Nghiên cứu về ngoại cảm thời chiến tranh lạnh

Nghiên cứu về ngoại cảm thời chiến tranh lạnh

Tài liệu giải mật có gì?

Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) vừa công bố tài liệu giải mật, qua đó cho thấy trong thời kỳ chiến tranh lạnh vào những năm 1970, cơ quan này đã dành không ít thời gian để theo dõi các nghiên cứu sự tồn tại của tri giác ngoại cảm (ESP) và hiện tượng tâm linh. Lúc này, DIA còn bị ám ảnh bởi cơn ác mộng với kịch bản đáng sợ: Những người Xô Viết thành công trong việc sử dụng ESP như một công cụ trong hoạt động tình báo. Lúc đó, bí mật của Lầu năm góc, của CIA và của các yếu nhân khác sẽ bị "bật mí" trước khả năng xâm nhập qua hình thức ngoại cảm của Điện Kremlin và KGB.

Trước nguy cơ này, DIA (cùng với CIA và quân đội Mỹ) đã tập trung vào các nghiên cứu hiện tượng tâm linh với mục đích gián điệp do Liên Xô thực hiện. Qua đó, họ đã biết được một số tiến bộ của các nhà khoa học Nga và Tiệp Khắc về mối liên hệ giữa hiện tượng tâm linh và vương quốc loài vật.

Trong một tài liệu ghi tháng 9/1975 mang tên Nghiên cứu cận tâm lý của Liên Xô và Tiệp Khắc, DIA tiết lộ phát hiện của họ về các nghiên cứu trên loài vật và hiện tượng ngoại cảm ở các quốc gia thuộc khối Xô Viết (cũ). Đáng chú ý là DIA đã biết về nghiên cứu năng lực ngoại cảm ở loài vật của Liên Xô từ nhiều thập niên trước nhằm chứng minh thần giao cách cảm giữa người và loài vật tồn tại trong thực tế. 

Tài liệu của DIA cho biết: "Mục tiêu ban đầu trong cuộc nghiên cứu của Vladimir Bekhterev (nhà thần kinh học người Nga, cha đẻ của tâm lý học khách quan) là nhằm chứng minh hiện tượng thần giao cách cảm giữa người và vật có sự trung gian của một hình thức bức xạ điện từ (FMR). Tuy nhiên, vào năm 1937, ông và những nhà cận tâm lý Xô Viết khác kết luận rằng, không có dạng nào của EMR được biết là vật truyền tải ý nghĩ. Lý thuyết EMR truyền tải thông tin vẫn chưa được những người Xô Viết chứng minh nhưng vẫn là cơ sở chính cho nhiều nghiên cứu của họ".

Nghiên cứu về ngoại cảm thời chiến tranh lạnh ảnh 1
Tài liệu giải mật của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ.

Có "dịch chuyển sinh học"?

Ba thập niên sau nghiên cứu đầu tiên của Bekheterev, Liên Xô vẫn tiếp tục công việc nhằm đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực hấp dẫn này. Trong năm 1962, chuyên gia cận tâm lý, B.S Kazhinskiv, đưa ra lý thuyết rằng, loài vật có khả năng nhận thức thị giác và thính giác, đồng thời cho thấy sự hiểu biết của chúng về hành vi của con người hoặc con vật khác.

Theo Kazhinskiv, những tín hiệu được truyền qua hình thức "tia bức xạ sinh học" và được phân tích bởi động vật tiếp nhận như là kết quả của hiện tượng phản xạ có điều kiện. Thuật ngữ "tia bức xạ sinh học" vẫn được dùng bởi một số nhà cận tâm lý để chỉ trọng điểm và sự tập trung năng lượng sinh học bởi não và các kênh thần kinh thị giác.

Nếu nghiên cứu của Kazhinskiv về nhận thức thị giác và thính giác được cho là có cơ sở, sẽ đưa ra khả năng là toàn bộ vương quốc loài vật trên hành tinh chúng ta có khả năng sử dụng các công cụ tinh thần vượt cả loài người.

DIA cũng biết rằng, hai thập kỷ nghiên cứu ở Tiệp Khắc đã đưa đến một số kết quả gây sửng sốt có liên quan đến "sự dịch chuyển năng lượng" giữa các mẫu mô sinh học. Tài liệu cho biết: "Nghiên cứu của Tiệp Khắc về dịch chuyển năng lượng từ loài vật sang người và từ người sang người, cũng đã chứng minh EMR như là phương tiện vận chuyển năng lượng sinh học. 

Trong các thí nghiệm được tiến hành giữa năm 1948 và 1968 tại Viện Y tế cộng đồng Okres, Kutna Hora, Tiệp Khắc, Tiến sĩ Jiri Bradna đã chứng minh sự dịch chuyển không tiếp xúc (myotransfer) qua kích thích giữa các tiêu bản thần kinh cơ của ếch. Ông đặt những mẫu giống hệt bên cạnh nhau, rồi kích thích một tiêu bản bằng xung điện ở tần số giữa 10 và 30 xung mỗi giây. Kết quả đã gây ra sự co rút và một phản ứng điện cơ đồ được ghi nhận ở mẫu kia. 

Trong những thí nghiệm khác, kích thích các mẫu cơ bắp đã ảnh hưởng tới sự đu đưa của quả lắc và gia tăng sự căng cơ của một đối tượng người. Bradna đã báo cáo ứng dụng thành công myotransfer trong vật lý trị liệu. Nó cho thấy hiệu quả ở cả cá nhân và nhóm. Những tác dụng kích thích như vậy ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và cũng có thể là một yếu tố làm thay đổi hành vi của con người trong điều kiện bị cô lập hoặc quá đông đúc".

Một nhà khoa học Liên Xô khác, AS Presman, nhận thấy năng lượng sinh học và trao đổi thông tin ở các sinh vật sống là kết quả của sự tương tác trường điện từ (EMF) giữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân và môi trường. Ông đã ghi lại EMF từ người, ếch và côn trùng ở phạm vi từ vài cm đến vài mét từ bề mặt cơ thể. Các tần số của EMF được tìm thấy tương ứng với các nhịp sinh học khác nhau của các cơ quan, nhịp điệu của chuyển động và tín hiệu âm thanh, nhịp điệu điện sinh học.

Presman cũng suy đoán về lý do khả năng ngoại cảm biểu hiện rõ rệt ở loài vật, trong khi ở người thiếu khả năng như vậy. Ông cho rằng, tín hiệu điện từ phổ biến giữa các loài động vật, nhưng hiếm xảy ra giữa con người, vốn mất khả năng giao tiếp như vậy, có thể là kết quả của sự tiến hóa và sự phát triển của các kênh giao tiếp bằng lời nói và nhân tạo. Ông không loại trừ khả năng "thần giao cách cảm tự phát" đôi khi có thể xảy ra, nhưng rất hiếm.

Tài liệu của DIA cho biết, các thí nghiệm ESP cổ điển với động vật sau đó không còn được quan tâm ở Liên Xô. Các thí nghiệm điển hình từ 1920 - 1955 đã được thay thế bằng các đề cương nghiên cứu tinh vi, nghiên cứu các tương tác phức tạp giữa con người, động vật và thực vật.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ