Báo Giáo dục và Thời đại mà tiền thân là Báo Người giáo viên nhân dân đến cuối năm 2009 này vừa tròn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Tôi gần như gắn bó cả cuộc đời mình với tờ báo.
Ngôi biệt thự 14 Lê Trực - trụ sở đầu tiên của báo |
Nửa thế kỷ của báo, từ 14 Lê Trực đến 29B Ngô Quyền, tôi đã được chứng kiến biết bao sự đổi thay, xin ghi lại một số kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tôi.
Số nhà 14 Lê Trực bây giờ chen chúc những cửa hàng, cửa hiệu và nhà dân. Mỗi lần qua làm tôi bồi hồi nhớ lại ấn tượng tốt đẹp về những năm đầu tiên được về sống và làm việc tại đây. Đó là ngôi biệt thự nằm ở một phố nhỏ chỉ có một bên số nhà. Bạn đọc, bạn viết ở tỉnh lẻ về Hà Nội cũng dễ tìm được trụ sở của báo. Một ngôi nhà ba tầng nằm trong khuôn viên thoáng mát, trước cửa có cây hoa giấy, mùa hè trùm mát cả một đoạn phố, trong sân còn một khoảng đất trống, cây cối xum xuê. Độc đáo là cây thông, năm tháng qua đi cứ vươn mãi lên như một ngọn bút vượt qua ba tầng nhà đâm thẳng lên trời xanh. Rồi cây vải vươn cành cả vào ban công tầng hai nơi làm việc của toà soạn. Cuối xuân hoa vải nở, ong bay cả vào các phòng làm việc. Đã có thời người ta đặt cả tổ ong nuôi tại đây. Mùa vải chín, trẻ con trong phố suốt ngày rập rình dưới gốc. Rồi cây mít nằm sát tường, số nhà 16 bên cạnh, thường là hai năm mới cho quả. Nhưng giữ được hoa quả chín trên cây thật khó vì cơ quan thời ấy chưa có người bảo vệ như bây giờ. Còn nữa, một khoảng đất gần cửa toà soạn chỉ để cỏ mọc, có năm buồn chân buồn tay, tôi cuốc lên trồng rau cải, rau rền. Rau lên xanh nhưng chẳng thể nào giữ được trước sự tò mò phá phách của lũ trẻ trong phố…
Chao ơi! Cảnh cũ đã thế thì những người xưa đã sống và làm việc ở 14 Lê Trực thì làm sao mà quên được! Nhớ Diệp Phú Hương (tức Lê Phú Hưởng) một cây bút thơ và văn có nhiều triển vọng, một biên tập viên có hạng được nhiều cộng tác viên yêu mến, tin cậy. Nhưng khổ thân anh, bệnh hen mãn tính hành hạ anh nhiều năm và đã cướp anh đi ở tuổi ngoài 40. Nhớ Nghiêm Đa Văn, một nhà văn, một cây viết báo xông xáo, năng nổ, người có nhiều sáng kiến mở các chuyên mục trên báo cũng đã về nơi thiên cổ. Nhớ Nguyễn Thái Vận, nhà thơ người có triển vọng viết về các điển hình tiên tiến nhưng đã rời khỏi báo vì bệnh tim. Nhớ ông Tô Văn Của, người được coi là Tổng biên tập đầu tiên của báo đã về nơi vĩnh hằng hơn hai mươi năm. Vậy mà tôi vẫn hình dung ra dáng ông ở đâu đó 14 Lê Trực. Ông người Nam bộ, dáng cao to như Tây. Nghe nói thời học sinh ông là người học rất giỏi, đỗ đầu Tú tài xứ Đông Dương, được du học tại Pháp. Ông đã từ bỏ cuộc sống vương giả, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp làm tới chức Chủ tịch một tỉnh ở miền Đông Nam bộ. Ngày đầu về báo, nghe về ông như thế, tôi rất nể phục. Nhưng tôi cũng toát mồ hôi khi biết chuyện ông “rèn quân, duyệt bài”. Anh Trần Đức Tam, người về báo từ ngày đầu thành lập kể: “Còn nhớ anh Nguyễn Minh Lý, chuyên viên dạy tiếng Việt ở Triều Tiên về nước được cử làm biên tập viên của báo. Một lần anh được cử đi viết một bài ngắn, bài không quá năm trăm từ, vậy mà phải viết đi viết lại đến lần duyệt thứ bảy mới được thông qua! Tức quá, anh hai Nam bộ nổi khùng, văng tục chửi thề sau đó đành xin chuyển công tác”. Vì thế, khi tôi mới bước chân về báo đã được ông phân công ngay đi cơ sở:
- Cậu đi công tác Bắc Cạn viết về giáo dục miền núi, vùng cao.
Tôi hăm hở lên đường, say mê lấy tài liệu và về nhà hì hục viết suốt hai ngày. Bài viết rất hoành tráng, dài đến 4000 từ. Một phóng sự đầu tay ra mắt tổng biên tập nên tôi đã phải viết đi viết lại đến ba lần, chép lên giấy sạch sẽ không để một chữ phải gạch xoá. Phấn khởi trình lên ông duyệt và hồi hộp chờ kết quả. Bài viết được trả lại, ông viết lời phê kín cả hai mặt tờ phiếu đăng bài. Như bị dội một gáo nước lạnh, tôi sững sờ và sau đó ngồi nghiền ngẫm những lời ông phê. Ông bảo viết cho ai đọc, nhà giáo hay cán bộ quản lý? Bài chưa nêu được kinh nghiệm gì cho nơi khác học tập, thực hiện. Viết còn dài dòng, tản mạn…. Viết lại như thế nào đây, quá nan giải vì những điều ông yêu cầu, tôi lại không có tài liệu, chẳng lẽ phải quay lại nơi đã đến. Bài viết đó tôi lại viết thêm mấy lần nữa và cuối cùng chỉ được Tổng biên tập cho sử dụng trên báo như một cái tin chừng 400 từ. Phóng viên viết bài phải thật sự vật vã thậm chí khổ sở với người duyệt bài. Bởi ông rất say mê với công việc, không khoan nhượng với người viết khi bài chưa đạt yêu cầu. Tôi nhớ một lần bài viết của tôi không được duyệt, tôi quyết định xin được trao đổi rành rẽ với ông. Sau gần hết một buổi sáng tranh luận, cuối cùng ông đỏ mặt bảo tôi:
- Đem bài đi đâu thì đem, từ nay tôi không duyệt bài của cậu nữa.
Bực mình ông nói vậy thôi. Tôi và ông vẫn gần gũi nhau hàng ngày. Thời ấy, ngày làm việc hai buổi, không làm thông tầm như bây giờ. Tôi ở xa cơ quan gần chục cây số, trưa nào cũng ở lại ngủ trên bàn làm việc. Nhà ông ở gần cơ quan, áng chừng hơn hai cây số nhưng rất ít trưa ông về. Hôm nào ở lại ông cũng bảo tôi: “Cậu có đi đổi bánh mì thì đổi giúp mình một cái”. Ông đưa tôi chiếc tem lương thực 225 gam và một hào. Tôi mang bánh về, ông một phòng, tôi một phòng, nằm khểnh nhai bánh mì suông. Nhớ một lần, tôi được theo ông đi công tác Hải Phòng trên chuyến xe đò xuất phát từ bến Long Biên, hành khách trên xe ngỡ tưởng ông là là người nước ngoài, còn tôi là phiên dịch. Những ngày ở Hải Phòng, ông có tiêu chuẩn ở nhà khách của Ủy ban TP, còn tôi ở nhà trọ của Sở GD. Nhưng tối nào ông cũng rủ tôi đi bách bộ quanh các phố và câu chuyện thường là xung quanh các điển hình tiên tiến như Bắc Lý, Hải Nhân, Cẩm Bình… mà ông và các phóng viên của báo đã dày công tìm hiểu. Ông muốn tờ báo của ngành giáo dục phải trở thành cẩm nang của các nhà trường và nhà giáo trong việc học tập và nhân rộng bài học kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến. Vì vậy ông luôn luôn đòi hỏi các bài viết phải chỉ ra được cách làm. Ông đã góp phần làm nên cốt cách của tờ báo, làm cho tờ báo có uy tín với nhiều báo bạn. Vì thế, thời ấy mỗi khi ngành giáo dục có sự kiện gì, một số báo thường sang đặt bài phóng viên của báo Người giáo viên nhân dân.
Còn tôi, từ một nhà giáo trở thành nhà báo và trụ vững được ở Giáo dục và Thời đại cho đến ngày về hưu là nhờ có công rèn giũa ngay từ đầu vào nghề của nhà báo tài năng Tô Văn Của - người anh cả đầu tiên của những người làm báo ngành giáo dục.