Ngoại ngữ và kĩ năng nghề - Yếu tố quyết định để dịch chuyển lao động

GD&TĐ - Thị trường lao động khối ASEAN được dự báo sẽ có sự tăng trưởng bứt phá về việc làm nhờ dòng lao động di cư mạnh mẽ. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động tạo ra nhu cầu ngày càng tăng với những lao động có trình độ, kĩ năng cao. 

Ngoại ngữ và kĩ năng nghề - Yếu tố quyết định để dịch chuyển lao động

Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cấp bách luôn được đặt ra đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Còn nhiều hạn chế

Đến nay ASEAN đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề của cơ quan chính thức đối với tám nghề được “tự do” chuyển dịch: Kiểm toán, kiến trúc, kĩ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.

Đồng thời việc công nhận lẫn nhau về kĩ năng nghề sẽ là một trong những điều kiện rất quan trọng trong thực hiện dịch chuyển lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, thực trạng chất lượng nguồn nhân lực đang cho thấy những hạn chế không nhỏ, cụ thể là xuất phát điểm thấp, với khoảng 45% lực lượng lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết chưa qua đào tạo, chỉ có khoảng 30% tỉ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức...

Không chỉ yếu về tay nghề, lao động Việt Nam còn hạn chế về ngoại ngữ. Trong khi đó, ở một số nước khu vực ASEAN, lao động phổ thông cũng có thể sử dụng được tiếng Anh. Nhìn chung, lao động Việt Nam dường như vẫn chưa chuẩn bị tâm thế cho việc dịch chuyển lao động tự do.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, sở dĩ nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu dịch chuyển lao động do nhiều năm qua, giáo dục nghề nghiệp vẫn tồn tại nghịch lý lớn trong cơ cấu đào tạo, số lượng đào tạo khối kinh tế quá nhiều so với khối kỹ thuật.

Trong khi nhu cầu của thị trường đối với trình độ đại học chỉ 12 - 13%, cao đẳng và trung cấp hơn 50%, thì xu hướng muốn vào đại học vẫn chiếm đến 88%.

Các bất hợp lý này đi ngược với nhu cầu của thị trường. Vì vậy, dù có đào tạo giỏi mấy mà cứ đi ngược với nhu cầu thì sinh viên vẫn thất nghiệp, chất lượng lao động không cao và khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo

TS Vũ Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng: Nguyên nhân sự yếu kém của nguồn nhân lực lao động Việt Nam hiện nay chủ yếu là do chưa qua đào tạo. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%.

Chỉ có đào tạo mới khắc phục được những yếu kém về phẩm chất, năng lực của người lao động; chỉ đào tạo mới biết cách làm để năng suất, chất lượng được nâng lên.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo TS Vũ Xuân Hùng cần phải có nhiều giải pháp từ vĩ mô đến vi mô, từ quản lí Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách đến tổ chức, quản lí đào tạo nghề.

Trong đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần phải tập trung vào một số giải pháp chính như: Đổi mới quản lí Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các luật có liên quan theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GDNN...; Triển khai và quản lí khung trình độ quốc gia; thiết lập hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia; Phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN...

Đặc biệt, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, đây là giải pháp quan trọng trong việc hóa giải nhiều khó khăn bất cập hiện nay về chất lượng đào tạo.

Muốn vậy cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN theo quy định của Luật GDNN và Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN; phối hợp với Bộ Tài chính triển khai áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN...

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: Đối với người học, cần xác định học để đi làm, trang bị cho mình một vốn kiến thức, trình độ ngoại ngữ cần thiết.                                                                                                                                                                                                         Đối với người đang đi làm, chủ động tham gia các khóa học ngoại ngữ và kĩ năng để hoàn thiện, nâng cao năng lực làm việc hơn, tự tin tham gia thị trường lao động quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ