Khi nước rút đi, các cư dân gốc của ngôi làng sẽ tụ tập trở lại để ăn mừng. Theo BBC, làng Curdi nằm giữa hai ngọn đồi ở Tây Ghats và con sông Salaulim – nhánh của một trong số các con sông lớn ở Goa.
Suốt 11 tháng trong năm, ngôi làng chìm dưới nước |
Curdi từng có thời là một ngôi làng trù phú ở đông nam Goa. Năm 1986, ngôi làng mà nhiều người từng biết đã tới giai đoạn chấm dứt. Đập nước đầu tiên của bang được xây dựng và do đó, toàn bộ Curdi bị ngập nước.
Tuy nhiên, vào tháng 5 hàng năm, nước rút đi và những gì còn lại của ngôi làng hiện ra. Mặt đất nứt nẻ, cây cối trơ gốc, những gì còn sót lại của các ngôi nhà, cấu trúc tôn giáo hiện ra, đồ đạc gia đình đã vỡ, hỏng cũng xuất hiện.
Mảnh đất này trước đây rất màu mỡ và phần lớn dân làng, khoảng gần 3.000 người, sống nhờ vào nó. Họ trồng trọt trên ruộng lúa, vốn được bao quanh bằng nhiều cây dừa, xoài, mít và hạt điều.
Người Hindu, Hồi giáo và Cơ đốc giáo sống bên nhau. Tại làng này có một ngôi chùa chính, vài ngôi đền nhỏ, một nhà thờ và một thánh đường Hồi giáo.
Những gì còn lại ở làng sau khi nước rút |
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng sau khi Goa được giải phóng khỏi Bồ Đào Nha vào năm 1961. Thủ hiến bang là Dayanand Bandodkar đã tới thăm làng cùng thông báo về việc xây dựng đập nước đầu tiên của bang.
Ông tập trung dân làng lại và nói với họ, việc xây đập sẽ có lợi cho tất cả mọi người ở phía nam Goa.
Quan chức này cũng nói rõ, việc xây đập sẽ khiến ngôi làng bị chìm dưới nước nhưng đó là sự hy sinh vì mục đích tốt đẹp hơn, ông Gajanan Kurdikar, 75 tuổi, kể lại những gì diễn ra.
Ông Kurdikar và các cư dân khác, gồm hơn 600 gia đình, buộc phải di dời tới các ngôi làng gần đó. Họ được trao đất và nhận tiền đền bù.