(GD&TĐ) - Hà Nội hiện có hàng trăm chợ cóc, chợ tạm đang hoạt động và có “sức sống mãnh liệt”. Loại hình chợ tự phát này đã và đang trở thành nỗi lo về giao thông. Nỗi lo này giờ đây không chỉ hiện hữu ở trong nội thành mà ngay tại các vùng ven đô, vùng ngoại thành hiện tượng chợ cóc cũng đã gây không ít phiền toái cho người tham gia giao thông và câu chuyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chợ cóc vẫn còn nhiều nan giải.
Một chợ cóc hoạt động ngay trên đường Quốc lộ 16 (Hà Nội - Bắc Ninh) thuộc địa phận huyện Sóc Sơn làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông tại khu vực này |
Thực tế cho thấy, không riêng gì trong nội thành, những năm gần đây ở các vùng ngoại thành, vùng ven đô, chợ cóc vẫn mặc nhiên tồn tại và phát triển cho dù đã nhiều lần bị giải tỏa.
Xét ở một góc độ nào đó, chợ cóc phát triển mạnh cũng phản ánh phần nào đời sống vật chất của nhân dân vùng ngoại thành đang ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên những phiền toái mà nó mang lại không phải là nhỏ. Trong đó, nhiều nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, va quyệt xe dẫn đến xích mích, đánh nhau làm mất an ninh trật tự.
Một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy ở những loại hình chợ này đó là tính tự phát rất cao, trong khi đó tính tự giác lại kém. Chợ được hình thành và hoạt động không theo một nguyên tắc tổ chức nào để buộc người mua, người bán phải tuân theo. Bên cạnh đó, chợ lại thường được thành lập ở những nơi có đường Quốc lộ đi qua hoặc là ở những điểm giao lộ.
Vì là chợ tự phát, do đó việc mua bán rất lộn xộn làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự.
Tại huyện Sóc Sơn, một huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội hiện cũng có hàng chục chợ cóc, chợ tạm được mọc ngay trên đường Quốc lộ.
Chỉ tính riêng trên đường Quốc lộ 16 (đi Hà Nội – Bắc Ninh), từ địa bàn xã Phù Lỗ đến xã Kim Lũ của huyện Sóc Sơn khoảng 7km có ít nhất từ 4 đến 5 chợ cóc, chợ tạm mọc ngay hai bên đường khiến giao thông đi lại rất khó khăn.
Qua tìm hiểu được biết, tại những khu vực có chợ cóc hoạt động, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ thường xuyên xảy ra vào các giờ cao điểm và thường kéo dài trên dưới 30 phút.
Anh Nguyễn Văn Dương xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, anh đã phải cãi lộn với mấy bà bán hàng cũng chỉ vì đường xá đông đúc, hàng quán thì bày bán tràn lan ra đường. Anh kể: Hôm đó anh đi trong tình trạng giao thông bị tắc nghẽn, xe nọ luồn lách xe kia; anh vừa phải tránh đường, tránh xe lại phải tránh cả những hàng hóa được bày bán hai bên đường. Cùng một lúc anh phải xử lý nhiều tình huống nên lúng túng và đã bị ngã xe vào hàng hoa quả, khiến một lượng lớn hoa quả bị nát. Kết quả anh phải ấm ức đền cho bà chủ hàng hoa quả hơn 300.000đ.
Trường hợp của anh Dương chỉ là ví dụ điển hình về tình trạng giao thông tại một số điểm có chợ cóc hoạt động khu vực ngoại thành Hà Nội. Trên thực tế còn có vô vàn tình huống dở khóc, dở cười khác mà ở đó quyền lợi của người tham gia giao thông đã và đang bị xâm phạm.
Chợ cóc này được hình thành ngay trên đường dân sinh thuộc tổ dân phố 21; 22 phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội khiến người dân khu vực này gặp không ít phiền toái |
Ngay tại phường Ngọc Thụy, Long Biên, mặc dù phường đã có trung tâm thương mại lớn là chợ Ngọc Thụy, song trên địa bàn vẫn tồn tại hàng chục chợ cóc, chợ tạm.
Tại khu vực trường Học viện Hậu Cần, một chợ cóc được hình thành ngay trên đường dân sinh của khu dân cư tổ 21, 22 phường Ngọc Thụy. Nhiều người dân cho biết, lúc đầu chỉ một vài người mang vài túi đồ, bày hàng ra bán, sau người nọ theo người kia kéo đến chiếm hẳn một đoạn đường với đủ loại mặt hàng từ hàng dân dụng, thực phẩm đến các sản phẩm may mặc, giầy dép v.v… gây ra cảnh mua bán lộn xộn, mất an ninh trật tự và tình trạng ùn tắc giao thông hầu như ngày nào cũng xảy ra vào giờ cao điểm.
Ở một số vùng ven khác như khu vực đầu cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông, hai bên đường cũng biến thành nơi họp chợ. Người dân các khu vực lân cận mang các sản phẩm rau, thịt, cá... ra bán gây ách tắc giao thông cục bộ.
Trước thực trạng trên, dư luận mong muốn các ngành chức năng, chính quyền địa phương nơi có chợ cóc, chợ tạm hoạt động cần có biện pháp khắc phục để sớm trả lại lòng lề đường cho người tham gia giao thông. Kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm bày bán hàng hóa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Ngoài ra các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng chợ để nhân dân thuận tiện trao đổi hàng hóa, từng bước xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm như hiện nay. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về Luật giao thông và văn hóa giao thông.
Minh Hằng