻ ngành y tế Đồng Tháp trong đó có chuyên viên Sở Y tế tỉnh Đoàn Tấn Bửu.

“Ở vùng lũ lụt xảy ra hàng năm, chúng tôi thấy còn rất nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn cần được chăm sóc sức khỏe thường xuyên và lâu dài trong lúc mạng lưới y tế nhiều nơi chưa đáp ứng được” - BS Bửu tâm sự. Hơn nữa, hầu hết những người nông dân vùng kháng chiến cũ qua 2 cuộc kháng chiến đều có công với cách mạng, không thể để họ chịu thiệt thòi về khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ý tưởng xây dựng một phòng khám miễn phí tại TP Cao Lãnh bắt đầu lóe sáng trong người BS có tấm lòng thơm thảo và cuối cùng đã biến thành hiện thực.

Vạn sự khởi đầu nan, nhiều khó khăn bủa vây phòng khám trong thời gian đầu. Số lượng BS ít, bệnh nhân lại đông, khi có BS thì thuốc men lại thiếu. Một bài toán không hề nan giải mà đội ngũ quản lý phòng khám phải tìm cho ra câu trả lời. Tuy nhiên, nhờ sự bắt tay của các ban ngành, nhà hảo tâm, SV ngành y đặc biệt là tấm lòng thiện nguyện của người “cha đẻ” Đoàn Tấn Bửu mà phòng khám vẫn vươn lên duy trì hoạt động.

Sau này với cương vị Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, BS Bửu gặp nhiều thuận lợi hơn và có thêm cánh tay nối dài từ sự ủng hộ đông đảo của đồng nghiệp và lãnh đạo địa phương. Từ điểm sáng BV đa khoa tỉnh, tinh thần thiện nguyện của thầy thuốc đã được cộng hưởng và lan tỏa sang các BV Y học cổ truyền, BV phục hồi chức năng và BV Quân Dân Y tỉnh. Đẹp như đóa sen quê nhà, y đức của phòng khám BS Bửu lan tỏa hương thơm khắp nơi. Thay vì có thù lao, các y, bác sỹ nơi đây vẫn cảm thấy vui vì nhận được lời cảm ơn của người dân đặc biệt là các bệnh nhân ngày một bình phục. Cho đi là nhận lại, đó chính là “thù lao” vô giá mà người thầy thuốc mỗi tuần nhận được từ “ngôi nhà” có phép màu này.

“Ai học nghề y thì điều quan tâm nhất của họ là được khám chữa bệnh, đặc biệt là phục vụ bà con nghèo khó”, câu nói của BS Đoàn Tấn Bửu đã trở thành bài học gương mẫu và nhanh chóng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các cộng sự và nhất là đội ngũ y, bác sỹ trẻ tỉnh Đồng Tháp. Người thầy thuốc không chỉ biết phục vụ mà còn biết cống hiến để con đường sự nghiệp mình đã lựa chọn mở rộng cửa hơn.

Ban đầu, chỉ biết BS Bửu là một thầy thuốc giỏi có tâm nhưng đến đây mới biết ông là Giám đốc Sở Y tế và sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều người thật bất ngờ và cảm phục. Ít có thầy thuốc nào dù bận trăm công nghìn việc trong quản lý mà vẫn hướng về những mảnh đời nghèo khó bằng tình cưu mang và tấm lòng hướng thiện đến như thế. Nhưng đối với ông đó là công sức của cả tập thể, của đồng nghiệp đặc biệt là ông vẫn không quên nhắc tới các công sự vẫn hàng tuần sát cánh cùng ông xây nên hình ảnh đẹp người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”.

20 năm qua, ngôi nhà chung của người nghèo đã phần nào tô đẹp thêm hình ảnh đội ngũ y, bác sỹ luôn quý trọng sức khỏe và mạng sống con người ở vùng đất Đồng Tháp Mười.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ