Lý do là bởi vì nước này đã hợp thức hóa việc tìm đến cái chết êm ái từ năm 2003. Theo The Times, những khách du lịch xin được an tử dùng thẻ bảo hiểm y tế Liên minh châu Âu để xin cấp một liều thuốc độc miễn phí. Họ thường đến Bỉ cùng hồ sơ của mình, và mong muốn có được cái chết êm ái trong vòng một tuần.
Bác sĩ Olivier Vermylen làm việc ở một bệnh viện ở Brussels cũng đã báo cáo về sự gia tăng đột biến của du khách nước ngoài đến Bỉ để tìm kiếm sự an tử (mong muốn có một cái chết êm dịu).
Vermylen cho biết chỉ tính riêng trong bệnh viện nơi ông làm việc đã có tới 15 người xin được chết, trong đó có 7 người đến từ Pháp (tại Pháp, an tử vẫn bị cấm).
Điều đặc biệt là khoảng thời giàn 5,6 năm trước, điều này chưa từng xảy ra.
Du khách đổ xô đến Bỉ để xin được chết
Đưa ra nhận định thêm, GS Raphael Cohen-Almagor ở Đại học Hull, Anh nói rằng đây là một hiện tượng đáng lo ngại, khi mà ông chứng kiến nhiều người Anh rời khỏi đất nước và đến Thụy Sĩ, nơi họ được giúp đỡ để chết. Gần 300 người Anh đã đi đến Zurich để được trợ tử với sự giúp đỡ của Dignitas, một trung tâm trợ giúp quyền được chết ở Thụy Sĩ.
Theo thống kê, hiện nay có ba quốc gia bao gồm: Hà Lan, Bỉ, Luxembourg áp dụng hình thức trợ tử - cái chết nhân đạo chủ động. Thụy Sĩ, Argentina và năm bang của Mỹ áp dụng cái chết nhân đạo thụ động.
Các quốc gia, lãnh thổ áp dụng cái chết nhân đạo đều có quy định pháp lý về điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ đối với mỗi hình thức.
Tuy nhiên, cho đến nay trên thế giới, vẫn còn nhiều người ở các quốc gia đang kêu gọi đấu tranh cho việc hợp pháp hóa quyền được chọn cái chết nhẹ nhàng. Nhưng, số người phản đối "Quyền được chết" này cũng không phải là ít, họ cho rằng, việc gây nên cái chết cho người khác dù trực tiếp hay gián tiếp đều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
Việt Nam cũng đang rất e dè với “quyền được chết”, bởi nó dễ bị lạm dụng để hợp thức hóa hành vi giết người.
Khi xây dựng Bộ luật dân sự 2005, đã có ý kiến về việc đưa cái chết nhân đạo vào quy định luật nhưng không được sự đồng thuận.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, dự thảo sửa đổi Luật dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo thì vấn đề cái chết nhân đạo cũng được các chuyên gia đưa ra. Các tranh cãi về vấn đề này vẫn chưa kết thúc giữa ý kiến ủng hộ và phản đối.
Hiến pháp Việt Nam hiện tại (Hiến pháp 2013) cũng chưa thừa nhận quyền được chết. Lý do là Nhà nước nhận thấy quyền được chết chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất.
Như thế ở thời điểm hiện tại quyền được chết, dẫu là nhu cầu có thật của một bộ phận dân cư, nhưng không khả thi do không có quy định, chưa phù hợp với phát triển xã hội.
Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Quyền được chết là một quyền rất mới. Trên thế giới hiện vẫn đang tranh cãi về vấn đề này. Quyền được chết có thể gây ra lẫn lộn trên hai phương diện: thứ nhất, bệnh nhân thực sự có muốn thực hiện quyền được chết và thứ hai là tình trạng có kẻ xấu lợi dụng, lạm dụng quyền này.
Vì thế, quyền được chết chỉ thích hợp đưa vào luật khi chúng ta có hệ thống y khoa chặt chẽ dưới sự kiểm soát chặt chẽ và nhận thức đúng đắn của người dân".