Ngoại ngữ - rào cản ngăn cầu thủ Việt xuất ngoại

Ngoại ngữ - rào cản ngăn cầu thủ Việt xuất ngoại

Từ trường hợp đầu tiên là Huỳnh Đức sang Trung Quốc thi đấu, cho tới Văn Hậu tới trời Âu, cầu thủ Việt ra nước ngoài luôn nhận sự quan tâm đặc biệt. Tuy vậy, không phải người nào cũng gặt hái thành công. Đặng Văn Lâm là trường hợp hiếm hoi thành công khi xuất ngoại. Anh có thể nói tốt ba thứ tiếng Việt, Anh và Nga.

Bên cạnh yếu tố chuyên môn được cho là quyết định, vấn đề ngoại ngữ luôn được nhắc đến như một rào cản lớn nếu họ muốn thành công ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ngoại ngữ và tư duy cầu thủ Việt Nam

Khoan bàn đến việc đáp ứng chuyên môn, mọi người đều thấy rằng vấn đề giao tiếp đóng vai trò quan trọng đến thế nào trong những chuyến xuất ngoại.

Cầu thủ khi quyết định ra nước ngoài thi đấu không chỉ có chơi bóng. Thời gian trên sân bóng chỉ chiếm một phần nhỏ trong quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày. Ngay cả trên sân bóng, cầu thủ muốn phát triển hơn phải giao tiếp, trao đổi được với đồng đội, phải hiểu những gì HLV truyền đạt. Giao tiếp - ngoại ngữ - là chìa khóa giúp cầu thủ hòa nhập nhanh hơn với môi trường mới.

Đáng tiếc, không nhiều cầu thủ Việt Nam có thể tự trang bị cho mình vốn tiếng Anh - thứ ngôn ngữ thông dụng nhất - đủ để có thể tự tin nói chuyện với người nước ngoài khiến họ tự ty khi đứng trước cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Một vài người có vốn tiếng Anh tốt thể hiện rõ sự khác biệt trong những trường hợp như thế.

Công Vinh là một ví dụ điển hình. Cầu thủ này sang Nhật Bản chơi bóng, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế. Khi còn thi đấu, anh được nhắc đến như hình mẫu lý tưởng cho giới cầu thủ. Đáng tiếc là không nhiều người làm được như vậy.

Nguyễn Công Cường, người từng được đưa sang Liverpool và có thời gian tập luyện cùng Raheem Sterling và có cơ hội ở lại nước Anh chơi bóng, sau này thừa nhận rằng ngoại ngữ là rào cản lớn nhất khiến anh không thể hòa nhập và phải quay lại Việt Nam.

"Thể hình của tôi so với đồng đội cùng trang lứa không hề thua kém. Tuy nhiên, tiếng Anh lại là một vấn đề. Tôi không thể giao tiếp bình thường với họ, không hiểu hết chỉ đạo của HLV. Giá như lúc đó tôi tự tin giao tiếp hơn, tiếng Anh khá hơn, có lẽ mọi thứ sẽ khác", Cường chia sẻ trong dịp Sterling cùng Manchester City tới Việt Nam.

Tiền vệ Đức Huy hơn một lần chia sẻ về chuyến thử việc tại Nhật Bản được xem là kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh. Cầu thủ này thừa nhận khó khăn và bỡ ngỡ khi cùng Duy Mạnh ra nước ngoài thử việc và phải rất khó khăn để giải quyết khi bị cơ quan chức năng nước bạn giữ lại sân bay.

Nếu không có tờ giấy ghi liên lạc của đại diện Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản cùng sự nhanh nhạy trong việc dùng ngôn ngữ cơ thể của Duy Mạnh, hai người có lẽ còn gặp nhiều rắc rối hơn nữa.

Thay đổi không phải chuyện dễ

Ngày ra mắt học viện JMG, bầu Đức khẳng định mục tiêu là xuất khẩu lứa Xuân Trường, Công Phượng, thậm chí thị trường nhắm đến là trời Âu. Một trong các yếu tố cần thiết để làm được việc này là trau dồi ngoại ngữ. Kết quả, hầu hết cầu thủ tốt nghiệp tại đây đều giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Xuân Trường giao tiếp và phát âm tiếng Anh tốt
Xuân Trường giao tiếp và phát âm tiếng Anh tốt 

Xuân Trường thậm chí còn lên sóng truyền hình, "chém" bằng tiếng Anh mà không hề vấp váp. Sau này, anh liên tục được đưa ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội thi đấu và những hình ảnh bên lề cho thấy sự tự tin của cầu thủ quê Tuyên Quang khi giao tiếp cùng đồng đội.

Sau Công Vinh, lứa cầu thủ khóa một học viện JMG có lẽ là "chuẩn" để nhiều nơi hướng đến. Dù vậy, thực tế không hề dễ dàng, không phải cứ vung tiền học là sẽ thành tài.

Cầu thủ trẻ Việt Nam chỉ có tối đa 4 năm đầu vào nghề được "thảnh thơi" khi đây là giai đoạn phát triển tư duy, kỹ năng cá nhân, dành cho lứa cầu thủ 11-15 tuổi.

Bước sang tuổi 16, giai đoạn bản lề cho sự nghiệp chuyên nghiệp sau này, họ bước sang tập luyện chuyên sâu hai buổi mỗi ngày. Đến giai đoạn 19-21 tuổi, cầu thủ gần như sẽ không học văn hóa và tập trung tối đa vào chuyên môn.

Trung tâm Đào tạo Bóng đá Viettel từng thuê cả gia sư tiếng Anh cũng như tổ chức các lớp giao tiếp và kỹ năng mềm, nhưng hiệu quả đến đâu thì không nhiều người đong đếm được.

Văn Quyết thuê gia sư dạy riêng tại nhà, nhưng khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của đội trưởng CLB Hà Nội vẫn chưa được cải thiện quá nhiều. Đồng đội của anh, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng, cũng lên kế hoạch chi tiết để trau dồi thêm ngoại ngữ. Kết quả, cầu thủ sinh năm 1994 đành bó tay.

Khi được hỏi, cầu thủ này thừa nhận: "Tập luyện cả ngày về mệt mỏi sẽ không thể tiếp thu vào đầu. Để có thể học tiếng Anh, cầu thủ cần có lộ trình cụ thể, dài hơi. Tôi nghĩ không thể cùng lúc làm tốt cả hai việc, vừa đá bóng vừa học tiếng Anh được".

Theo zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ